Không nên nhìn Uber, Facebook, Google... như nhìn kẻ thù

Thứ năm - 16/02/2017 09:54
(PL News) - Có thể có một số loại hình dịch vụ xuyên biên giới mà chúng ta chưa thu được thuế, nhưng với chủ quyền Việt Nam, chúng ta không thu là lỗi của chúng ta. Không nên nhìn các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với con mắt như nhìn kẻ thù.
Không nên nhìn Uber, Facebook, Google... như nhìn kẻ thù

 

 

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chia sẻ như vậy tại Chương trình họp báo về Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017 vừa diễn ra sáng nay, 16/2/2017 ở Hà Nội, khi bàn về câu chuyện không thể đánh thuế các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook...

Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng phát biểu tại buổi họp báo.​

Ông Nguyễn Thanh Hưng dẫn câu chuyện về Uber tại Việt Nam, một ví dụ điển hình rất tốt cho câu chuyện thương mại điện tử: “Những mô hình kinh doanh mới như Uber đem lại lợi ích rất nhiều nhưng bên cạnh đó cũng có không ít mặt trái. Họ thay đổi cách kinh doanh và tạo ra giá trị gia tăng cho mọi đối tượng trong đời sống xã hội. Chúng ta không thể viện lý do pháp luật của chúng ta chưa quy định vấn đề này thì cấm. Đó là cách tư duy hoàn toàn lạc hậu.

Trong xu hướng công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin, Internet đang làm thay đổi mọi thứ trên thế giới từ kinh tế, xã hội đến thói quen, nếu chẳng may luật pháp chưa hoàn thiện thì nhánh lập pháp phải cùng nhau nỗ lực để làm cho luật pháp tốt hơn theo lợi ích chung”.

Thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 có nhiều biến động. Nhiều doanh nghiệp đã “ra đi” như DECA.vn, Lingo.vn, Cdiscount... nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp bắt đầu “tham chiến” như Lotte.vn, Vuivui.com.... Tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp mới tham gia. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm qua đạt khoảng 4 tỷ USD, chỉ bằng 1/30 thị trường thương mại điện tử Nhật Bản (hơn 120 tỷ USD), nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng ta đạt tới 35%, gấp hơn 2 lần so với thị trường Nhật Bản (15%)”, ông Trần Đức Tâm, đại diện Z.com tại Việt Nam chia sẻ thông tin với các phóng viên, nhà báo.​

“Đằng sau mặt chưa tích cực, nếu không có công nghệ như Uber thì các hãng taxi có thay đổi nhanh như vừa qua không? Không nên nhìn các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với con mắt là nhìn kẻ thù. Tưởng tượng rằng ngày mai các ông lớn như Google, Facebook, Amazon... bảo là cắt, không cung cấp dịch vụ vào Việt Nam nữa thì liệu chúng ta thiệt hay lợi?”, Chủ tịch VECOM đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thanh Hưng, đa số dịch vụ cung cấp xuyên biên giới rất tốt cho chúng ta. Có thể có một số loại hình cung cấp nào đó chúng ta chưa thu được thuế thì với chủ quyền Việt Nam, chúng ta không thu là lỗi của chúng ta. Không thể đổ lỗi cho họ được.

Đáng lẽ chúng ta cần bắt họ phải đáp ứng điều kiện nhất định thì mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nhưng hiện tại chúng ta không đưa ra yêu cầu mà cứ chỉ nói với nhau rằng Googe, Facebook... cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà không chịu nộp thuế.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Chủ tịch VECOM cũng thừa nhận câu chuyện này rất phức tạp. Luật pháp phải làm sao vừa tạo cơ hội cho phát triển nhưng cũng phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các bên một cách tốt nhất.

“Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã và đang tích cực nghiên cứu vấn đề thu thuế đối với dịch vụ xuyên biên giới. Tuy nhiên, đây là là câu chuyện phức tạp của toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Không thể đòi hỏi các nhà lập pháp, hành pháp trong một đêm mà thay đổi mọi sự được”, ông Nguyễn Thanh Hưng nói.

Quay lại năm 2012, VECOM đã từng tổ chức hội thảo riêng về vấn đề thuế đối với dịch vụ cung cấp xuyên biên giới. Câu chuyện đó đến nay vẫn tiếp tục cần phải làm thêm.

Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 (VOBF 2017) diễn ra tại Hà Nội ngày 24/2 và TP.HCM ngày 3/3 tới sẽ là dịp để cộng đồng bàn sâu hơn về vấn đề pháp luật cho thương mại điện tử nói chung, trong đó có câu chuyện quy định quản lý các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, và có thể đặt vấn đề về việc điều chỉnh quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn.

“Diễn đàn VOBF năm 2017 dự kiến thu hút 1.000 người tham dự, sẽ có 5 phiên hội thảo gồm: Tổng quan thị trường thương mại điện tử; Công nghệ đám mây và di động với thương mại điện tử; Bán hàng đa kênh (Omni Channel); Thương mại điện tử qua biên giới; Khởi nghiệp trong kinh doanh trực tuyến. Một trong những hoạt động đáng chú ý tại Diễn đàn là Công bố Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2017”, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký VECOM cho biết thêm.

Nguồn tin: Theo Infonet:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây