Họp hành quá nhiều
Thưa Bộ trưởng, cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề giảm họp hành. Nhiều địa phương khác cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan nghiên cứu để giảm họp. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng họp hành hiện nay và Chính phủ có giải pháp gì đối với thực trạng này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đúng là hiện nay chúng ta đang họp quá nhiều. Không riêng gì Chính phủ mà các bộ, ngành, địa phương cũng vậy. Ngay cả vấn đề các báo cáo phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành, cho các cuộc họp cũng quá lớn. Số lượng các báo cáo của những năm sau so với năm trước ngày càng tăng lên.
Trước thực trạng này, Thủ tướng quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ tập trung phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc cải cách, xây dựng một nền quản trị thông minh, Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu.
Thời gian qua, VPCP cũng đã tham mưu với Thủ tướng trong việc xây dựng Trung tâm điều hành của Chính phủ để từ đó sẽ giảm bớt các cuộc họp, giảm bớt các báo cáo không cần thiết. Nếu chúng ta có một trung tâm xử lý dữ liệu, có trung tâm điều hành thì tất cả các báo cáo lên mạng hết. Chúng ta chỉ cần ấn nút trên máy là ra tất cả các chỉ số.
Hiện VPCP đang là cơ quan gương mẫu đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện VPCP phi giấy tờ, hướng tới Chính phủ phi giấy tờ. Dự kiến, ngày 1/1/2019, VPCP sẽ mời Thủ tướng ấn nút trục liên thông quốc gia, khi đó sẽ có sự kết nối tất cả các bộ, ngành, địa phương và có sự liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với nhau.
Chính phủ cũng sẽ xây dựng phần mềm của nội các Chính phủ. Theo đó, tất cả những văn bản sẽ được chuyển cho các thành viên Chính phủ và xử lý trước. VPCP tổng hợp tất cả các vấn đề chuẩn bị cho hội nghị của Chính phủ. Tất cả trao đổi đi lại qua hệ thống trên mạng, khi thảo luận cũng qua mạng, những cái gì đồng thuận, những ý kiến khác nhau được thể hiện hết. Sau đó VPCP tập hợp lại, khi ra cuộc họp Chính phủ chỉ cần biểu quyết và xử lý những vẫn đề còn khác nhau. Khi đi họp không cần phải mang gì cả vì mỗi người đều có một máy tính trên bàn. Điều này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thực hiện rất hiệu quả.
Ví dụ như ở Estonia, trước đây phiên họp Chính phủ thường kéo dài 4- 5 giờ. Nhưng hiện nay áp dụng công nghệ thông tin, Chính phủ số, thời gian họp chỉ còn khoảng 30 phút. Các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thường xuyên sử dụng, xử lý thông tin, văn bản trên mạng hết, đến khi họp chỉ bàn vấn đề quan trọng và biểu quyết thôi. Đó là kinh nghiệm rất tốt để chúng ta quyết tâm xây dựng Chính phủ phi giấy tờ.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được chúng ta đặt ra và thực hiện từ hàng chục năm trước, nhưng mọi việc gần như “vẫn dậm chân tại chỗ”. Vậy lần này có điều gì khác không?
Đúng là Chính phủ điện tử đã có từ gần 20 năm trước. Việc này cũng đã có những thành tựu ban đầu. Nhưng nhìn chung là kết quả đạt được vẫn rất hạn chế. Những yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử gần như chưa đạt được nhiều. Ngay cả vấn đề thay đổi nề nếp, cải cách lớn trong hệ thống các cơ quan Nhà nước kết quả đạt được cũng còn rất khiêm nhường.
Lần này, với quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ tập trung phục vụ cho người dân và doanh nghiệp nên việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ không giấy tờ, ít họp hành sẽ có những thay đổi căn bản. Ví dụ hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VPCP sẽ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất nên phải đi đầu trong thực hiện. Hiện VPCP cũng đang thực hiện mục tiêu phi giấy tờ, toàn bộ sử dụng quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc trên nền điện tử. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng không cần phải gặp gỡ, không cần phải đến. Khi phát hành thì văn bản đến ngay được thay vì việc cứ phải điện thoại thông báo anh đến lấy văn bản đi.
Người dân không cần gặp, cũng không cần biết cán bộ xử lý
Vậy đâu là những khó khăn, vướng mắc lớn nhất khi triển khai Chính phủ điện tử và chúng ta khắc phục điều đó bằng cách nào, thưa ông?
Khó khăn lớn nhất vẫn là do tư tưởng con người. Nhiều người thi hành công vụ không muốn rời bỏ “quyền lợi” trong việc giải quyết thủ tục hành chính qua giấy tờ. Vì có giấy tờ, là có việc gặp gỡ trực tiếp nên dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người dân như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, xây dựng…
Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó được. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ với các giải pháp. Tới đây sẽ phải xây dựng lộ trình quy định cụ thể trong việc không dùng giấy tờ. Như vậy, nếu các cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sẽ bị điều chuyển sang nhiệm vụ khác ngay.
Một trong những kỳ vọng khi triển khai Chính phủ điện tử là sẽ giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho người dân. Vậy cơ chế nào để khi vận hành sẽ hạn chế được những tiêu cực đó, thưa Bộ trưởng?
Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách hành chính của Chính phủ. Trong giai đoạn vừa qua, Thủ tướng rất quyết liệt về cải cách ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là ưu tiên số một của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ không giấy tờ sẽ tạo ra công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng. Bởi người dân không cần gặp, cũng không cần biết ai giải quyết thủ tục hành chính thì sẽ tránh được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Nhưng như tôi đã nói, muốn làm được thì chúng ta phải thay đổi nhận thức. Trước hết chúng ta thay vì làm giấy tờ truyền thống hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hoá. Tất cả việc xử lý hồ sơ công việc sẽ được số hóa nên sẽ tạo ra những cái thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ. Nếu chúng ta làm như vậy sẽ tiết kiệm rất lớn các chi phí cho xã hội, chi phí của người dân. Tất cả vấn đề đều được công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân, từ đó góp phần đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng. Ví dụ, như một ngôi nhà được chuyển nhượng bao nhiêu lần, giá cả từng thời điểm chuyển nhượng đều được công khai, cập nhật trên mạng.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
“Có giấy tờ là có việc gặp gỡ trực tiếp nên dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người dân như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, xây dựng… Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó được. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ với các giải pháp, với lộ trình cụ thể trong việc không dùng giấy tờ”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Nguồn tin: Theo tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn