Vụ tai nạn tại Gia Lai: Trách nhiệm quản lý là của... Bộ GTVT

Thứ ba - 09/05/2017 21:28
(PL News) - Các cơ quan chức năng Gia Lai khẳng định, việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn là phụ thuộc vào tài xế xe tải Võ Nguyên Quý (SN 1990, trú xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, Bình Định). Từ đó, các cấp quản lý mới “truy” được hạn chế, đề ra giải pháp lấp lỗ hổng và ngăn ngừa. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đặt dấu hỏi: “Công tác sát hạch đào tạo bằng lái và kiểm tra sức khỏe tài xế chúng ta đã làm tốt?”.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành: “Cần các giải pháp quản lý chặt người lái xe”. Ảnh: ĐÌNH VĂN
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành: “Cần các giải pháp quản lý chặt người lái xe”. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Nguyên nhân có đi vào... ngõ cụt?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế khẳng định: “Xe là xe mới, đủ điều kiện lưu hành, bằng lái cũng đạt chuẩn giá trị sử dụng đến năm 2021. Vấn đề còn lại là sinh hoạt hằng ngày như thế nào? Có vấn đề gì về gia đình hay không? Lúc đó bức xúc gì mà chạy tốc độ 105km/h?”. 

Ông Quế loại trừ các nguyên nhân đứt phanh, kẹt chân ga, trục trặc kỹ thuật của chiếc xe tải BKS 77C-139.37. Vấn đề nghi ngờ tài xế sử dụng ma túy, ông nói, cơ quan chức năng kiểm tra ban đầu là âm tính, giờ ma túy cũng rất nhiều loại, do đó Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo tiếp tục lấy máu đưa đi xét nghiệm ở cấp cao hơn, nhằm phát hiện ra những loại ma túy mới mà cấp địa phương không test ra. 

“Nếu không chỉ có phương án là tài xế được cứu sống, nói ra những vấn đề vì sao lại chạy tốc độ 105km/h như thế, lái vào đường ngược chiều, rõ ràng đó là tâm lý. Từ đó cơ quan chức năng biết nguyên nhân, rút ra được bài học quản lý” - ông Quế phân tích.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Mai Xuân Hải tỏ ra lo lắng về tình trạng sức khỏe của tài xế Võ Nguyên Quý. “Trong 32 nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, ai cũng tiến triển tốt, chỉ riêng tài xế Quý là nguy kịch, hôn mê sâu, thở máy, nếu sống cũng là thực vật” - ông Hải thông tin. 

Trong khi đó, chị Quách Thị Phúc (trú xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, Bình Định) - vợ tài xế Võ Nguyên Quý - cho biết, chồng chị bình thường, không nhậu nhẹt, uống rượu lúc gây tai nạn. “Một ngày trước xảy ra vụ việc, anh ấy làm việc bình thường, 6h tối phụ gia đình nấu cơm, ăn tối. Sau đó, chở vợ con đi chơi rồi về ngủ, sáng dậy là cùng phụ xe đi lấy hàng” - chị Phúc cho hay.

Biện pháp nào kiểm soát tai nạn?

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành nhìn nhận, thời gian gần đây, tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến xe tải là rất lớn. “Vậy, công tác đào tạo sát hạch lái xe chúng ta đã làm tốt chưa? Anh nào học cũng có bằng, ra đường chạy vô tội vạ. Một đường trái chiều như thế, không có bị “ngáo đá”, chạy với tốc độ như thế, tôi không hiểu nổi(!). Còn nếu bị “ngáo đá” nên xem lại công tác xét nghiệm sức khỏe như thế nào?” - ông Thành băn khoăn.

Từ vụ tai nạn làm 13 người tử vong, 32 người bị thương xảy ra ở thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, Gia Lai) ngày 7.5, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai lo ngại nhiều tiềm ẩn tai nạn giao thông khác. Ông nói: “Tại các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng khiến chúng tôi đau đầu, tiềm ẩn lớn tai nạn giao thông, đó là xe công nông. Đó là phương tiện làm ăn của đa số người dân nông thôn, không cho lưu thông thì thiệt thòi cho dân, mà cho thì chưa có hướng dẫn, trong khi đó việc xử phạt người đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm ATGT rất là nhạy cảm”. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề xuất Gia Lai kiểm tra chặt chuyên đề xử lý tốc độ, xử nghiêm tất cả các đối tượng vi phạm về tốc độ. “Dù rằng, vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn Gia Lai, nhưng xe là của tỉnh khác nên trách nhiệm chỉ đạo, đề ra các giải pháp là của Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, nhưng trên cơ sở phải tìm ra nguyên nhân” - một lãnh đạo tỉnh Gia Lai thẳng thắn.

Cuối ngày 8.5, trung tá Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Tham mưu Công an Gia Lai - cho biết, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ, tiến tới khởi tố vụ án về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Chủ phương tiện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Cuối ngày 8.5, luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Theo quy định pháp luật, chủ phương tiện có trách nhiệm đền bù toàn bộ thiệt hại, sau đó nếu thấy rằng tài xế của mình gây ra thiệt hại thì có thể khởi kiện trở lại để đòi bồi hoàn phần kinh phí đã bỏ ra bồi thường cho người ta. “Trường hợp tài xế Quý không qua khỏi, thì việc bồi thường vẫn là trách nhiệm của chủ xe” - luật sư Tòng nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: ĐÌNH VĂN

Nguồn tin: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây