"Nếu xử lý ông Phong thì những nạn nhân bị hiếp dâm không đi tố giác cũng bị xem xét?"

Chủ nhật - 07/05/2017 00:35
Câu hỏi này được TS Lê Minh Hùng đặt ra quanh vụ việc ông Lê Hoàng Phong (GĐ Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới) đang bị xem xét kỷ luật vì bị cướp mà không trình báo.
Nơi ông Phong công tác. Ảnh: Báo Giao thông
Nơi ông Phong công tác. Ảnh: Báo Giao thông


Ông Lê Hoàng Phong (SN 1970, Giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Chợ Mới, An Giang) bị 2 thanh niên chặn đường cướp chiếc xe tay ga mang BKS 67B1-21937 vào một đêm cuối tháng 4/2017. Hai tên cướp còn lấy của ông 1 điện thoại và ví đựng 400.000 đồng.

2 tên cướp đã bị khởi tố, bắt giam. 

Đáng nói, ông Phong đang bị xem xét kỷ luật vì không tố giác tội phạm. Giới chức tỉnh này cho rằng, ông Phong là giám đốc, đảng viên, bí thư chi bộ thì phải nắm rõ luật. 

Sự việc gây "tranh cãi" ngay cả với giới luật.

"Nếu xử lý ông Phong thì chẳng lẽ những nạn nhân bị hiếp dâm mà không đi tố giác cũng bị xem xét hay sao? Tôi cho rằng không có cơ sở nào để xem xét về hình sự hoặc xử lý kỷ luật về mặt hành chính đối với ông Phong", TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) đặt câu hỏi này trên tờ Pháp luật TP.HCM.

TS Hùng cho rằng, theo Điều 1, Điều 9 và Điều 12 Bộ luật Dân Sự, ông Phong có quyền tự do định đoạt tài sản là chiếc xe máy của mình.

Cũng theo nguồn trên, luật sư Trần Văn Hiếu (Văn phòng Luật sư Người Nghèo, đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, tố giác tội phạm có trường hợp là quyền và có trường hợp là nghĩa vụ. Ông Phong không biết rõ về hai tên cướp nên không có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Vậy, trường hợp này, ông phong có quyền tố giác hay không tố giác.

Vụ việc của ông Phong được luật sư Trần Văn An (Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) nhận định trên tờ Người đưa tin là một tình huống pháp lý mở.

Ông An đồng quan điểm với luật sư Hiếu về quyền tố giác hoặc không tố giác của ông Phong.

Theo luật sư An, hành vi của ông Lê Hoàng Phong không cấu thành tội Không tố giác tội phạm, bởi ông không biết rõ người thực hiện hành vi phạm tội.

Vị luật sư này đặt câu hỏi "những người đến nhận lại đồ bị đánh cắp, cướp đều bị xem xét xử lý về hành vi không tố giác tội phạm hay sao?".

Khác những ý kiến trên, trả lời tờ Tuổi trẻ, luật gia Phạm Văn Chung viện dẫn Điều 314 Bộ luật Hình sự năm 1999 cho rằng, hành vi của ông Phong được thể hiện dưới dạng không hành động,ông Phong biết rõ một trong các tội phạm quy định tại Điều 313 mà không tố giác.

Theo vị này, ông Phong là cán bộ, đảng viên mà không tố giác tội phạm, không kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm thì cần xem xét thái độ và tinh thần trách nhiệm.

"Không phải tôi giấu giếm hay thông đồng với tội phạm bởi tôi là người bị mất của thật. Tôi hoàn toàn không có gì là khuất tất trong việc bị mất trộm. Hiện công an cũng đã biết và nói về sự việc này của tôi rồi", ông Lê Hoàng Phong nói trên tờ Đất Việt

Nguồn tin: Tri Thức Trẻ / Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây