Tờ Izvestia dẫn nguồn tin Hải quân Nga cho biết, chương trình tên lửa ngầm Skiff đã được thử nghiệm cấp nhà máy hồi năm 2013. Hiện nay, chương trình vũ khí đặc biệt này đã được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga để tiếp tục thử nghiệm ở cấp Nhà nước.
Để đặt tên lửa này xuống đáy biển, Nga sẽ sử dụng tàu ngầm diesel-điện B-90 Sarov dự án 20120 đã được cải tiến để thực hiện nhiệm vụ này. Trong phần mũi tàu ngầm Sarov bố trí một ống phóng lôi ngoại cỡ và các bể chứa tải trọng đặc biệt dùng để bù đắp trọng lượng của quả tên lửa thả khỏi tàu ngầm và giúp tàu giữ sự ổn định.
Việc bố trí vũ khí chiến lược dưới đáy biển có lợi thế là hầu như giữ được bí mật vị trí của tên lửa đối với tàu ngầm của đối phương và tạo ra lợi thế trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Bên cạnh đó, bố trí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân dưới đáy biển còn tiết kiệm chi phí quốc phòng. Bởi chỗ bố trí tên lửa không cần phải tăng cường bảo vệ cũng như trang bị hệ thống phòng thủ trước sự tấn công của đối phương.
Khác với tàu ngầm có thể tự do di chuyển hầu như rộng khắp trong lòng đại dương, sử dụng tên lửa đạn đạo dưới đáy biển bị khống chế bởi luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, vào năm 1972, hiệp định "Cấm bố trí dưới đáy biển và đại dương vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt khác" có hiệu lực. Hiệp định này hiện có 94 nước đã ký (trong số các nước có vũ khí hạt nhân, có Pháp, Pakistan, CHDCND Triều Tiên không ký hiệp định này).
Hiệp định cấm bố trí vũ khí hạt nhân tại đáy biển hoặc đại dương trong vòng 12 hải lý thuộc vùng duyên hải. Tóm lại, trong trường hợp Skiff được biên chế vào lực lượng vũ trang, Nga chỉ có thể bố trí loại vũ khí mới trong lãnh hải của mình.
Bên cạnh đó, biên chế tên lửa đạn đạo Skiff vào lực lượng vũ trang Nga có thể làm cho quan hệ của nước này với các nước khác xấu đi, trước hết là Mỹ. Vào năm 2010, Moscow và Washington ký Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (START III) và có hiệu lực vào năm 2011. Hiệp định này không cho phép sản xuất và bố trí đặt vũ khí hạt nhân dưới lòng biển.
Điều này có nghĩa là, nếu tiếp nhận tên lửa Skiff vào lực lượng vũ trang, Moscow cần phải đàm phán với Washington để tu chỉnh START III. Tuy nhiên, có thể tiên đoán là người Mỹ sẽ không đồng ý điều này. Hoặc đổi lại có thể Washington sẽ yêu cầu Moscow từ bỏ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ chiến lược ở châu Âu.
Dù phương Tây đang thực sự quan ngại trước chương trình vũ khí đặc biệt này, nhưng Bộ Quốc phòng Nga không chính thức khẳng định đang thiết kế hệ thống tên lửa đạn đạo Skiff. Ngay cả trong chương trình quốc phòng của Nga đến năm 2020 không thấy đề cập tới hệ thống này. (Ảnh trong bài: Tên lửa R-29RMU2).
Nguồn tin: Đất Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn