Cô giáo phạt học sinh 231 cái tát phải chịu tội gì ?

Thứ ba - 10/11/2020 22:22
(TVLMP) - Bà Phạm Thúy Hồng ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên hỏi: "Trong thời gian gần đây dư luận đang vô cùng bức xúc về một hành vi của một cô giáo chủ nhiệm ở Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát. Bản thân tôi cũng là phụ huynh cũng có con đang ở trong độ tuổi này tôi rất quan tâm. Kính đề nghị Luật sư Tuvanluatmienphi.net.vn cho biết hành vi của cô giáo đó sẽ phải chịu hình phạt nào của pháp luật. Xin cảm ơn !"
Trường THCS Duy Ninh - nơi xảy ra vụ việc
Trường THCS Duy Ninh - nơi xảy ra vụ việc

​​​​​Vấn đề bà Hồng thắc mắc, Tuvanluatmienphi.net.vn cũng được biết qua thông tin báo chí. Cụ thể vụ việc như sau: 

Đó là câu chuyện xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình). "Khi phát hiện em Hoàng L. N., học sinh lớp 62, Trường THCS Duy Ninh nói tục, cô giáo chủ nhiệm của lớp này là Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977) đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Sự việc đã khiến học sinh này phải nhập viện điều trị.

Được biết, lớp 62 có 27 học sinh, chiều ngày xảy ra sự việc có 3 bạn vắng học nên học sinh này bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái. Trong đó cô Thủy tát 1 cái và học sinh mỗi em 10 cái. Cũng nói về sự việc học sinh N. bị tát, em Nguyễn Trung Nguyên, lớp trưởng lớp 6.2 cho hay, việc thực hiện tát bạn N. là do cô chủ nhiệm quy định từ trước nên lớp thực hiện.

Cô Thủy chỉ có mặt một lúc chứ không chứng kiến toàn bộ việc cả lớp tát bạn N.Nguyên cũng nói rằng, trước đây đã có 9 - 10 bạn bị tát như thế vì nói tục, tuy nhiên không nặng như bạn N. vừa bị. Trước cũng có bạn bị tát vì nói tục rồi. Nhiều bạn ghét bạn N. nên tát rất mạnh nên bạn N. mới bị sưng mặt lên như thế. Em cũng không muốn tiếp tục với hình phạt như thế này nữa”, em Nguyên chia sẻ.


Cô Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh cho hay, cô Thủy là giáo viên dạy môn Toán và Công nghệ của nhà trường. Hiện cô giáo này đã bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày, phía nhà trường cũng sẽ tiến hành họp và đưa ra quyết định kỷ luật phù hợp." (theo báo Dân Trí)

                         
Cô giáo Thủy
                Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy
 


Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa, tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 có quy định cụ thể như sau:
 

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.

 

Các yếu tố cấu thành tội này như sau:

 
Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:
 

Về hành vi. Có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình (lệ thuộc vào người có hành vi phạm tội), cụ thể là:

Đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.

Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.

Một điểm khác cần chú ý là việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định.

Dấu hiệu khác. Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hoặc về tôn giáo.

  • Lệ thuộc về quan hệ xã hội. Thông thường là các mối quan hệ lệ thuộc sau đây: Giữa thầy giáo với học sinh; giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa cán bộ quản giáo đối với phạm nhân; giữa chủ với người làm thuê…
  • Lệ thuộc về quan hệ công tác: Là mối quan hệ lệ thuộc giữa nhân viên với thủ trưởng, giữa cấp trên với cấp dưới trong các cơ quan, tổ chức.
  • Lệ thuộc về tôn giáo: Là mối quan hệ giữa những người có chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đối với các tín đồ của tôn giáo đó.
Lưu ý:

Người bị hại phải không có mối quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ gia đình như vợ, chồng, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng đối với người phạm tội. Trường hợp người bị hại có mối quan hệ hôn nhân hoặc gia đình đối vối người phạm tội thì cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự).

Khách thể:

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến sức khoẻ của người khác (gồm sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần).

Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Chủ thể:

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và phải có mối quan hệ lệ thuộc với nạn nhân (xem giải thích ở mặt khách quan của tội này).

Như vậy từ phân tích trên đây có thể xác định, hành vi của cô giáo chủ nhiệm này có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều Điều 140 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 -  về Tội hành hạ người khác

Trân trọng !

Tác giả bài viết: LS Huỳnh Thị Thúy Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây