(PL News) - Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ những vấn đề ông đã đặt ra khi gửi thư tới các lãnh đạo Trung ương, mong muốn ngăn chặn nhóm lợi ích.
LTS: Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đầu Xuân Đinh Dậu, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, ông hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Thủ tướng xây dựng một bộ máy trong sạch, nói không với nhũng nhiễu.
- Theo dõi những thông tin trong thời gian qua, ông có suy nghĩ gì về thông điệp của Thủ tướng, và những hành động của Chính phủ trong 1 năm qua?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đại hội Đảng lần thứ 12 đã mở ra được những vấn đề cơ bản, tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, đề ra phương hướng, chủ trương, giải pháp, ngày một bám sát vào thực tế.
Gần đây nhất, các Nghị quyết của Trung ương Đảng, các phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Đấy là những tuyên bố rất hợp lòng dân. Những việc làm ban đầu đã cho thấy dấu hiệu tốt.
Tôi đánh giá một cách khiêm tốn như vậy, bởi vì từ tuyên bố, từ chủ trương đi tới việc làm, đi đến kết quả là cả một quá trình. Bây giờ tôi cho rằng khoảng cách ấy gần hơn với một loạt những nỗ lực của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong thời gian gần đây.
Tôi cho rằng, việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác để kiểm tra những chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ là việc hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, để ngăn chặn tình trạng trên bảo dưới không nghe, ngăn chặn tình trạng ném đá ao bèo.
Vấn đề lúc này là làm thế nào để nghe được những phản ánh chân thực thì mới giải quyết được dứt điểm những vụ việc nóng, giữ được niềm tin của nhân dân.
Thời gian vừa qua, trước tinh thần liêm chính, kiến tạo mà Chính phủ nỗ lực xây dựng, trước quyết tâm của Trung ương Đảng thì đã có những nơi, những chỗ lộ ra những biểu hiện vi phạm (27 biểu hiện trong nghị quyết của Trung ương).
Tôi có một bức thư góp ý cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương, trong ấy tôi đã cũng nói rằng, Chính phủ thì rải thảm, nhưng ở dưới thì rải đinh. Cho nên bây giờ phải xem cơ quan tham mưu, bộ phận tham mưu có rải đinh không?
Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ là phải xem xét trách nhiệm của cán bộ tham mưu, cơ quan tham mưu vì bộ phận ấy, cá nhân ấy cũng góp phần gây thiệt hại cho dự án, thẩm định không đúng, hoặc là vì lý do nào đó đã bỏ qua những nguyên tắc cần thiết có thể ngăn chặn vi phạm.
Ông Vũ Quốc Hùng đặt ra vấn đề: “Phải xem cán bộ tham mưu có rải đinh không?”. ảnh: Ngọc Quang. |
Nhân đây tôi cũng chia sẻ về một vụ việc diễn ra nhiều năm trước là vụ Thủy Cung Thăng Long. Vụ việc ấy sau khi lọt qua nhiều cấp thì mới phát hiện có sai phạm, mặc dù chưa động thổ dự án, nhưng Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh.
Sau vụ ấy, một loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, trong đó có cả lãnh đạo cấp Chính phủ. Có những cán bộ tham mưu phải chịu trách nhiệm hình sự. Có những cán bộ quản lý nhà nước thì phải chịu hình thức kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ rất nặng so với bây giờ.
Tôi kể lại vụ việc ấy để thấy rằng ngay từ thời gian ấy Bộ Chính trị, Chính phủ đã quyết tâm làm trong sạch bộ máy, vậy thì bây giờ hãy tiếp tục phát huy tinh thần ấy để làm trong sạch bộ máy cán bộ.
- Thưa ông, nỗ lực làm trong sạch bộ máy của Đảng, cơ quan nhà nước không phải bây giờ mới được đặt ra, mà ở những nhiệm kỳ trước đều có nhắc đi nhắc lại vấn đề này. Nhưng tại sao cho đến giờ vẫn không thể ngăn chặn triệt để?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi rất buồn khi thời gian vừa rồi đất nước xuất hiện nhiều kẻ tham nhũng. Họ lấy mục tiêu duy nhất là chiếm đoạt cho bằng được tiền, tài sản của nhà nước, của nhân dân. Không phải vài trăm tỷ, một nghìn tỷ, mà đã có hàng chục nghìn tỷ đồng bị thất thoát, nhưng đáng tiếc là thu hồi chẳng được là bao.
Các văn kiện của Đảng đặt ra yêu cầu phải Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng.
Tuy nhiên, trên thực tế chỗ này chỗ khác vẫn có chuyện lợi dụng chức vụ, vẫn có chuyện “đi đêm” nên mới dẫn tới những khoản thiệt hại khổng lồ cho nhà nước. Không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
Điều nguy hiểm là ngay từ khi lập ra các dự án thì họ đã vào hùa với nhau trở thành nhóm lợi ích để làm đẹp số liệu, vẽ ra viễn cảnh nhìn vào chỉ thấy lợi chứ chẳng thấy hại.
Những cá nhân, đơn vị được giao quyền giám sát cũng bị mua chuộc nên làm ngơ cho chúng.
Rồi đến khi sự việc ấy không còn che dấu được nữa thì đã quá muộn, hàng trăm tỷ đồng biến mất. Sinh thời Hồ Chủ tịch đã dạy “lãnh đạo mà không kiểm tra tức là không lãnh đạo”.
Nói về chuyện chống tham nhũng, tôi đã từng đề cập là cần phải học tập những nước tiên tiến để cán bộ của ta “không dám, không muốn, không thể” – phải thực hiện cho được yêu cầu “quân pháp bất vị thân”.
Ngày còn công tác, tôi đã từng phải thay mặt Ủy ban Kiểm tra ra những quyết định dẫn tới các đồng chí, những người là bạn cũng phải chịu kỷ luật.
Mỗi lần như vậy chúng tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng, suy nghĩ rất nhiều, nhưng rốt cuộc vẫn phải thi hành kỷ luật, bởi nếu không thì hậu quả sẽ rất lớn cho đất nước.
"Quy hoạch Hà Nội bị băm nát" không có ai phải chịu trách nhiệm? ảnh minh họa: vnexpress. |
- Như vậy suy cho cùng thì vấn đề vẫn là do việc lựa chọn và sử dụng cán bộ. Nếu mất tiền có thể làm lại được, nhưng nếu có nhiều cán bộ xấu thì đó sẽ là hậu họa không lường, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Vấn đề này, Trung ương đã đưa ra bàn, Quốc hội cũng bàn và báo chí nhắc rất nhiều. Thủ tướng nói rất đúng, sự chuyển động phải là cả hệ thống chứ không chỉ có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng.
Nếu chỉ có lãnh đạo cấp cao chuyển động còn ở dưới cứ đè đầu cưỡi cổ dân, chèn ép doanh nghiệp, tìm mọi cách moi móc thì không bao giờ đạt được mục tiêu “kiến tạo”, không bao giờ có kết quả “liêm chính”. Vậy nên phải chú ý xem hàng loạt doanh nghiệp, hàng loạt đại gia nổi lên bất thường… phải xem tiền đó như thế nào?
Nhân đây, tôi cũng phải nói tới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở địa phương, các bộ, ngành. Lãnh đạo không phải chỉ là xuất hiện vài phút, phát biểu cho oai, mà phải nắm được các vấn đề then chốt, những ngóc ngách đối với kinh tế.
Nói gì thì nói nhưng suy cho cùng là câu chuyện phải quy về vấn đề kinh tế. Đất nước không phát triển kinh tế thì không ngóc được lên đâu.
Nhưng muốn phát triển được thì ngoài sự nỗ lực, sự quyết tâm của Chính phủ thì những người đứng đầu các địa phương cũng phải thể hiện quyết tâm như thế.
Khi cả hệ thống cũng đồng tâm hiệp lực thì mới tạo ra được sức sống cho đất nước, mới chọn được những người thực sự có tài, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Còn nếu lãnh đạo chỉ nhăm nhe vun vén cho bản thân thì sẽ lập tức xuất hiện lợi ích nhóm.
Nhân nói tới vai trò quản lý của địa phương không thể không đề cập tới câu chuyện tắc đường trầm trọng ở Hà Nội nhiều năm qua. Hạ tầng yếu kém nhưng quá nhiều chung cư cao tầng mọc lên và lãnh đạo thành phố thì đã phải thẳng thắn nói rằng “Chúng ta đã phải trả giá vì quy hoạch băm nát Hà Nội”.
Đến bây giờ Hà Nội lại phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết vấn nạn tắc đường. Nhà nước thiệt hại, nhân dân thiệt hại, vậy không có ai phải chịu trách nhiệm cho cả một giai đoạn quản lý yếu kém ấy?
Nếu chúng ta không xử lý tốt vấn đề cán bộ, không nghiêm khắc với những sai phạm của cán bộ thì không những nền kinh tế thiệt hại mà nguy hiểm hơn là nó dẫn tới sự thoái đạo đức lối sống, sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, ích kỷ, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Từ đó dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tác giả bài viết: Ngọc Quang
Nguồn tin: Theo Giaoduc.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn