Khai sinh cho con khi chồng chưa đủ tuổi kết hôn có bị xử phạt vi phạm hành chính ?

Thứ năm - 20/08/2020 03:17
(TVLMP) – Chị Trần Thị Thu Ng. đã gửi đến Tuvanluatmienphi.net.vn nội dung nhờ tư vấn như sau: “Cháu là nữ đã 19 tuổi, có quan hệ vợ chồng tự nguyện với người nam cùng 19 tuổi, khi cháu mang thai thì người nam còn thiếu một năm mới đủ tuổi kết hôn. Cho nên sau khi người nam đủ 20 tuổi, chúng cháu tổ chức đăng ký kết hôn và gia đình hai bên tổ chức cưới hỏi. Cháu xin hỏi trường hợp của cháu, nếu làm thủ tục khai sinh cho con có bị xử phạt vi phạm hành chính không ? Thủ tục đăng ký khai sinh cho con của cháu như thế nào ?”
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trước hết xin cảm ơn cháu Ng. đã tin tưởng gửi nội dung thắc mắc đến Luật gia của Tuvanluatmienphi.net.vn tại số nhà 40/2 Trần Lương, TP. Quy Nhơn. Vấn đề cháu hỏi, Luật gia Lê Công Tâm, tư vấn như sau:

1. Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2020/TT-BTP thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp;

Do hai cháu chung sống với nhau và có con khi bạn nam của cháu chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, nên sẽ thuộc trường hợp tảo hôn theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.”

Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định, như sau: “Cấm các hành vi sau đây: a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”

Đối chiếu với các quy định trên của pháp luật, quan hệ giữa hai cháu là vi phạm pháp luật về tảo hôn. Trong trường hợp này theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, có hiệu lực ngày 01/9/2020, thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, quy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hônPhạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định của có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Theo quy định trên, thì cháu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó. Tuy nhiên, việc cháu sinh con, đi khai sinh cho con của cháu, với việc chưa đủ tuổi kết hôn của chồng cháu trước đây là các mối quan hệ khác nhau, sẽ không bị chi phối bởi mối quan hệ giữa sinh con, đi khai sinh cho con của cháu và chưa đủ tuổi kết hôn của chồng; hơn nữa pháp luật xử lý vi phạm hành chính quy định về nguyên tắc, thời hiệu, trình tự thủ tục chặt chẽ, cho nên cháu đến UBND cấp xã đăng ký khai sinh cho con;

2. Thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con của cháu tại UBND xã, phường, như sau:

Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, ngày 15/11/2015 quy đnh chi tiết mt s điu và bin pháp thi hành Luật Hộ tịch, quy định:

“1. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.”

Theo đó, việc đăng ký khai sinh cho con không bắt buộc bố mẹ phải có đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, việc thể hiện thông tin của người cha trên giấy khai sinh của con cháu thì theo quy định trước hết cần phải có thủ tục nhận cha cho con cháu. Thủ tục nhận cha con được quy định tại khoản 2, Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, sau đây:

“2. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này (Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giy tờ là hộ chiếu, chng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân..) và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha - con hoặc quan hệ mẹ - con;
c) Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.”

Về chứng cứ chứng minh quan hệ cha con (một trong 2 trường hợp) được quy định tại Điều 14, Thông tư 04/2020/TT-BTP, ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, như sau:

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP về đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt, còn quy định:

“3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con. Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.”

Như vậy, việc đăng ký khai sinh trong trường hợp cụ thể như cháu trình bày thì vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung để được ghi thông tin về người cha vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.


 

Tác giả bài viết: Luật gia Lê Công Tâm tư vấn

Tổng số điểm của bài viết là: 374 trong 78 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 78 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây