Tranh chấp đường luồng riêng phải giải quyết theo trình tự về giải quyết tranh chấp đất đai

Thứ bảy - 08/02/2020 03:48
Ngày 12/4, VPĐD Tạp chí Pháp Lý khu vực miền Trung & Tây Nguyên tại Bình Đình tiếp tục tổ chức buổi tư vấn cho cộng đồng vào sáng thứ 7 hàng tuần. Luật sư Lê Hoài Sơn – Trưởng văn phòng Luật sư Trung Sơn được phân công trực theo thỏa thuận tại Biên bản hợp tác ghi nhớ giữa Tạp chí Pháp Lý và VPLS. Tại buổi tư vấn này, Luật sư Sơn đã tư vấn cho bà Nguyễn Thị Kim Lành (vợ ông Lê Văn Phương – người đứng tên trong đơn nhờ tư vấn nhưng vì bị bệnh không đến được trực tiếp) về việc tranh chấp đường luồng riêng và quá trình giải quyết của các cấp có thẩm quyền.
Bà Lành đang nghe LS Sơn tư vấn miễn phí
Bà Lành đang nghe LS Sơn tư vấn miễn phí
 

 

Bà Nguyễn Thị Kim Lành trình bày: Gia đình bà có ngôi nhà gắn liền với thửa đất có số hiệu 293, tờ bản đồ số 64, ở tại số 895 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn có tổng diện tích 125m2 (nay là 147,7m2) là của cha mẹ chồng bà để lại cho vợ chồng bà từ năm 1980 và ở ổn định lâu dài không ai tranh chấp. Ngôi nhà gắn liền với thửa đất có giới cận: Phía Bắc giáp đường sắt, phía Nam (sau lưng) giáp núi Bà Hỏa; phía Tây giáp nhà ông Nguyễn Việt Út có đường luồng chung dài 20,42m và một đường luồng riêng nối tiếp ra sau dài 5,85m (diện tích 11m2).


Luật sư Lê Hoài Sơn đang tư vấn cho bà Lành

Về nguồn gốc hình thành đường luồng riêng, bà Lành cho biết trong quá trình sinh sống cha mẹ chồng của bà đã bỏ công sức khai phá núi Bà Hỏa nới rộng mặt bằng thêm phần đất phía sau mà thành. Để bảo vệ phần đất phía sau của mình, cha mẹ chồng của bà đã bỏ tiền ra xây hàng rào bằng lưới B40 (chiều dài 4m x cao 2m) và đồng thời làm cánh cửa sắt riêng để tạo khuôn viên độc lập cho cả đường luồng riêng. Do đó mà trong hồ sơ địa chính do cơ quan chức năng đo vẽ năm 1997 có thể hiện phần đất phía sau bao gồm đường luồng riêng. Thế nhưng đến năm 2007, ông Nguyễn Việt Út đã làm đơn tranh chấp với gia đình bà, vì ông cho rằng đó là đường luồng chung của hai hộ.

Tuy nhiên quá trình thụ lý giải quyết của UBND phường Đống Đa và UBND TP. Quy Nhơn đều cho rằng gia đình bà lấn chiếm đất công xây dựng tường rào cổng ngõ trái phép. Từ đó đã ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế buộc gia đình bà phải tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu. Bà Lành đề nghị luật sư cho biết việc xử lý của các cấp có thẩm quyền như vậy có phù hợp pháp luật không ?

Luật sư Lê Hoài Sơn tư vấn: Theo Điều 135 và 136 Luật Đất đai năm 2003 và các Điều 159, 160 và 161 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì khi phát sinh tranh chấp đất đai, mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn để giải quyết. Nếu sau 30 ngày, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức hòa giải không thành thì một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí có quyền gửi đơn đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu.

Do đó trong trường hợp này, sau khi UBND phường Đống Đa nhận đơn của ông Nguyễn Việt Út tranh chấp đường luồng riêng và tổ chức hòa giải không thành, gia đình bà và gia đình ông Út có quyền gửi đơn đến Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn để được giải quyết theo đúng trình tự quy định về tranh chấp về đất đai. Nếu quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn không thỏa đáng, gia đình bà có quyền tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh để giải quyết lần 2. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.

Như vậy việc UBND thành phố Quy Nhơn đã ban hành các Quyết định số 5746/QĐ-KPHQ ngày 3/4/2013 về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra; Quyết định số 14425/QĐ-CC ngày 31/12/2013 về cưỡng chế thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với gia đình bà (vì lý do lấn chiếm đất công xây dựng tường rào cổng ngõ trái phép) là không phù hợp với trình tự giải quyết theo quy định của pháp luật về tranh chấp đất đai./.
                                                                                                                                         (Theo Pháp lý Online)    
 
 

Tác giả bài viết: Lg Vũ Lê Minh ghi chép và biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây