Đánh giá cao những gì ngành KH&ĐT đạt được trong năm 2017, từ công tác xây dựng thể chế đến việc siết chặt hơn kỷ cương, giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng lưu ý: “Bộ cũng như các sở KH&ĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp, chứ không phải là cơ quan chia tiền. Lãnh đạo Bộ cũng như các sở KH&ĐT phải xóa bỏ tư duy chia tiền để tập trung vào thiết lập cơ chế, chính sách. Ai cũng xúm vào đồng bạc thì làm sao phát triển được”.
“Phải dám từ bỏ quyền lực để phục vụ nhân dân”
Từ quan điểm này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ, các sở KH&ĐT phải chú ý nghiên cứu xu hướng, nắm bắt được xu thế, yêu cầu phát triển để bỏ bớt những quy định không cần thiết.
“Nhiều văn bản Bộ chủ trì xây dựng mà cán bộ của ngành, Bộ còn chưa hiểu hết thì không thể hướng dẫn doanh nghiệp (DN) thực hiện đúng. Có trường hợp còn chủ quan, nhũng nhiễu…” - Thủ tướng nêu và nhận định người thực thi pháp luật mà nhũng nhiễu là không ổn.
Nhắc lại điều đã nói tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 mới diễn ra là “thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ KH&ĐT: “Phải chuyển nhận thức và hành động trong xây dựng văn bản pháp luật, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết, không dùng pháp luật để níu kéo, ôm đồm trách nhiệm. Phải tạo mọi điều kiện, khơi thông nguồn vốn, phải có cách tính để quản lý xã hội tốt hơn”.
Trong sự bứt phá của kinh tế-xã hội cả nước năm 2017, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ KH&ĐT với tinh thần không lùi bước trước khó khăn và không để tình trạng “cha chung không ai khóc” tiếp diễn.
Đặc biệt, trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ KH&ĐT đã đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh và từ đề xuất này, nhiều bộ, ngành đã trình nghị định sửa đổi các điều kiện kinh doanh của ngành mình. Tiêu biểu như Nghị định 08 mà Thủ tướng vừa thay mặt Chính phủ ký đã bãi bỏ ngay 675 điều kiện kinh doanh của ngành công thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết, không dùng pháp luật để níu kéo, ôm đồm trách nhiệm”. Ảnh: C.Luận
“Thủ tục chạy lòng vòng. Anh đến phòng tôi, nhà tôi… và khi bỏ được nhiều điều kiện kinh doanh là một bước rất quan trọng. Chúng ta coi đó là thành tích của nhiều bộ, ngành. Các bộ phải dám từ bỏ quyền lực để phục vụ nhân dân, đất nước” - Thủ tướng nói.
Với các giám đốc Sở KH&ĐT, Thủ tướng đặt vấn đề: “Các ông bà giám đốc sở có dám từ bỏ quyền lực để phục vụ đất nước không?”.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ KH&ĐT trong việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua các luật về quy hoạch, DN nhỏ và vừa…
“Quan trọng nhất là khắc phục tình trạng chồng chéo. Bộ KH&ĐT đã dày công đấu tranh kiên trì các bộ, ngành để ra được hai luật này. Nhiều khi mất lòng, đập bàn ghế vì va chạm nhiều. Nhưng đất nước có tới 19.000 quy hoạch chồng chéo thì làm sao mà không có “xin-cho”” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm Luật DN nhỏ và vừa phải tạo điều kiện cho DN phát triển.
Tam giác phát triển: “Kinh tế - xã hội - môi trường”
Nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của ngành KH&ĐT 2018 rất nặng nề vì quá trình đổi mới đất nước còn đang tiếp tục, Thủ tướng lưu ý Bộ KH&ĐT cần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. “Phải biến Việt Nam từ cô gái đẹp trở thành một con hổ mới” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm: “Tại sao Việt Nam rừng vàng biển bạc mà vẫn nghèo?”.
Từ đó, Thủ tướng lưu ý phải đề cao xu hướng phát triển bền vững, không để lạm phát phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô như đã từng xảy ra.
“Phải thực hiện tam giác phát triển “kinh tế - xã hội - môi trường” để không ai rớt lại phía sau, lâm vào cảnh cùng cực. Chúng ta không chỉ đơn thuần lao vào phát triển kinh tế mà còn phải làm cho đời sống hạnh phúc, dân tộc phồn vinh chứ không chỉ có giới chủ phồn vinh” - Thủ tướng nói.
Sau khi điểm qua những việc phải làm trong tham mưu chính sách, xây dựng thể chế của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng yêu cầu phải “công khai cơ chế để phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, nhất là trong đầu tư công”.
Bởi lẽ thời gian qua, đầu tư công đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Luật Đầu tư công đã có nhưng các bộ, ngành địa phương lúng túng, nhiều điều luật không có tính thực tiễn làm thủ tục bị kéo dài và cần phải sửa đổi.
“Thực hiện thủ tục, giao vốn đầu tư công chậm, trong đó có giao vốn trái phiếu chính phủ và 21 công trình mục tiêu quá chậm, công tác giao vốn chưa nghiêm túc, chưa hiệu quả, nhiều quyết định giao vốn phải đính chính số liệu. Phải làm tốt, đừng để xảy ra hậu quả” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh nhiều cục, vụ ở Bộ KH&ĐT “bị kêu” về điều này.
“Năm 2018 đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo từng lãnh đạo Bộ, cục, vụ, chuyên viên tập trung khắc phục hạn chế, làm tốt hơn nữa công tác quản lý đầu tư công” - Thủ tướng nói.
|
Tác giả bài viết: CHÂN LUẬN
Nguồn tin: PLO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn