Lãnh đạo đông hơn nhân viên: Ai sai, ai đúng?

Thứ năm - 30/03/2017 02:50
(PL News) - Không có bộ trưởng, chủ tịch tỉnh nào “dại” đến mức lập thêm vụ này, phòng kia trong bộ máy của mình. Nhưng bổ nhiệm thêm lãnh đạo cấp phó phòng mà vẫn trong khuôn khổ thì tội gì không làm.
Lãnh đạo đông hơn nhân viên: Ai sai, ai đúng?

 

LTS: Sau giải trình của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển về việc bộ máy có nhiều lãnh đạo hơn nhân viên, chuyên gia Đinh Duy Hòa có bài viết phân tích rõ cơ chế của các quy định TƯ và địa phương trong việc bổ nhiệm cán bộ theo chỉ tiêu để bạn đọc hiểu rõ: 

Hôm 28/3, đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Hải Dương về tổ chức, biên chế, lãnh đạo... Khối người tự nhủ để xem tỉnh này "giải trình" ra sao chuyện có sở gần 100% công chức là lãnh đạo...

Nhưng khi nghe chính Bí thư tỉnh nói thì mọi chuyện của Hải Dương cho dù có vậy vẫn là đúng quy định, mà là quy định của TƯ. 

Các tỉnh khác cũng như vậy, giống như Hải Dương. Tóm lại câu chuyện là đúng, sai hay vừa đúng vừa sai? Rồi thì ai sai, ai đúng, cuối cùng cũng phải sáng ra tý chứ, không thì rất tội cho dân chúng nghe mãi vẫn không biết ai đúng ai sai.

lãnh đạo đông hơn nhân viên, Bí thư Hải Dương, sở 44/46 lãnh đạo, vị trí việc làm, Đinh Duy Hòa
Ảnh: Thanh Bình

Trước Hải Dương, đoàn giám sát Quốc hội cũng làm việc với một số bộ, ngành và cũng thấy câu chuyện lãnh đạo cấp phòng ở nhiều đơn vị nhiều hơn nhân viên trong phòng.

Theo quy định hiện hành, TƯ quy định trong sở có bao nhiêu phòng (thường văn bản này là thông tư của Bộ Nội vụ và bộ liên quan); cũng quy định luôn lãnh đạo phòng có trưởng và tối đa 2 phó trưởng phòng. Đấy là chuyện TƯ.

Chuyện còn lại là của địa phương: Tỉnh quyết sở ấy có bao nhiêu biên chế, ví dụ sở A có 45 người. Theo quy định của TƯ, sở A được tổ chức 5 phòng. Như vậy tổng lãnh đạo của sở A sẽ là GĐ sở + 3 phó GĐ sở + 5 trưởng phòng + 10 phó trưởng phòng = 19 người (công chức lãnh đạo phòng tối đa là 3). 

Trong thực tế sẽ có phòng có 4 hoặc 5 biên chế, như vậy rõ ràng công chức lãnh đạo là nhiều hơn nhân viên, nhưng vẫn đúng quy định. Bổ nhiệm có đúng tiêu chuẩn, quy trình không lại là chuyện khác.

Bổ nhiệm trong khuôn khổ, tội gì không làm

Tương tự là ở cấp TƯ. Bí thư Hải Dương nói trúng phóc một vấn đề xưa nay ai cũng biết mà không nói công khai mà thôi. Nó cũng giống hệt Chủ tịch UBND Hà Nội nói sau các quán bia có công an khi có chiến dịch vỉa hè. Mỗi bộ được tổ chức bao nhiêu vụ, cục. Vụ nào được tổ chức bao nhiêu phòng được quy định trong nghị định của Chính phủ. 

Cái này thì bộ cũng như tỉnh đều chấp hành nghiêm chỉnh. Chuyện còn lại là của bộ: quyết định vụ B bao nhiêu người, bổ nhiệm vụ trưởng và phó vụ trưởng, trưởng và phó trưởng phòng trong vụ (giả sử theo quy định của Chính phủ, vụ có 3 phòng thì công chức lãnh đạo của vụ sẽ là: 1 vụ trưởng (VT), 3 phó VT, 3 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng = 13, trong khi biên chế chung cả vụ được duyệt là 18 hoặc 20 ). 

Cuối cùng lại là lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định. 

Không có bộ trưởng, chủ tịch tỉnh nào “dại” đến mức lập thêm vụ này, phòng kia trong bộ máy của mình, làm thế là toi ngay. Nhưng bổ nhiệm thêm lãnh đạo cấp phó phòng mà vẫn trong khuôn khổ thì tội gì không làm, tạo động lực cho công chức làm việc, mà lãnh đạo được anh em ủng hộ. 

Nhiều vụ bằng một phòng bên Tây

Đây là tình hình chung trong cả hệ thống hành chính nước ta (bộ máy Đảng, đoàn thể chưa có số liệu). Vậy thì vấn đề ở đâu?

Vấn đề nằm ở chỗ quyết định cơ cấu bộ máy hành chính hoàn toàn chủ quan, áp đặt, không phân tích tổ chức để kết hợp với xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức trong một tổ chức. 

Quy định ngay từ đầu bộ X có 7 vụ, trong đó 4 vụ không có phòng, 3 vụ được tổ chức phòng với số lượng phòng cụ thể, tương tự là cho các sở ở tỉnh quy định cứng mấy phòng...

Xét kỹ bộ máy hành chính Việt Nam cho thấy nhiều vụ cùng lắm bằng một phòng trong bộ máy bên Tây, có vụ nước ta 7, 8 công chức, phổ biến là 20 - 25 công chức. 

Vụ 20 người mà lại có 3 phòng thì chắc chắn sau này lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định. Ở địa phương cũng vậy. Cho nên Bí thư Hải Dương có cái lý của mình khi phát biểu như vậy.

Kết câu chuyện này sẽ là: Cứ theo quy định mà làm, mà làm thế sẽ là hòa cả làng. TƯ, địa phương đều đúng theo kiểu hiện nay hoặc là bắt tay nghiêm túc làm lại những cái tưởng đơn giản như phòng là gì, vụ là gì, cục là gì, lúc nào thì tổ chức phòng, lúc nào thì tổ chức vụ, làm thế nào ra chính xác số lượng người trong một phòng, một vụ và như vậy sẽ ra ngay số lượng hợp lý lãnh đạo trong một phòng, một vụ.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây