Làm chuẩn từ hiệu trưởng
Cô Lê Trà My, Trường Mẫu giáo Việt Triều - Hữu Nghị, Hà Nội bày tỏ: “Giáo viên như chúng tôi sẽ cảm thấy thiệt thòi và sau khi bỏ biên chế thì ai sẽ là người quyết định. Giáo viên sẽ được hưởng chế độ như thế nào. Đây là câu hỏi chúng tôi mong nhận được sự giải đáp của Bộ Giáo dục. Nhiều ý kiến cũng lo ngại trong khi vấn đề dân chủ trong trường học còn có bất cập, quyền lực trong tay hiệu trưởng là rất lớn. Vì vậy, nếu giao quyền cho hiệu trưởng khi chưa có cơ chế giám sát của Sở, của Bộ thì việc lạm quyền rất dễ xảy xa”.
Nhiều giáo viên lo lắng về quyền lực của hiệu trưởng trước quan điểm bỏ biên chế của ngành giáo dục.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội khẳng định: “Nâng cao chất lượng giáo dục là khâu hết sức quan trọng nên vấn đề không định danh viên chức theo hợp đồng để bình chọn người có năng lực, luôn khuyến khích cống hiến, sáng tạo là phù hợp với chức năng của ngành. Nếu cứ sáo mòn mãi thì không có chất lượng giáo dục được. Tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Tuy nhiên TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng vấn đề này cần phải xét đến hai điều kiện về việc loay hoay sách giáo khoa mới trên nền tảng xây dựng đội ngũ giáo viên chuẩn, từ đó mới có chọn lọc. Xét đến những giáo viên có quá trình cống hiến nhiều năm ngành giáo dục thì không nhân văn. Nên làm nhưng cần có lộ trình và hài hòa quyền lợi của các thầy cô giáo, những người có đóng góp thì được hưởng thụ.Theo TS Nguyễn Tùng Lâm việc làm trước tiên là: “Thực hiện việc tuyển chọn và hợp đồng có chất lượng với hiệu trưởng. Khi có hiệu trưởng đủ chuẩn mạnh rồi mới làm chất lượng giáo viên. Hiệu trưởng phải là người đủ phẩm chất năng lực mới tuyển dụng được giáo viên. Nếu bước này tùy tiện sẽ theo lối mòn cũ: hiệu trưởng sẽ tuyển người thân quen, có lợi ích thì không nhà trường nào chất lượng được. Do đó, những thắc mắc, lo lắng của giáo viên nếu thay đổi đội ngũ mà không thay đổi biên chế hiệu trưởng thì không làm được là đúng. Chính vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD - ĐT đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông”.
Là một trong những người sớm bày tỏ quan điểm về bỏ biên chế giáo viên, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho biết: “Theo Luật Viên chức thì giáo viên là viên chức, không phải công chức, cho nên không có biên chế từ lâu. Việc "bỏ biên chế" là cụm từ dân dã chỉ cái việc bỏ chế độ viên chức với giáo viên, "bỏ biên chế" là dự kiến không áp dụng Luật Viên chức cho giáo viên mà áp dụng Luật Lao động”.
TS Lê Trường Tùng đưa ra những câu trả lời cho điểm khác biệt căn bản khi thay “viên chức” bằng “lao động”? Đó là, chuyển sang hợp đồng lao động có điều kiện trả lương cao hơn ngạch bậc quy định hiện nay cho viên chức nhà nước? Chẳng phải, vì theo Nghị định tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập (16/2015/NĐ - CP), nếu tự chủ viên chức có thể nhận thu nhập cao gấp 3 - 4 lần hiện nay, thậm chí không giới hạn nếu như tự chủ hoàn toàn và trường hoạt động tốt; về vấn đề giáo viên - viên chức yên tâm không bị đuổi việc? Chẳng phải, vì theo Luật Viên chức, giáo viên có thể bị đuổi việc nếu bị kỷ luật, hoặc 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc đơn vị thu hẹp hoạt động vì lý do khách quan. Với người lao động cũng thế, bị đuổi việc nếu bị kỷ luật, hoặc thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc thu hẹp hoạt động vì lý do khách quan.
TS Lê Trường Tùng phản biện lại vấn đề: “Chuyển sang hợp đồng lao động thì sợ hiệu trưởng lạm quyền nhận người/đuổi người?”. Bởi khi trường còn nhận ngân sách thì cấp trên quyết về nhân sự, còn khi tự chủ hoàn toàn thì theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP trường sẽ có Hội - đồng - quản - lý đứng trên hiệu trưởng để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của trường (Điều 8). Và nói chung khi đã là hợp đồng không xác định thời hạn thì ngay Luật Lao động cũng xây dựng theo hướng bảo vệ người lao động, không phải thích đuổi là đuổi được. Không có lý do chính đáng, cho nghỉ việc không đúng quy trình thì hiệu trưởng dễ bị kiện ra tòa và bồi thường.
Sẽ theo lộ trìnhChiều 6/6/2017, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trong lộ trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới công tác thi cử, đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Khi tiến hành đổi mới chương trình - sách giáo khoa, chúng ta đều thấy rằng, để thực hiện hiệu quả chương trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên.
Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chúng ta đã đặt ra vấn đề việc áp dụng chế độ viên chức đối với giáo viên như hiện nay liệu còn phù hợp không trong bối cảnh nghề giáo có nhiều đặc thù, thu nhập của giáo viên chưa được cải thiện, một bộ phận giáo viên thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang ngày càng phổ biến... Chính vì thế chúng ta đã đặt ra vấn đề đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động”.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chủ trương thực hiện công chức hợp đồng, viên chức hợp đồng đã được đề cập ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Quyết định số 1557/QĐ - TTg về tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức. Chủ trương này hướng tới mục đích cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức, hình thành cơ chế sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, trong đó có giáo viên.Bên cạnh đó, Nghị quyết 29 - NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ: “Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Chủ trương này hướng đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Khẳng định chất lượng đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trên thực tế, bên cạnh nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề thì cũng còn một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay có tư tưởng dựa vào “biên chế” để yên tâm ổn định lâu dài, thiếu động lực phấn đấu dạy tốt. Có tình trạng giáo viên dù dạy không tốt nhưng vì có “thâm niên” lâu năm nên lương vẫn cao, trong khi đó những người mới ra trường dù dạy tốt lương vẫn thấp. Những bất cập này cần sớm được khắc phục”.Do đó, để xóa bỏ được quan niệm về “biên chế” với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải là việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác trong đội ngũ giáo viên - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó được hưởng đãi ngộ xứng đáng - là việc cần phải làm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ GD - ĐT ý thức rõ việc này, do vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai”.
Trước mắt, Bộ GD - ĐT sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện; chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nguồn tin: Theo Báo Tin Tức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn