Trang tin điện tử Axios ngày 27/3 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Tập Cận Bình sẽ được tổ chức ở khu nghỉ dưỡng cao cấp Mar-a-Lago, Palm Beach, trong hai ngày 6-7/4.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc sẽ không chơi golf để bàn công chuyện như trong cuộc gặp của Tổng thống Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thay vào đó, nhiều khả năng đó sẽ là một cuộc họp bàn công chuyện đơn thuần.
Tuy nhiên, kênh truyền hình CNN trích dẫn lời của một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, kế hoạch trên mới chỉ là dự kiến.
Kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung này gợi cho mọi người nhớ về cuộc họp không chính thức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại khu nghỉ mát Sunnylands, California hồi năm 2013. Các nhà quan sát lại cho rằng, việc gặp gỡ tại địa điểm như vậy đã tạo không gian để hai nhà lãnh đạo có những cuộc thảo luận thẳng thắn hơn.
Vào lúc này, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề trên. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh từ chối xác nhận kế hoạch tổ chức cuộc họp thượng đỉnh sắp tới.
“Tất cả điều tôi có thể nói lúc này đó là cả hai bên vẫn đang tìm kiếm tất cả các khả năng để thúc đẩy cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra thông báo chính thức”, một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói.
Những nhà ngoại giao còn cho biết, Bắc Kinh không thể xác nhận trước Washington về cuộc họp thượng đỉnh đó. Họ còn dẫn chứng những lo ngại về khả năng chưa thể dự đoán trước được trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Còn nhớ, ông Trump đã có những phát biểu làm mối quan hệ Mỹ-Trung một phen xáo trộn trong những ngày đầu mới nhậm chức.
“Bài học lớn nhất mà chúng tôi nghiệm được cho tới lúc này đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump đó là mọi thứ đều có thể, và chúng tôi luôn luôn phải chuẩn bị cho những tình huống không thể lường trước được”, một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Các nhà phân tích cũng bày tỏ sự lo ngại rằng căng thẳng trong quan hệ song phương có thể khiến cuộc họp cấp cao như trên bị trì hoãn và có thể gây ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017.
Theo họ, chuyến thăm Bắc Kinh vừa rồi của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tạo ra động lực tích cực cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung vào đầu tháng 4 này.
Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông Pang Zhongying chia sẻ quan điểm cá nhân rằng, cuộc họp thượng đỉnh đó có phần không bình thường vì công tác tổ chức vội vàng. “Phải có các vấn đề cấp thiết để hai nhà lãnh đạo gặp mặt nhau. Nếu không, Trung Quốc sẽ không vội vàng để lo chuẩn bị cho cuộc họp đó”, ông Pang nói.
Quả thực, quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã trải qua giai đoạn thử thách kể từ khi ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chiến thắng bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016.
Còn nhớ, trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Trump từng đưa ra phát ngôn gây tranh cãi khi gọi Trung Quốc là “nước lũng đoạn tiền tệ nhất hành tinh”. Vị tỷ phú Mỹ này mạnh miệng tuyên bố sẽ gắn cho Trung Quốc mác là nước “lũng đoạn tiền tệ” ngay ngày đầu nhậm chức cũng như đặt nghi vấn về sự tính pháp lý của chính sách một Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, hai bên đã tăng cường các mối liên kết. Trong cuộc điện đàm hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Mỹ sẽ tôn trọng cam kết đối với chính sách một Trung Quốc.
Bà Yuan Zheng, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chia sẻ cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Trump sẽ hình thành một tín hiệu đối với mối quan hệ Trung-Mỹ. “Mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ có lợi ngay khi cả hai nhà lãnh đạo chỉ thiết lập mối quan hệ thuần túy công việc”, nhà nghiên cứu Yuan nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu tới từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) Huang Jiang cảnh báo về các kỳ vọng cao rằng, cuộc họp sẽ giải quyết tất cả những bất trắc tồn tại giữa hai nước.
“Tôi vẫn nghĩ, Tổng thống Trump rất có thể cứng rắn với Trung Quốc. Trong khi cả hai bên có thể không muốn xích mích hay xung đột, rõ ràng Bắc Kinh cũng nên chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất, chẳng hạn như một cuộc chiến tranh thương mại vốn được nhiều người suy đoán. Có thể nghĩ rằng, những trao đổi cấp cao giữa đôi bên, bao gồm cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo, có thể tác động nào đó tới chính sách ngoại giao Mỹ vốn vẫn chưa định hình ở thời điểm hiện tại”, nhà nghiên cứu Huang nói.
Nguồn tin: Kiến Thức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn