Theo kết luận điều tra bổ sung xác định: Cơ quan điều tra, đã thu thập các tài liệu để làm rõ báo cáo tổng hợp của ông Hoàng Anh Sơn- nguyên kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Thái Nguyên trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” và “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành đối chất giữa bị can Dương Quang Hợp với ông Nguyễn Xuân Cúc- nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên, giữa bị can Hợp và ông Hoàng Anh Sơn…
Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao xác định, các tài liệu này thể hiện, bị can Hợp đã chỉ đạo Kiểm sát viên Hoàng Anh Sơn trả vật chứng và tài sản cho ông Dương Văn Bắc và các bị hại. Việc quyết định hủy các lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Nguyên và Quyết định trả vật chứng- tài sản kê biên và tạm giữ cho ông Dương Văn Bắc và một số bị hại trong vụ án, bị can Hợp không báo cáo ông Nguyễn Xuân Cúc- nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên là không đúng Quyết định số 128 ngày 15/11/2007 của Viện KSND tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung những nội dung nội trên, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao nhận thấy không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy, Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm tại kết luận điều tra số 06/VKSTC ngày 3-5-2017 của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.
Theo tài liệu điều tra thể hiện, trong vụ án Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 27 người bị hại, tổng số tiền bị chiếm đoạt là 183 tỷ đồng. Đây là số tiền đặc biệt lớn của các bị hại mà các bị can phải có nghĩa vụ bồi thường theo kỷ phần và thuộc quyền quyết định của Hội đồng xét xử.
Tuy nhiên, sau khi vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Thái Nguyên để truy tố, bị can Dương Quang Hợp là người được phân công chỉ đạo giải quyết vụ án, đã nghe kiểm sát viên báo cáo và đề xuất cách thức giải quyết vụ án.
Mặc dù biết rõ kiểm sát viên thụ lý vụ án đề xuất chuyển tài sản, vật chứng của vụ án đến toà án để giải quyết theo thẩm quyền và biết rõ đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tài sản các bị can còn lại để bồi thường chia đều cho bị hại theo kỷ phần, chỉ có duy nhất là những tài sản đang bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên kê biên, tạm giữ, nhưng bị can Hợp vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục, sau đó ký 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT và ký 7 quyết định trả vật chứng là số tài sản kê biên và tài sản tạm giữ được định giá là 11,6 tỷ đồng, trong đó trả cho ông Dương Văn Bắc tài sản trị giá 9,9 tỷ đồng, trong khi ông Bắc chỉ phải trả thay vợ chồng Dương- Anh số tiền 8,3 tỷ đồng cho ngân hàng.
Trả cho ông Nguyễn Quốc Dũng tài sản có giá trị 833 triệu đồng mặc dù ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng không phải là người bị hại trong vụ án còn 5 bị hại khác chỉ được trả 921 triệu đồng. Như vậy, Hợp biết rõ việc ra 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Nguyên là trái pháp luật.
Tài liệu tố tụng khẳng định, việc bị can Hợp ban hành các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và các quyết định trả lại vật chứng cho các đương sự như nêu trên là trái với quy định pháp luật, vi phạm Điều 76, Khoản 4, Điều 146 Bộ luật TTHS và Thông tư số 06/1998/TTLT ngày 24/10/1998 của Liên ngành tư pháp Trung ương, tạo điều kiện cho hai bị can Dương- Anh tẩu tán tài sản bị kê biên với số tiền 10 tỷ 741 triệu đồng, dẫn đến hậu quả làm 23 người bị hại khác trong vụ án mất quyền được bồi thường trong số tài sản cuối cùng của hai bị can. Đến nay, nhiều người bị hại liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo rất phức tạp.
Đối với ông Nguyễn Xuân Cúc đã không thực hiện hết trách nhiệm của viện trưởng theo quy định của pháp luật. Khi công dân đến khiếu nại các quyết định trái pháp luật của cấp phó, ông Cúc không ra quyết định hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của cấp phó dẫn tới những sai phạm kéo dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khi ra các quyết định trái pháp luật, phó viện trưởng không báo cáo với ông Cúc. Sau khi sự việc xảy ra, ông Cúc có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn, hối cải, trong quá trình công tác ông Cúc có nhiều thành tích xuất sắc và đã bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách với vi phạm nêu trên, nên xét thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Cúc.
Đối với các thành viên Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên, các thành viên Hội đồng xét xử của Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội và kiểm sát viên Viện phúc thẩm tại Hà Nội, thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm “mặc nhiên công nhận thỏa thuận trái pháp luật của các đương sự và quyết định trái pháp luật nêu trên của Viện KSND tỉnh Thái Nguyên”, Cơ quan điều tra sẽ có kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 6/2/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Quang Hợp về tội “Ra quyết định trái pháp luật”, nhưng sau đó đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tác giả bài viết: Đức Sơn
Nguồn tin: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn