Theo RT, chuyến thăm dự kiến diễn ra vào đầu mùa hè năm nay đã được hoãn lại sau lời đề nghị của ông Trump với Thủ tướng Anh Theresa May. Được biết, tân Tổng thống Mỹ tỏ ra lo ngại trước làn sóng phản đối chính sách cấm nhập cảnh, hà khắc với người Hồi giáo của ông đang diễn ra rầm rộ ở Anh.
Có thông tin cho rằng chuyến công du sẽ được nối lại vào ngày 5 – 8/10, trước khi Quốc hội Anh họp trở lại. Tuy nhiên, người phát ngôn Số 10 phố Downing cho biết mốc thời gian tháng 10 chỉ là đồn đoán, đồng thời khẳng định hai bên vẫn chưa ấn định thời điểm.
Ông Trump và bà May trò chuyện tại Nhà Trắng hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
|
Lịch trình mới này sẽ giúp ông Trump tránh được hoạt động phản đối của các thượng nghị sĩ Anh – những người đã thảo luận có nên để ông Trump thăm cấp nhà nước hay không.
Cuộc tranh luận trên khởi nguồn từ một lá đơn kiến nghị do người dân Anh soạn thảo, yêu cầu cấm Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính nước này và đã thu được 1,8 triệu chữ ký tán thành.
Sắc lệnh cấm cư dân từ 7 quốc gia có đa số người theo đạo Hồi (bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen) nhập cảnh Mỹ của ông Donald Trump đã bị chỉ trích gay gắt trên khắp thế giới. Chính quyền của ông Trump đang chuẩn bị ban hành một sắc lệnh nhập cư mới sau khi bị các thẩm phán liên bang phủ quyết.
Trước đó, ngày 29/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã bày tỏ sự không đồng ý với các biện pháp hạn chế nhập cư do tân Tổng thống Mỹ áp đặt và tuyên bố sẽ can thiệp nếu những biện pháp này ảnh hưởng đến các công dân "xứ sở sương mù".
Thủ tướng May đã gửi lời mời ông Trump thăm cấp nhà nước ít hôm sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Trước đó, người tiền nhiệm Barrack Obama chỉ nhận được lời mời công du Anh sau 28 tháng nhậm chức, trong khi ông George W. Bush thậm chí phải chờ tới hơn 2 năm rưỡi.
Hai tổng thống Mỹ là ông Bill Clinton và Ronald Reagan đều chưa thăm cấp nhà nước Anh trong suốt tám năm nhiệm kỳ của họ.
Nhiều người đã chỉ trích bà May vội vàng muốn lệ thuộc vào chính quyền Trump để nhằm đảm bảo một thỏa thuận chắc chắn với Mỹ trong giai đoạn nhạy cảm sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).