Hồi ký Lý Quang Diệu: Tại sao ông Lý Quang Diệu ‘mừng vì đã từ chức’?

Thứ năm - 30/03/2017 18:54
(PL News) - “Trong những năm này mà tôi từ chức thì tôi có thể giúp người kế nhiệm tôi nắm vững công việc kế tục, đây là đóng góp cuối cùng của tôi cho Singapore”.
Hồi ký Lý Quang Diệu: Tại sao ông Lý Quang Diệu ‘mừng vì đã từ chức’?
 

Chuyện ông Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong

Bị cáo buộc tư lợi, ông Lý Quang Diệu đáp trả ra sao?

LTS:Xin tiếp tục giới thiệu cùng độc giả nội dung lược trích một chương trong cuốn sách Hồi ký Lý Quang Diệu - Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất.

Khi tôi ngẫm nghĩ lại tình thế khó khăn của Suharto[1] vào năm 1998 - lúc ông ta bị buộc từ chức và chuyển giao quyền hành cho một phó tổng thống mà ông ta đánh giá là không đủ khả năng kế vị ông - tôi mừng vì đã từ chức thủ tướng vào tháng 11/1990.

Tôi vẫn điều khiển tình hình chính trị cùng một nền kinh tế đang hoạt động mạnh. Sức khoẻ tôi vẫn còn tốt. Song nếu tôi không rút lui, có thể tôi đã bị sập bẫy trong cơn khủng hoảng tài chính cùng với độ nhạy bén và sức lực ngày càng giảm sút của tôi. Trái lại, trong chín năm qua, tôi đã giúp người kế nhiệm của tôi là Goh Chok Tong[2] và đội ngũ những bộ trưởng trẻ tuổi của anh ta yên tâm làm tròn nhiệm vụ của chính phủ Singapore…

Kinh nghiệm của tôi về những diễn biến ở châu Á đã dẫn tôi đến kết luận rằng để có một chính quyền tốt, chúng tôi cần có những con người tốt. Dù hệ thống chính quyền có tốt đến đâu mà người lãnh đạo tồi thì sẽ đem lại nhiều điều tai hại cho nhân dân. Mặt khác, tôi đã chứng kiến nhiều xã hội được điều hành tốt mặc dù hệ thống chính quyền tồi, đó là nhờ có những người lãnh đạo tài giỏi, kiên quyết nắm quyền…

Singapore, Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong, Lý Hiển Long, Tổng tuyển cử Singapore
Ông Lý Quang Diệu

Một nhân tố quyết định sự phát triển Singapore là khả năng của các bộ trưởng và phẩm chất cao của các công chức hỗ trợ họ…

Vào những năm 1960, các đồng sự của tôi và cả tôi đã bắt đầu tìm những người trẻ hơn để có thể làm người kế nhiệm. Chúng tôi không tìm được họ trong số những nhà hoạt động chính trị đã gia nhập PAP[3], vì thế chúng tôi tìm kiếm những người có khả năng, năng động, đáng tin cậy và giàu nghị lực ở bất cứ nơi nào có thể tìm được.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1968, chúng tôi đã đưa ra một số người là tiến sĩ, học giả, giáo sư đại học, những người có chuyên môn như luật sư, bác sĩ và ngay cả những nhà quản lý hàng đầu làm ứng cử viên.

Trong các kỳ bầu cử bổ sung năm 1970 và 1972, chúng tôi còn đưa ra thêm nhiều người nữa. Chẳng bao lâu, chúng tôi phát hiện ra rằng họ cần phải có những phẩm chất khác ngoài tài nắm bắt sự kiện và các con số, viết luận án tiến sĩ hay làm một nhà chuyên môn. Lãnh đạo không chỉ bằng năng lực mà còn phải kết hợp giữa lòng can đảm, tính quyết đoán, sự tận tụy và khả năng làm cho dân chúng sẵn lòng đi theo người lãnh đạo…

Cuộc tổng tuyển cử năm 1968 là một bước ngoặt về mặt chính trị với 18 ứng cử viên mới trong số 58 ứng cử viên. Chúng tôi thắng tất cả các ghế và cải thiện chất lượng của các nghị sĩ, bộ trưởng của chúng tôi. Hơn 40% tốt nghiệp đại học ở trường dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa, 55% có trình độ học vấn trung cấp hoặc cao hơn. Những người trung thành từng sát cánh với chúng tôi trong những ngày gian khổ trước đây phải nhường chỗ cho tài năng mới khi tôi thực hiện những đề bạt về mặt chức vụ.

Tại cuộc họp nghị viện vào tháng 4, chẳng bao lâu sau cuộc bầu cử, tôi đã so sánh đảng với quân đội là nơi phải có sự tuyển chọn thường xuyên. Hầu hết khi nhập ngũ đều mang cấp bậc binh nhì, một số là sĩ quan và một số khác mang cấp bậc không cao hơn cấp trung sĩ. Không phải ai nhập ngũ với cấp bậc sĩ quan cũng đều trở thành tướng. Những ai chứng tỏ được giá trị của họ dù họ có bằng đại học hay không cũng sẽ được thăng tiến. Tôi phải chuẩn bị điều kiện cho một cuộc cải tổ toàn diện trong giới cầm quyền…

Singapore, Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong, Lý Hiển Long, Tổng tuyển cử Singapore

Ông Goh Chok Tong và người tiền nhiệm Lý Quang Diệu. Ảnh: Straitstimes

Tôi xem xét một cách có hệ thống những người đang giữ vị trí hàng đầu của tất cả các lĩnh vực ở Singapore - giới chuyên môn, thương nghiệp, sản xuất và công đoàn - để tìm kiếm những người, nam cũng như nữ ở độ tuổi 30 đến 40 nhằm thuyết phục họ đứng vào hàng ngũ ứng cử viên của chúng tôi.

Năng lực của một cá nhân có thể được đánh giá khá chính xác qua thành tích học tập và những gì người đó đạt được trong công việc. Tính cách thì không dễ gì đánh giá. Sau một vài thành công đồng thời cũng có nhiều thất bại, tôi rút ra kết luận rằng đánh giá tính cách một người là quan trọng hơn và khó khăn hơn.

Năm 1970, lúc con tàu vũ trụ Apollo 13 của Mỹ gặp sự cố ở 300.000 dặm ngoài quỹ đạo không gian thì tôi đã theo dõi sự kiện đầy kịch tính và quyến rũ này… Tôi nhận ra đây là bằng chứng cho thấy những trắc nghiệm tâm lý và những bài kiểm tra khác của NASA có thể thực hiện trên mặt đất… giúp loại trừ thành công những người dễ bị hốt hoảng trong cơn khủng hoảng. Tôi quyết định chọn một nhà tâm lý học và một nhà trắc nghiệm tâm thần cho các ứng cử viên của chúng tôi.

Họ bắt các ứng cử viên của PAP - những người có triển vọng trở thành bộ trưởng - phải trải qua các cuộc trắc nghiệm tâm lý theo chỉ định nhằm xác định tính cách, tư chất, kinh nghiệm cá nhân và những giá trị khác. Những cuộc trắc nghiệm này không phải là kết luận cuối cùng mà chỉ giúp loại bỏ những trường hợp thiếu năng lực…

Tôi còn tham khảo ý kiến lãnh đạo các công ty đa quốc gia, xem xét cách họ tuyển dụng và đề bạt người làm việc lâu năm của họ, và tôi chọn một trong những cách làm tốt nhất là cách của công ty Shell, một công ty của Anh - Đức. Họ chú trọng vào những gì mà họ cho là “tiềm năng hiện thời” của một người.

Điều này được xác định bởi ba phẩm chất, đó là khả năng phân tích, óc tưởng tượng và nhạy bén trước thực tiễn của một cá nhân. Chúng phối hợp tạo ra một thuộc tính bao quát toàn bộ - mà công ty Shell gọi là “phẩm chất máy bay lên thẳng” - là khả năng xem xét các sự kiện hoặc vấn đề trong một phạm vi rộng lớn hơn, đồng thời nhận dạng và phóng lớn những chi tiết có tính quyết định…

Sau khi thử nghiệm hệ thống này và nhận thấy nó có ích, đáng tin cậy nên tôi chấp nhận đưa vào áp dụng cho ngành dân chính, kể từ năm 1983, thay thế hệ thống của Anh mà chúng tôi đã kế thừa...

