Theo tố cáo của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (trú ở TP. Quy Nhơn, Bình Định), tin vào lời hứa của ông Lê Hồng Kiên, cán bộ tín dụng Ngân hàng Việt Á, sẽ giúp gia đình chị vay tiền của Ngân hàng Việt Á chi nhánh Quy Nhơn, nếu gia đình chị Dung chịu ký ủy quyền cho ông Kiên được mua, bán, thế chấp 02 thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình chị Dung (gồm các thửa đất số 16G và thửa đất số 17G tại Khu tái định cư đợt 3, thuộc tổ 7, KV5, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Theo đó, ngày 06/7/2012, chị Dung và chồng là anh Bùi Anh Tuấn ký ủy quyền cho ông Lê Hồng Kiên được ký hợp đồng tặng, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với hai thửa đất nêu trên, được vay vốn các tổ chức tín dụng, cá nhân…
Nội dung ủy quyền có điều khoản ông Kiên phải giao lại cho gia đình chị Dung những lợi ích thu được khi thực hiện việc ủy quyền.
Ngày 15/8/2012, ông Lê Hồng Kiên đã sử dụng giấy ủy quyền của vợ chồng chị Dung để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với hai thửa đất nêu trên cho ông Huỳnh Đức Thể.
Trên thực tế, vợ chồng chị Dung không hề biết việc ông Kiên chuyển nhượng nhà đất của mình cho ông Huỳnh Đức Thể, không giao nhà đất cho ông Huỳnh Đức Thể. Đồng thời cũng không nhận một khoản tiền nào từ ông Thể hay ông Kiên liên quan đến việc chuyển nhượng trên.
Hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng tín dụng "có vấn đề”
Theo nội dung của hợp đồng chuyển nhượng, giá chuyển nhượng các thửa đất số 16G và thửa đất số 17G tại Khu tái định cư đợt 3, thuộc tổ 7, KV5, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và ngôi nhà diện tích xây dựng 130,4 m2, nhà được xây 04 tầng, tổng diện tích sử dụng 376,9 m2 chỉ có 400 triệu đồng. Nhưng sau đó, nhà đất này được thế chấp cho Ngân hàng để bảo đảm số tiền nợ gốc và lãi là 1,25 tỷ đồng.
Bất ngờ hơn, tại thời điểm ông Kiên ký hợp đồng bán nhà cho ông Thể thì gia đình chị Dung không hề hay biết, hai bên không giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng theo hợp đồng. Vì vậy, gia đình chị Dung vẫn sử dụng 02 thửa đất trên cho đến thời điểm hiện nay.
Tiếp đến, ngày 11/1/2013, ông Huỳnh Đức Thể ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với 02 thửa đất trên cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Phú Tài để vay tiền theo Hợp đồng cho vay bán lẻ 042/HĐTD ngày 21/01/2014 và giấy nhận nợ số 01 ngày 21/01/2014.
Sau đó, ông Thể không trả nợ cho Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Tài, nên Ngân hàng Vietcombank đã khởi kiện ông Thể ra TAND TP. Quy Nhơn. Tuy nhiên, trong quá trình tòa đang thụ lý giải quyết, ngân hàng và ông Thể đã thỏa thuận và được TAND TP. Quy Nhơn công nhận: Nếu ông Thể không trả tiền theo cam kết thì ngân hàng sẽ phát mại tài sản bảo lãnh để thu hồi nợ.
Cũng theo chị Dung trình bày, việc mua bán giữa ông Kiên và ông Thể chỉ nhằm mục đích để ông Thể thế chấp nhà đất của bà để vay vốn ngân hàng.
Đến khi Chi cục THADS TP. Quy Nhơn ra quyết định cưỡng chế thi hành án, bán đấu giá tài sản là nhà đất trên thì gia đình chị Dung mới “ngã ngửa” vì gia đình chị vẫn đang sinh sống ở căn nhà trên nhưng chưa bao giờ thấy có cán bộ tín dụng của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Tài đến thẩm định tài sản để đánh giá và giải ngân khoản vay.
Hồ sơ về việc bắt giữ người trái pháp luật bị Công an TP. Quy Nhơn làm mất?
Một nội dung đơn tố cáo khác của chị Dung là việc chị bị các đối tượng Lê Hồng Kiên, Nguyễn Trọng Minh, Lê Đức Nhuận, Huỳnh Đức Thể… bắt giữ trái pháp luật vào lúc 10h, ngày 10/8/2012 tại quán cà phê Hoàng Gia TP. Quy Nhơn, sau đó giam giữ chị để gây sức ép bắt bố mẹ chị Dung phải ký giấy ủy quyền giao tài sản cho nhóm người của Lê Hồng Kiên.
Chị Dung chỉ được tự do khi Công an TP. Quy Nhơn đến giải cứu (ngày 12/8/2012).
Ngay sau đó, chị Dung có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng. Ngày 1/4/2016, VKSND TP. Quy Nhơn có giấy báo tin cho chị Dung đã chuyển đơn của chị đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Quy Nhơn để giải quyết. VKSND tỉnh Bình Định cũng có giấy báo tin ngày 7/6/2016 đã chuyển đơn thư và tài liệu kèm theo đến PC44 Công an tỉnh Bình Định để giải quyết theo thẩm quyền. Tính đến nay, vụ việc đã xảy ra 6 năm, nhưng chị Dung vẫn chưa nhận được bất cứ một thông báo nào về việc xử lý giải quyết đơn tố cáo của mình.
Ngày 28/5/2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có Công văn số 1229 về việc phối hợp kiểm tra thông tin vi phạm, tội phạm, giải quyết đơn của chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, tố cáo Công an TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong quá trình giải quyết vụ việc ông Lê Hồng Kiên, cán bộ tín dụng Ngân hàng Việt Á chi nhánh TP. Quy Nhơn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (03 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và có hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Chị Dung đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Định, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết, khi chị đến hỏi về kết luận giải quyết vụ việc trên thì được biết hồ sơ vụ việc bị mất(?!).
Đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Dung vẫn đang mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có kết quả giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Liên quan đến vụ việc của chị Dung nói trên, ngày 22/8/2018, các ngành chức năng TP. Quy Nhơn đã thực hiện lệnh cưỡng chế để thu hồi căn nhà của gia đình chị Dung. Tuy nhiên, gia đình chị đã phản kháng và không chịu bàn giao, vì họ cho rằng mình bị lừa đảo và sự việc đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Ngày 28/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Quy Nhơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 người gồm Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1980), Nguyễn Hồng Cường (SN 1981; cùng ngụ phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) và Bùi Văn Thinh (SN 1990; ngụ tỉnh Nghệ An) về hành vi chống người thi hành công vụ. Cùng với quyết định khởi tố, cơ quan CSĐT cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Dung và Thinh, riêng Cường được cho tại ngoại.
Như vậy, từ vai trò là một người bị hại, đang tố cáo một số đối tượng có hành vi lừa đảo, bắt giữ người trái pháp luật nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết, chị Dung lại trở thành bị can trong vụ án chống người thi hành công vụ
Tác giả bài viết: pv
Nguồn tin: Theo Báo Phụ nữ Việt Nam:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn