Có căn cứ để UBND tỉnh Bình Định xem xét hỗ trợ và bồi thường các hạng mục chưa thỏa đáng cho gia đình ông Sáu
Thứ bảy - 08/02/2020 03:56
Tiếp tục chương trình tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc, sángThứ bảy (03/10), tại Văn phòng đại diện Pháp lý điện tử khu vực MT&TN, Luật gia Trương Việt Kon Tum đã thực hiện tư vấn miễn phí cho ông Phạm Sáu thường trú tại Tổ 21, KV4, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn.
Tại buổi tư vấn ông Sáu trình bày: Ông là thương binh hạng ¾, mất sức lao động 45%, đảng viên Đảng CSVN (tham gia hoạt động cách mạng tại Ban An ninh thị xã Quy Nhơn năm 1968, đến năm 1970 bị địch bắt đày ra Côn Đảo). Sau năm 1975 về địa phương tham gia công tác tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn đến năm 1999 thì nghỉ việc. Để tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, vợ chồng tôi đã gom góp toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm của người thân, ban bè sang khu vực Bãi Nhóm, xã đảo Nhơn Hội (nay là thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn) để nhận sang nhượng toàn bộ diện tích mặt nước của các hộ gia đình ở xã Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn (khai hoang cải tạo trước đó) để tiếp tục cải tạo đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Sau 5 năm bỏ công sức và tiền của, vợ chồng ông đã tạo lập được khối tài sản gồm: Tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản: 14.000m2; bồi trúc: 2.600 m2 đất ổn định xây dựng được 14 công trình lớn nhỏ, trong đó có 03 ngôi nhà cấp 4 để ở lâu dài; và trồng gần cây 1.000 cây các loại để tạo bóng mát…
Đến năm 2004, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương quy hoạch dự án Khu kinh tế Nhơn Hội và sau đó là đường dẫn vào dự án Khu du lịch Hải Giang). Theo đó toàn bộ gần 17.000m2 mặt nước để nuôi trồng thủy sản (qua 3 đợt bị ảnh hưởng) bị giải tỏa trắng để thực hiện các dự án trên. Là một đảng viên, ông gương mẫu chấp hành sớm nhận tiền đền bù bàn giao mặt bằng để dự án thi công không bị ảnh hưởng.
Thế nhưng sau khi nhận tiền đền bù (3 đợt áp giá), ông phát hiện ra chính sách bồi thường không thỏa đáng, làm thiệt hại đến mồ hôi, tiền của của gia đình tôi đã bỏ ra. Cụ thể là: Không được hỗ trợ chính sách chuyển đổi nghề, tạo việc làm ổn định đời sống theo quy định pháp luật; gần 2.600m2 đất bồi trúc của gia đình bị giải tỏa trắng (đã được chính quyền địa phương xác nhận có nguồn gốc rõ ràng) không được bồi thường chi phí bồi trúc mà chuyển sang bồi thường theo đất trồng cây lâu năm hạng 4 và hạng 5 với giá quá thấp; riêng phần hỗ trợ nền móng để xây dựng nhà Khu TĐC Nhơn Phước chỉ được áp giá hỗ trợ 15 triệu đồng, cắt bớt 5.000.000 đồng…
Vấn đề ông Sáu hỏi, sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật ban hành tại thời điểm và đối chiếu với các tài liệu do ông Sáu cung cấp, Luật gia Trương Việt Kon Tum tư vấn như sau:
Tại Văn bản số 84/UBND-ĐC ngày 13/11/2014 và Văn bản số 92/UBND-ĐC ngày 21/11/2014, UBND xã Nhơn Hải xác nhận nguồn gốc của gần 2.600m2 (bao gồm cả giai đoạn 1 bị ảnh hưởng) của vợ chồng ông Phạm Sáu bị giải tỏa trắng phục vụ dự án du lịch Hải Giang: “Đất có nguồn gốc do hộ khai hoang, bồi trúc, cải tạo đắp bờ xây dựng nhà ở và nuôi trồng thủy sản năm 1999”.
Như vậy có căn cứ để Nhà nước xem xét bồi thường các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với 2.593,46m2 đất bồi trúc theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày 18/7/2008 của UBND tỉnh Bình Định và quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 7 Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 22/3/2012 của UBND tỉnh Bình Định. Trường hợp nếu những khoản chi phí mà gia đình ông Sáu đã bỏ ra không có đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh thì theo quy định tại văn bản này vẫn được Nhà nước xem xét bồi thường nếu có thực tế chứng minh.
Việc Hội đồng BT, HTGPMB&TĐC Khu du lịch Hải Giang đã vận dụng khoản 2 Điều 4 Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày 18/7/2008 của UBND tỉnh và điểm b, khoản 5 Điều 10 của Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 22/3/2012 của UBND tỉnh Bình Định, để theo đó áp 2.399,84m2 đất bồi trúc được bồi thường theo đơn giá đất trồng cây lâu năm hạng 4 (giai đoạn 1 x đơn giá 15.000đ/m2) và hạng 5 (giai đoạn 2 x đơn giá 11.000đ/m2), là không thỏa đáng làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của gia đình ông Sáu.
Mặt khác cũng theo xác nhận của chính quyền xã Nhơn Hải gửi đến Hội đồng BT, HTGPMB&TĐC Khu du lịch Hải Giang cho biết gia đình ông Sáu: “Hộ thu hồi 100% đất nông nghiệp, hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hộ sử dụng đất nông nghiệp không vượt hạn mức. Hộ có hộ khẩu thường trú tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn hiện tạm trú tại thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, gồm 03 nhân khẩu, 01 cặp vợ chồng”.
Như vậy, hộ gia đình ông Sáu được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo quy định tại Điều 16 Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ TNMT quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, TĐC và điểm a, khoản 1 Điều 28 Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 22/3/2012 của UBND tỉnh Bình Định; và được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 14 Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ TNMT quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, TĐC và điểm b, khoản 1 Điều 26 Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 22/3/2012 của UBND tỉnh Bình Định.
Việc ông Sáu cho biết tại Bảng tính toán bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án Khu Du lịch Hải Giang (giai đoạn 2) hộ gia đình ông được xem xét hỗ trợ 2 khoản (chuyển đổi nghề, tạo việc làm và hỗ trợ ổn định đời sống) với tổng số tiền cộng thêm là 68.219.000 đồng. nhưng khi đến nhận tiền, đã bị loại ra ngoài không cho nhận vì lý do không có hộ khẩu thường trú tại địa phương là không thỏa đáng, vì các văn bản pháp luật tại thời điểm không quy định.
Theo quy định tại khoản 10, Điều 25, Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 22/3/2012 của UBND tỉnh Bình Định thì mỗi hộ được xét cấp đất TĐC tại Khu TĐC Nhơn Phước được hỗ trợ chi phí gia cố nền, móng nhà 20.000.000 đồng để xây dựng nhà ở. Thế nhưng trong Bảng giá bồi thường được Ban BT, HTGPMB&TĐC Khu du lịch Hải Giang chỉ bồi thường 15.000.000 đồng là trái quy định tại văn bản này.
Từ những cơ sở nêu trên, Luật gia Tum hướng dẫn ông Sáu có quyền gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.