Sự cố gắng của tôi nhằm đổi mới giới lãnh đạo không phải là không căng thẳng. Một vài bộ trưởng kỳ cựu quan ngại tiến trình mà họ đang bị thay thế…

Toh Chin Chye[4] và một vài người kỳ cựu muốn những người kế nhiệm chúng tôi theo cách mà chúng tôi đã trải qua, nghĩa là bằng con đường hoạt động chính trị - xã hội chứ không phải bằng con đường tuyển dụng trực tiếp nhân tài… Sau kỳ bầu cử tháng 12/1980, tôi quyết định gửi một tín hiệu rõ ràng đến tất cả những người kỳ cựu rằng tiến trình tự đổi mới là không thể đảo ngược được, mặc dù tiến trình này còn tùy thuộc vào thành công của các nghị sĩ mới.

Tôi loại Toh ra khỏi vài người kỳ cựu có thể tập hợp quanh ông ta nhằm làm chậm tiến trình tự đổi mới này… Sự ủng hộ của những người kỳ cựu đã giúp thực hiện được những gì mà chúng tôi có thể thực hiện, song trách nhiệm kế tiếp của chúng tôi là phải bảo đảm cho Singapore tiếp tục có được những người tài năng, trung thực và tận tụy lãnh đạo. Thế hệ khai quốc công thần đã qua đỉnh cao nhất và họ phải rời khỏi đội ngũ.

Các nghị viên mới, những người trẻ tuổi đầy triển vọng, đã từng giành được học bổng vào các trường đại học danh tiếng ở trong nước và nước ngoài đang đảm nhận những công việc then chốt chỉ trong vòng ba đến bốn năm gia nhập vào PAP. Những người kỳ cựu cảm thấy rằng họ không nên có được một con đường dễ dàng dẫn đến chức vụ như thế mà phải học và chờ đợi. Tôi nghĩ những người trẻ tuổi và tài năng sẽ không ngồi chờ, hoặc họ được đề bạt hoặc họ sẽ đi tìm cơ hội ở nơi khác…

Sau hội nghị Đảng năm 1980, tôi cất nhắc sáu bộ trưởng không bộ trẻ tuổi vào nội các. Việc làm này khuyến khích những tài năng trẻ khác tham gia và được trắc nghiệm ở cương vị bộ trưởng không bộ. Bên cạnh “phẩm chất máy bay lên thẳng”, họ cần có độ nhạy cảm chính trị và khí chất để thiết lập mối quan hệ với các nhà lãnh đạo quần chúng…

Tôi quyết định kỳ bầu cử năm 1988 sẽ là kỳ bầu cử cuối cùng mà tôi sẽ dẫn dắt với cương vị thủ tướng. Sau khi thắng cử, tôi hỏi những bộ trưởng trẻ tuổi quyết định xem trong số họ thì ai là người họ muốn ủng hộ làm thủ tướng. Tôi giúp lựa chọn những người này làm nghị sĩ và bổ nhiệm họ làm bộ trưởng.

Singapore, Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong, Lý Hiển Long, Tổng tuyển cử Singapore

Ông Lý Quang Diệu và các thành viên PAP trong cuộc tổng tuyển cử Singapore năm 1988. Ảnh: ST FILE

Tôi muốn người kế nhiệm mình có được sự ủng hộ của những người ngang hàng với anh ta. Tôi hiểu Đặng Tiểu Bình thất bại như thế nào trong việc chọn Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương làm người kế nhiệm ông ta... Những bộ trưởng trẻ hơn đã chọn Goh Chok Tong…

Tôi đã tập hợp được những con người trung thực, có năng lực với sự tận tâm, kinh nghiệm làm việc cùng với những người kỳ cựu trong nội các, họ đã được chuẩn bị để sẵn sàng thay thế. Tôi từ chức vào tháng 11/1990.

Tôi làm thủ tướng được 31 năm. Việc ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa sẽ không chứng tỏ được điều gì ngoại trừ chuyện tôi vẫn còn thích hợp và có ích. Mặt khác, nếu trong những năm này mà tôi từ chức thì tôi có thể giúp người kế nhiệm tôi nắm vững công việc kế tục, đây là đóng góp cuối cùng của tôi cho Singapore. Tôi không bị bất cứ hội chứng rút lui nào…

----------------------------------------

*Đoạn trích nằm trong chương “Chuyển giao quyền lực” của cuốn sách Hồi ký Lý Quang Diệu - Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất do Công ty Sách Omega (Omega+) liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Sách dự kiến phát hành toàn quốc vào tháng 4/2017.

Tác giả bài viết: Mỹ Hoà trích lược, giới thiệu, chú thích

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây