Báo động đỏ ngộ độc thực phẩm, 3 bộ có trách nhiệm gì?

Thứ năm - 16/02/2017 02:11
(PL News) - Vụ ngộ độc thực phẩm làm 7 người chết do uống rượu ở Lai Châu được Phó Chủ tịch QH đặt ra như lời báo động đỏ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Báo động đỏ ngộ độc thực phẩm, 3 bộ có trách nhiệm gì?

 

Hôm nay, đoàn giám sát của QH làm việc với các bộ ngành về chính sách pháp luật lĩnh vực an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt ra hàng loạt câu hỏi yêu cầu các bộ ngành giải trình rõ hơn.

Báo động đỏ ngộ độc thực phẩm, 3 bộ có trách nhiệm gì?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển

“3 báo cáo (của 3 Bộ: Y tế, Công thương, NN&PTNT) đều nói ban hành quy phạm đầy đủ, tiêu chuẩn, quy trình, định mức ngưỡng an toàn đều có cả, kiểm tra thường xuyên. Vậy vì sao vẫn thấy tình hình an toàn thực phẩm ở rất nhiều địa phương ở mức báo động, vài địa phương đến giới hạn đỏ thì trách nhiệm các bộ thế nào?”, Phó Chủ tịch QH hỏi.

Ông đặt tiếp vấn đề, các bộ kiểm tra rất nhiều, đã tổ chức 150 ngàn đoàn, bình quân 30 ngàn đoàn thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu cơ sở, vậy thì khẳng định là trong tổng số hàng hoá thì kiểm soát bao nhiêu phần trăm đảm bảo an toàn?

“Xử phạt như vậy có tương xứng không?”, ông Hiển băn khoăn và cho biết hầu như không có vụ nào xử lý hình sự. 

Dẫn lại vụ việc gần đây nhất ở Lai Châu 7 người chết, Phó Chủ tịch hỏi: “Câu chuyện ấy thế nào, đến chết người thì có nghiêm trọng không, xử lý đã đủ độ để đưa tất cả vi phạm đó vào xử lý nghiêm minh, có làm được điều đó không?”, Phó Chủ tịch hỏi tiếp.

Ông nêu tiếp câu chuyện ngay gần một xã bán ruốc 120 ngàn/kg, 2/3 là bột, cả xã biết nhưng khi hỏi lãnh đạo chính quyền không biết. 

“Vậy có phải thiếu người hay chưa vào cuộc? Trách nhiệm các bộ thế nào? Đã chỉ ra người đứng đầu có vi phạm chưa? Huyện, xã, thôn thế nào?”, Phó Chủ tịch QH hỏi dồn dập. Ông cho rằng những vấn đề này phải đưa vào nghị quyết của QH, không thể chủ tịch xã bảo tôi không biết chỉ vì lợi ích của xã mình.

3 bộ làm sao tai mắt xuống tận địa phương

Giải đáp các câu hỏi này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, câu chuyện của Lai Châu là những người đi đám ma uống đúng rượu người chết uống trước đó.

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Tiến cho rằng: “Đương nhiên 3 bộ quản lý chịu trách nhiệm ban hành chính sách và thực thi nhưng còn chính quyền địa phương, chỗ sản xuất rượu đó phải chịu trách nhiệm”.

Theo Bộ trưởng, nấu rượu giả, làm thịt heo thành bò, mứt phơi ra đường thì chính quyền địa phương phải biết. Trách nhiệm của 3 bộ là trong phối hợp nhưng có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Tiến cũng nêu trăn trở, gần đây thanh tra, kiểm tra rất quyết liệt, nhưng cái chính là xử phạt chưa nghiêm minh. Có xử phạt nghiêm minh thì mới xử lý hình sự được. 

Ủy viên thường trực UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cũng cho rằng chế tài không đủ mạnh. 

“Hỏi cán bộ xã bảo biết vi phạm nhưng không dám xử lý. Rất nhiều địa phương không thực hiện việc xử phạt, 3 bộ làm sao tai mắt xuống tận địa phương”, ông Bộ nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Thu Hằng

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây