Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra rất có thể không đạt được nếu việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội không được tiến hành ngay.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp về nội dung này.
PV: Thưa ông, vì sao chúng ta lại đặt vấn đề phải đẩy mạnh việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội vào thời điểm này?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đặt mục tiêu, đến năm 2020 có 50% số người tham gia vào lực lượng lao động trong xã hội thì tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện nay, cả nước có 13 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, con số mới chỉ là 13.200 người. Trong khi đó, đến năm 2020, dự báo lực lượng lao động của chúng ta là 60 triệu người, nếu đặt mục tiêu 50% số người tham gia bảo hiểm xã hội cho dù là bắt buộc hay tự nguyện thì con số này phải đạt tới 30 triệu người vào năm 2020.
Từ 13 triệu lên 30 triệu người là một khoảng cách rất là lớn. An sinh xã hội thì bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của an sinh xã hội. Mở rộng các đối tượng thì không phải bây giờ mới đặt ra, mà câu chuyện này đã được bàn nhiều năm, nhưng những năm vừa rồi mức độ gia tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội không nhiều, tỷ lệ không cao. Vì thế phải tính đến các giải pháp, các chính sách căn cơ hơn để có thể đạt được mục tiêu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Doãn Mậu Diệp |
PV: Hiện nay, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho khu vực phi kết cấu dường như bị bỏ ngỏ và hầu như không có người tham gia. Vậy giải pháp nào để thay đổi tình hình này, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Trong Luật Bảo hiểm xã hội quy định hai chế độ bảo hiểm xã hội. Thứ nhất là bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đối với khu vực có quan hệ lao động trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định những lao động nào có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì cũng đã phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng chúng ta cũng biết hiện nay khoảng 60% lực lượng lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực phi kết cấu, khu vực không có quan hệ lao động.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng đề cập sẽ thiết kế các chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua các chính sách hỗ trợ, chính sách khuyến khích để người lao động tiếp tục có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được xây dựng và ban hành đầy đủ.
Các chính sách để hỗ trợ người lao động khi mà họ hết thời gian hợp đồng, hết thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tiếp tục tham gia vào hệ thống thì cũng chưa có. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ phải thiết kế các chính sách để làm sao khuyến khích được những người lao động trong khu vực phi kết cấu, những người không có quan hệ lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khuyến khích những người có thể linh hoạt chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc và không còn hợp đồng lao động sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy, mới hy vọng có thể đạt được mục tiêu.
PV: Thưa ông, vấn đề là ngay cả khu vực có quan hệ lao động, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn diễn ra?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Việc trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra từ nhiều năm nay. Vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ cho người lao động cả về mức đóng cả về số lượng lao động mà hiện nay doanh nghiệp đang sử dụng. Bảo Hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực để khắc phục tình trạng này và một trong những nhiệm vụ đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến.
Quan trọng hơn là tổ chức thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc các doanh nghiệp có thể đóng đúng, đóng đủ, đóng hết bảo hiểm xã hội cho người lao động có quan hệ với mình, nhưng thanh tra của Bộ LĐ-TB & XH và thanh tra của các Sở LĐ-TB & XH cả nước chưa đến 500 người mà hoạt động trong các lĩnh vực rất rộng, nếu chỉ dành cho công tác thanh tra về chế độ thu, đóng bảo hiểm xã hội thì cũng đã không đủ.
Vì thế, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành lập và thực hiện nhiệm vụ thanh tra thu bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có khoảng gần 2.000 người thực hiện chức năng thanh tra thu bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội cũng chính là cơ quan biết rõ nhất những doanh nghiệp nào còn nợ đóng, doanh nghiệp nào còn trốn đóng và với lực lượng thanh tra như thế này mà tổ chức thanh tra nghiêm túc, thanh tra đầy đủ bên cạnh những giải pháp tăng cường phổ biến thì tôi tin rằng trong thời gian tới, số lượng doanh nghiệp trốn đóng rồi là nợ đóng hoặc tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ giảm thiểu.
PV: Có ý kiến cho rằng, do phải đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao nên doanh nghiệp không thể chịu được. Đây là nguyên nhân khiến họ trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, ý kiến của ông như thế nào?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Tôi muốn nói là các nước OECD mức độ đóng bảo hiểm xã hội của họ là 25% tiền lương cho Quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng hiện nay mức đóng của chúng ta chỉ là 22% cả từ phía người lao động và người sử dụng lao động.
Như vậy, so với các nước OECD thì mức đóng của chúng ta thấp hơn họ. Mức đóng của Việt Nam không phải cao nhất nếu chỉ đóng cho Quỹ hưu trí và tử tuất. Thứ 2 là ở Việt Nam mức hưởng có thể đến 75% tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội, trong khi các nước khác tối đa chỉ là 50%. Chúng ta nói mức đóng cao, nhưng rõ ràng không hẳn đã cao hơn so với trung bình các nước khác.
Chúng ta cũng nói mức hưởng còn thấp, nhưng quả thực cao hơn nhiều so với các nước.Bây giờ muốn giảm mức đóng nhưng lại không muốn giảm mức hưởng thì rất là khó cân đối. Tất nhiên, trong Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công sắp tới thì tất cả các phương án sẽ phải tính toán lại để trình Ban chấp hành Trung ương.
PV: Vậy đây có phải là lý do khiến việc tăng tuổi nghỉ hưu được bàn tới không, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Nghỉ hưu là lý do quan trọng nhất nhằm đảm bảo tính cân đối của Quỹ bảo hiểm xã hội, tính bền vững của Quỹ. Mức đóng hiện nay là 1 tháng đóng 22% tiền lương, 30 năm đóng thì sẽ bằng 66 tháng tiền lương. Trong 66 tháng tiền lương mà hưởng 75% thì chỉ đủ trả cho 88 tháng thôi. Cho dù chúng ta có đầu tư, có tăng trưởng... thì giỏi lắm chỉ được hưởng 120 tháng (tức bằng 10 năm). Nhưng những người nào mà sống đến 60 tuổi thì trung bình họ còn sống được thêm 21 năm. Bây giờ tiền lương đóng vào chỉ đủ cho 10 năm, còn 11 năm còn lại ai sẽ chịu? Ngân sách Nhà nước nếu mà dồi dào thì còn chịu được, nhưng ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ được lấy ra để chi trả.
Nếu lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội thì rõ ràng là mất cân đối và chuyện không thể đảm bảo được việc tiếp tục duy trì Quỹ này để trả lương cho những người hưởng lương hưu sau này.
Lý do là tính bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng quan trọng hơn là tương lai của đất nước khi mà lực lượng lao động ngày càng giảm. Số người sẽ tiếp tục đóng cho số người hưởng sẽ có sự mất cân đối. Những năm 1980, trung bình mỗi năm Việt Nam sinh ra khoảng 1,7 triệu trẻ em, tức là đến những năm 2000 thì lực lượng lao động tăng thêm khoảng 1,7 triệu người.
Tuy nhiên, những năm gần đây mỗi năm Việt Nam chỉ có 1 triệu đến 1 triệu 100 nghìn trẻ được sinh ra thôi. Việt Nam có dân số vàng, nhưng các tính toán cho thấy già hóa dân số của Việt Nam đang rất là nhanh, thậm chí nhanh nhất thế giới. Nếu không tính trước câu chuyện này, nếu không bắt đầu thì rất khó cho tương lai của con cháu chúng ta.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Nguồn tin: Hà Nam/VOV-Trung tâm Tin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn