Xử lý với bác sĩ trong trường hợp làm bệnh nhân chết oan?

Thứ hai - 06/07/2020 23:01
(TVLMP) – Báo Bảo vệ pháp luật có bài viết “Từ vụ tố cáo bệnh nhân chết oan tại BVĐK Bình Định: Lộ diện hàng loạt ca tử vong bất thường”. Tôi muốn hỏi: Xử lý với bác sĩ trong trường hợp làm bệnh nhân chết oan như thế nào? (Phan Hữu Nam, Đà Nẵng).
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

 

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Nghề Y luôn được vinh danh là nghề cao quý, các bác sĩ phải hội tụ rất nhiều phẩm chất như: Trình độ, lương tâm, trách nhiệm, kinh nghiệm…Tuy nhiên, nghề nào cũng khó tránh khỏi có những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra. Nếu trong quá trình chữa bệnh mà vì không thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật, vi phạm quy tắc nghề nghiệp thì tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm đó gây ra.
Sau khi Báo BVPL phản ánh trường hợp người nhà bệnh nhân (BN) tố cáo người thân “chết oan” sau khi được điều trị, can thiệp tại Khoa Nội tim mạch (NTM) - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định; qua tìm hiểu, thấy rằng, đây không phải là trường hợp duy nhất tử vong mà nguyên nhân đưa ra chưa thực sự thuyết phục.

1. Xử lý hình sự

Nếu trong quá trình chữa bệnh mà không thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật, vi phạm quy tắc nghề nghiệp dẫn đến hậu quả làm bệnh nhân chết oan thì bác sĩ có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, trong trường hợp bác sĩ làm bệnh nhận chết oan, tức bác sĩ là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, dù cố ý hoặc vô ý do cẩu thả hay vô ý do quá tự tin thì bác sĩ đã có hành vi vi phạm trong quá trình khám chữa bệnh mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm chết người, xâm phạm đến quyền được sống của con người. Qua điều tra xác minh, cơ quan có thẩm quyền xét thấy có dấu hiệu phạm tội thì các cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra, truy tố, xét xử…theo thủ tục tố tụng hình sự.

2. Xử lý vi phạm hành chính:

Nếu tính chất của hành vi vi phạm hay hậu quả xảy ra chưa đủ để xử lý hình sự thì bác sĩ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền lên đến 40.000.000 đồng theo quy định tại Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

Điều 30. Vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lập hoặc lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật;

b) Không lập hoặc lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật;

c) Không ghi sổ y bạ theo dõi điều trị đối với người bệnh điều trị ngoại trú;

d) Không thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không giải quyết đối với người bệnh không có người nhận theo quy định của pháp luật;

b) Không giải quyết đối với người bệnh tử vong theo quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện việc trực khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Không thực hiện hội chẩn khi đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi;

c) Không tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hành vi không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa mà không được sự đồng ý của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh, trừ trường hợp không thể hỏi ý kiến của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh mà nếu không thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh;

b) Không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển cấp cứu, thiết bị y tế, dụng cụ y tế và cơ số thuốc cấp cứu.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.”

3. Bồi thường thiệt hại:

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính theo các quy định trên, trong trường hợp hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, các chi phí khám chữa bệnh,…. bác sĩ còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Căn cứ vào Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì bác sĩ là người của bệnh viện, phòng khám nên cơ sở này phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu bệnh viện, phòng khám đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

“Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”.

Theo: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/luat-su-cua-ban/xu-ly-voi-bac-si-trong-truong-hop-lam-benh-nhan-chet-oan-90793.html

Tác giả bài viết: Luật sư N.T.TC

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây