Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19/9 có bài Đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chuyện độc quyền sách giáo khoa.
Tiếp tục chương trình phiên họp 27, sáng 19/9 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội xung quanh giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp.
Mặc dù cuộc họp bàn đến nhiều vấn đề, nhưng giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung được nhiều Đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Trong đó vấn đề lãng phí và nguy cơ lợi ích nhóm trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa lại được các Đại biểu tiếp tục mổ xẻ.
Cử tri bức xúc, Đại biểu Quốc hội chất vấn, đề nghị thanh tra
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn phản ánh lại những nghi ngại trong dư luận, cử tri về độc quyền trong in ấn và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.
Mang theo sách giáo khoa Toán lớp 1 đến phiên họp, Đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi:
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giơ quyển sách giáo khoa Toán lớp 1 hiện hành để minh họa cho phát biểu của mình tại phiên họp. Ảnh: Kim Thanh / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. |
"Tại sao giờ khác với các thế hệ trước, 1 bộ sách không dùng được 2,3 thế hệ?
Trước đây chúng ta học thì sách giáo khoa riêng, vở bài tập riêng nhưng quyển này ghi luôn là luyện tập chung vào sách giáo khoa, như thế này đương nhiên lớp sau không dùng được.
Lí do vì sao mà chúng ta để phí mỗi năm khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa, xã hội mất khoảng 1.000 tỷ đồng?”, bà Nga chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Đồng tình với Chủ nhiệm Lê Thị Nga, dành nhiều thời gian phát biểu về lĩnh vực này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết:
Dù đã có 15 năm công tác trong ngành giáo dục nên hết sức chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tuy nhiên, bà thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng quan tâm đến thực trạng phát hành sách giáo khoa dùng một lần.
“Mỗi quyển sách có giá trị nhỏ, chỉ 10.000 đến 12.000 đồng nhưng ảnh hưởng tới muôn nhà vì vậy đề nghị Bộ trưởng quan tâm, tổ chức thanh tra vấn đề này;
|
Liệu có biểu hiện thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?” – bà Hải phát biểu, ngoài sách giáo khoa, bà đề nghị làm rõ có hay không việc ép mua sách tham khảo không?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổng kết đánh giá các vấn đề liên quan đến thí điểm, thí nghiệm để thông tin rõ ràng. [1]
Cũng đưa tin về phiên họp sáng 19/9, Báo VietnamNet cùng ngày dẫn lời Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ "nghi ngại xung quanh việc độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam".
Bộ trưởng im lặng, Thứ trưởng quả quyết không có sách giáo khoa dùng 1 lần, còn Tổng chủ biên đá quả bóng trách nhiệm xuống giáo viên
Theo tường thuật của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc họp sáng 19/9, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đã phải đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phát ngôn đầy đủ, thể hiện chính kiến trước những vấn đề nóng của ngành.
Còn theo Báo VietnamNet, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần công khai lộ trình triển khai sách giáo khoa thế nào, để mọi người biết Bộ đang giải quyết những vấn đề gì? [2]
Tuy nhiên, chưa thấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thể hiện quan điểm hay chính kiến của mình về các vấn đề cử tri bức xúc, Đại biểu chất vấn;
Đó là các vấn đề về sách giáo khoa dùng một lần, thí điểm vô tội vạ (VNEN, Công nghệ giáo dục) cũng như lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ra sao.
Báo Hà Nội Mới ngày 19/9 cho biết, trước đó Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vẫn khẳng định với báo giới:
Nhiều học sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng sách giáo khoa cũ, còn sách có phần để học sinh làm bài trực tiếp đều là sách bài tập, sách tham khảo. [3]
|
Phải chăng đây là lý do tại sao Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phải mang theo cuốn sách giáo khoa Toán lớp 1 hiện hành đến trực tiếp cuộc họp của Thường vụ Quốc hội để hỏi cho ra lẽ?
Còn Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải được VietnamNet dẫn lời phát biểu:
"Tôi trực tiếp nói với Bộ trưởng khóa trước, nhiều đại biểu, cử tri cũng nói, nhưng các anh cứ nói đấy không phải sách giáo khoa mà chỉ là sách bài tập, tham khảo.
Rất nhiều sách có nhiều ô trống, ô vuông, đường nối, kéo...Đề nghị Bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này.
Nhà in không tự in như thế được. Mục đích sách sử dụng một lần hay nhiều lần thì hoàn toàn do người in sách. Chưa kể giấy rất phí, ảnh hưởng tới môi trường."
Đại biểu Quốc hội nhiều lần chất vấn, nói có sách mách có chứng, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo còn im lặng, thì làm sao người dân kêu thấu?
Còn Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, đồng thời cũng là chủ biên sách Tiếng Việt và Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình hiện hành, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, lại tìm cách đá quả bóng trách nhiệm xuống các thầy cô giáo.
Về ý kiến của thầy Nguyễn Minh Thuyết, chúng tôi đã phân tích trong bài viết Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?.
Như vậy việc có nhiều cuốn sách giáo khoa phổ thông hiện hành có thể trở thành sách sử dụng một lần gây lãng phí lớn cho xã hội là chuyện có thật.
"Người ta" cài cắm "ô trống, ô vuông, đường nối, kéo...", thậm chí "người ta" còn khéo léo chèn câu nhắc nhở tinh vi "viết câu trả lời vào vở bài tập", để nếu có bị truy vấn, thì đã có giáo viên làm bia đỡ.
|
Trước rất nhiều vấn đề, câu hỏi và bất cập của việc biên soạn sách giáo khoa, chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc Quốc hội cần vào cuộc mạnh mẽ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trả lời rõ ràng, tại sao tuổi thọ của chương trình - sách giáo khoa trong 3 lần gần đây lại gắn liền với vòng đời dự án đắt đỏ và tốn kém?
Cách làm giáo dục như vậy đã làm tăng nợ công quốc gia, nhưng lại chỉ cho ra những sản phẩm sống sượng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Có hay không chuyện Bộ trưởng (Phạm Vũ Luận) "lách luật" để giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục bằng thí điểm? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước hàng trăm ngàn học sinh bị thí điểm mà cha mẹ chúng không hề hay biết?
Quốc hội cũng cần giám sát và yêu cầu tổng kết lại việc biên soạn và triển khai chương trình - sách giáo khoa 2000 đã tiêu tốn bao nhiêu tiền ngân sách? Bao nhiêu tiền người dân phải bỏ ra mua sách?
Những ai phải chịu trách nhiệm về đề xuất thay mới chương trình sách giáo khoa khi chương trình 2000 vừa triển khai xong?
Chương trình sách giáo khoa mới tại sao lại có những biến động quá lớn về dự kiến ngân sách giữa các lần trình đề án, ngân sách được phê duyệt và thực tế triển khai? Lý do của những biến động con số ấy là gì?
Chương trình, sách giáo khoa mới với 80 triệu USD biên soạn và triển khai, 100 triệu USD đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chưa kể cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, sẽ được sử dụng ổn định trong bao nhiêu năm?
Những ai đã tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa 2000 hiện đang tham gia biên soạn hoặc thẩm định chương trình - sách giáo khoa mới?
Họ có phải chịu trách nhiệm gì với sự lãng phí hàng trăm tỷ đồng mà dân chúng phải bỏ ra mỗi năm cho những cuốn sách sử dụng một lần? Họ có đủ tâm và đủ tầm tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới?
Nguồn:
[1]http://cpv.org.vn/phap-luat/dai-bieu-quoc-hoi-hoi-bo-truong-phung-xuan-nha-chuyen-doc-quyen-sach-giao-khoa-498249.html
[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/lum-xum-sgk-de-nghi-bo-truong-phung-xuan-nha-thanh-tra-ngay-477648.html
[3]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/913300/sach-giao-khoa-dung-mot-lan-lieu-co-lang-phi
Nguồn tin: Giaoduc.net.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn