Ngày 12/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi Luật Giáo dục, rất nhiều đại biểu lo lắng và sốt ruột với những bất cập của chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện nay.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều sách giáo khoa, nhất là với tiểu học.
Cử tri hiện nay rất bức xúc trước việc sách giáo khoa sử dụng một lần, rất lãng phí, vì những cuốn sách đó có phần bài tập đi kèm mà học sinh có thể điền lời giải mà mọi khi viết vào vở bài tập, hay các phần điền ô trống.
Theo số liệu từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, suốt 4 năm qua mỗi năm cha mẹ học sinh phải bỏ ra trên 1 nghìn tỷ đồng cho sách giáo khoa 2000 [1], chưa kể sách VNEN, sách công nghệ giáo dục và hàng trăm đầu sách tham khảo, vở bài tập.
Dân phải trả tiền 2 lần cho 1 cuốn sách giáo khoa dùng 1 lần, Tổng chủ biên không biết
Ngày 15/9 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có buổi giao lưu trực tuyến với Báo VietnamNet. Nhà báo Phạm Huyền đặt câu hỏi với thầy Nguyễn Minh Thuyết:
Vậy theo Giáo sư thì đây có phải một vấn đề lớn cấp thiết phải giải quyết không ạ?""Thưa Giáo sư, rõ ràng Việt Nam chúng ta vẫn còn là một đất nước nghèo, mà cứ chục năm lại phải thay đổi sách giáo khoa 1 lần, và trên thực tế năm nào phụ huynh cũng phải mua lại sách giáo khoa, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời:
"Vâng, tôi cũng không biết ở đâu ra một cái tính toán là nghìn tỷ, tôi cũng không biết. Tôi nói thật là tôi không biết.
Nhưng mà tôi xin nói là như thế này, có một lần một người bạn tôi cũng thắc mắc như thế, tại sao mà ngành giáo dục của ông năm nào cũng thay đổi sách giáo khoa?
Tôi có hỏi anh ấy một câu như thế này, anh có thấy sách giáo khoa in lậu ở trên thị trường không? Sách tham khảo thì có, sách giáo khoa có in lậu không?
Anh ấy ngẩn ra một hồi, anh ấy bảo: ừ, không có! Tôi hỏi, tại sao không có? Anh ấy không trả lời được.
Tôi nói người ta không dại gì in lậu sách giáo khoa. Bởi vì sách giáo khoa rất rẻ, bán theo trợ giá, Bộ Tài chính áp giá, bán rẻ cho các bạn học sinh sử dụng.
Sách như thế thì Nhà xuất bản Giáo dục năm đầu người ta không có lãi đâu. Người ta chỉ trông vào cái lãi những năm sau thôi.
Con số hàng nghìn tỷ đồng bán sách giáo khoa 2000 đến từ báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh chụp màn hình. |
Thế thì có anh nào ở Nhà xuất bản, là một đơn vị kinh doanh, mà kinh doanh bằng tiền của mình chứ không phải ngân sách đâu, mà năm nào cũng in lại sách giáo khoa để luôn luôn không lãi, đúng không ạ?
Cho nên tôi cho rằng những câu chuyện ấy là những câu chuyện thêu dệt. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt những câu chuyện thêu dệt như thế đi." [2]
Thứ nhất là "ở đâu ra một cái tính toán là nghìn tỷ đồng".
Đó chính là doanh thu bán sách giáo khoa 2000 trong 4 năm liên tục từ 2015 đến 2018 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chưa kể đến khoảng 2 tỷ USD phục vụ cho việc biên soạn và thay sách giáo khoa 2000 (trong đó có khoảng 1 tỉ USD vay ODA phục vụ việc thay sách, 1 tỉ USD chi cho thiết bị dạy học phục vụ thay sách giáo khoa). [3]
Ngành giáo dục tiêu xong 2 tỷ USD năm 2008 là bắt tay vào chuẩn bị cho đợt thay sách giáo khoa tiếp theo, trong khi người dân sẽ phải đóng thuế để trả số tiền này cho chủ nợ.
|
Phải chăng chính vì chỉ việc đi vay và tiêu tiền mà không có nghĩa vụ trả nợ, nên năm 2011 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra đề án thay chương trình - sách giáo khoa 70 nghìn tỷ đồng làm rúng động dư luận?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt và Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình 2000, nếu nói không biết ở đâu ra con số nghìn tỷ đồng, liệu có phải là chuyện lạ?
Thứ hai là sách giáo khoa 2000 rẻ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi hay lỗ?
Chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có lãi khi phát hành sách giáo khoa 2000 hay không, ngày 6/4/2007 Báo Sài Gòn giải phóng có bài:
"Kết luận thanh tra Nhà xuất bản Giáo dục: Càng độc quyền càng lãi, càng lãi giá sách càng… cao!". [4]
Theo kết luận thanh tra này, từ năm 2002 đến năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lãi 345,8 tỷ đồng từ bán sách giáo khoa 2000 và các tài liệu ăn theo.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết mới chỉ nói một nửa vấn đề, là giá sách giáo khoa rất rẻ. Một nửa vấn đề còn lại, thầy không nhắc đến là quy luật kinh tế sản xuất càng nhiều thì giá thành trên một đầu sản phẩm càng giảm.
Người ta "ăn", lãi ở số lượng sách giáo khoa in mỗi năm, và trong trường hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn thêm độc quyền, chứ không phải giá thành 1 cuốn sách, hay 1 bộ sách.
Tiền Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và người viết sách hưởng, tội đổ hết lên đầu giáo viên
Trong cuộc giao lưu trực tuyến ngày 15/9 trên Báo VietnamNet, nhà báo Phạm Huyền hỏi thầy Nguyễn Minh Thuyết:
"Các phụ huynh thì cho rằng, một trong những điều họ thấy không hợp lý là đưa phần viết bài vào trong sách;
Năm nay mất tiền triệu mua sách giáo khoa, sang năm chỉ bán đồng nát thôi. Thầy nghĩ như thế nào về điều đó ạ?"
Ảnh chụp màn hình phản ánh của Báo Tiền Phong về phần bài tập có thể làm luôn vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên. |
Giáo sư Tổng chủ biên trả lời rằng:
"Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến ấy của các vị phụ huynh học sinh, của dư luận. Bởi sách thì phải được bảo quản và sử dụng lâu dài, nhất là trong hoàn cảnh như nhiều gia đình ở Việt Nam chúng ta.
Nhưng mà tôi phải nói như thế này, chúng ta phải xem trách nhiệm vấn đề này nó ở đâu?
Trong số các sách giáo khoa thì tôi thấy là rất ít quyển sách cho học sinh viết vào đấy, có những bài tập cho học sinh viết vào đấy.
Mà các tác giả sách giáo khoa ấy người ta rất cẩn thận. Người ta không yêu cầu "điền vào chỗ trống", mà người ta đặt dấu chấm hỏi điền chữ X, Y, Z vào chỗ trống, thí dụ như thế.
Thì đấy không phải là lệnh, đấy là một câu hỏi, học sinh trả lời thôi. Và trong sách giáo viên còn hướng dẫn rõ thế này này, học sinh làm bài vào vở.
Thế thì Nhà xuất bản Giáo dục người ta cũng có một sáng kiến, là người ta làm cái vở bài tập in sẵn đề cho học sinh chỉ việc đánh vào đấy, đỡ mất thì giờ chép đề.
Thế còn trong sách giáo viên người ta viết rằng, hướng dẫn học sinh làm bài tập vào vở ô ly trắng thì không cần chép đề, chỉ cần viết lời giải thôi.
Thế thì vấn đề ở đây là thế này, người giáo viên phải biết điều đó.
Sách giáo viên viết rõ như thế, thế thì giáo viên không được cho học sinh viết vào sách giáo khoa.
Thứ hai là cha mẹ học sinh phải hướng dẫn các con không được viết vào sách giáo khoa.
Dĩ nhiên chúng ta hiểu cuộc sống bây giờ nó khác cái thời cô Phạm Huyền đi học hay thời tôi đi học. Thời ấy rất nghèo.
Thời bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, nhiều gia đình người ta không thiếu, người ta sẵn sàng cho con viết vào sách giáo khoa.
Nhưng một em viết vào sách giáo khoa sẽ làm gương cho những em khác, kể cả những em mà cha mẹ không thích cho con viết vào sách giáo khoa.
Cho nên tốt nhất theo tôi, Nhà xuất bản nên in vào trang đầu của sách ấy: Học sinh không viết vào sách giáo khoa.
Mình không ghi chữ "cấm", vì chữ "cấm" nó nặng nề.
|
Thứ hai nữa, cũng có những ông bố bà mẹ không thích như thế, họ không thích mua vở bài tập và viết luôn vào đó.
Nói chung là không nên viết vào sách giáo khoa, và giáo viên phải chịu trách nhiệm về việc này." [2]
Thứ nhất, cái gọi là "không phải là lệnh, đấy là một câu hỏi".
Đó là giải thích của thầy Nguyễn Minh Thuyết về phần bài tập trong sách giáo khoa 2000 mà học sinh có thể viết trực tiếp đáp án vào sách.
"Đấy không phải là lệnh, mà là một câu hỏi" với các đáp án cho sẵn X, Y hay Z. "Người ta" không bảo học sinh "điền vào chỗ trống", nhưng thiết kế các "chỗ trống" để học sinh có thể điền X, Y hay Z.
Phải chăng "người ta" chỉ để mỡ trước miệng mèo, chứ "người ta" đâu có bảo mèo ăn mỡ?
Phải chăng đây là một cách đánh tráo khái niệm điển hình đã lan từ giáo dục vào mọi mặt của đời sống xã hội, dẫn đến những khái niệm chưa từng có trong lịch sử: "vung chân quá cao", "chạm tay vào má" cho đến "thu giá", quy hoạch "đường cong mềm mại"?
Để tìm hiểu về phần bài tập in sẵn trong sách giáo khoa và học sinh có thể điền đáp án, mời quý bạn đọc theo dõi bài Xóa độc quyền để có thị trường sách giáo khoa lành mạnh trên Báo Tiền Phong ngày 31/8 vừa qua.
Thứ hai, "sáng kiến" bòn tiền dân.
Chính cái thầy Nguyễn Minh Thuyết gọi là "sáng kiến" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đang làm vơi túi tiền của người dân lao động;
Nó đã và đang làm tăng đáng kể chi phí học hành của con em họ, và mang về cho các tác giả sách giáo khoa 2000 một khoản không nhỏ.
Vở bài tập in sẵn mà cha mẹ học sinh phải trang bị cho con mỗi đầu năm học mới, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV. |
Đó là các loại vở bài tập in sẵn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, bán kèm với sách giáo khoa đầu năm, mà người ta vẫn gọi là bán bia kèm lạc.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt và Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình 2000.
Thầy và phu nhân, Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Hòa Bình cũng là tác giả của một loạt đầu sách tham khảo, vở bài tập, sách học buổi 2 đi kèm sách giáo khoa 2000.
Phó giáo sư Hoàng Hòa Bình còn tham gia biên soạn sách VNEN ngay từ khi triển khai dự án này.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tâm sự rất thật trên Báo VietnamNet rằng tiền nhuận bút viết sách giáo khoa mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả cho các tác giả rất thấp.
Thậm chí có thể nói mức nhuận bút tính theo tiết học (thay vì tính theo số lượng sách xuất bản, tái bản) là "rẻ mạt" nếu so với tiền dạy thêm của giáo viên thành thị.
Nhưng bù lại là những đầu sách tham khảo, vở bài tập, sách bổ trợ mà quý thầy có được khi tham gia viết sách giáo khoa. Hầu hết các đầu sách này cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.
Một số đầu sách tham khảo, sách bổ trợ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết biên soạn. Ảnh chụp màn hình. |
Không ít cán bộ các vụ chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhảy vào viết sách, thậm chí có thể làm giàu nhờ sách tham khảo, sách hướng dẫn ôn tập, sách luyện thi;
Theo thông báo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm học 2018-2019 sách giáo khoa lớp 1 có 6 cuốn, tổng giá thành bán lẻ là 47.500 đồng [5].
Nhưng ngay tại Hà Nội, cha mẹ học sinh lớp 1 phải mua tới 25 đầu sách. [6]
Những ồn ào 2 tuần qua về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, đã bộc lộ một khoảng tối trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách giáo khoa.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói thẳng, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của ông năm nào cũng in lại, là vì ông muốn thế, ông muốn học sinh lớp 1 được học sách mới, chứ không phải dùng lại sách cũ của anh chị chúng. [7]
Không phải ai cũng đồng tình với cách làm này của thầy Hồ Ngọc Đại, nhất là với dân nghèo, với cha mẹ học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Câu hỏi thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi hoặc cổ phần trong công ty bán sách công nghệ giáo dục hay không, chưa có câu trả lời.
Nhưng chí ít, thầy Hồ Ngọc Đại cũng đã nói thẳng, nói thật, là chính ông muốn thế, chứ không phải đổ lên đầu giáo viên như "người ta".
Cuối cùng, chỉ dân nghèo là nai lưng ra để nuôi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các tác giả.
Nguồn tin: Theo Giaoduc.net.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn