Ông Phạm Lương Sơn, Phó giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, thời gian qua cơ quan BHXH đã từ chối thanh toán các chi phí sai quy định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đối với những cơ sở y tế lạm chi trục lợi Quỹ BHYT.
Đáng chú ý có tình trạng một người bệnh đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều lần trong tháng để lấy thuốc nhưng không vì mục đích điều trị cho bản thân.
Điển hình có trường hợp chỉ trong vòng hơn 7 tháng đi khám bệnh tới 300 lần.
Tình trạng một người đi khám bệnh nhiều lần trong ngày, trong tháng gây thất thoát BHYT. (Ảnh minh họa) |
Để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, ông Sơn cho biết BHXH đã kiến nghị các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Đồng thời BHXH Việt Nam sẽ thành lập các đoàn thanh tra việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các địa phương. Nếu phát hiện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Cùng với đó, BHXH cũng sẽ đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào để giám sát, đảm bảo tính công khai minh bạch, xử lý kịp thời những phản ánh của người dân.
Một thực trạng khác gây thất thoát quỹ BHYT vừa qua đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra đó là tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, một người được cấp 3 đến 4 thẻ BHYT.
Cụ thể, năm 2013 số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ tương đương với số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014 cấp trùng 160.912 thẻ với số tiền cấp trùng 82,2 tỷ đồng. Năm 2015 qua hệ thống rà soát, số thẻ cấp trùng có giảm đáng kể so với các năm trước nhưng vẫn phát hiện 116.096 thẻ với số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng.
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, cấp trùng là do cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do vậy, nếu thông tin không trùng khớp họ tên, địa chỉ, ngày sinh… sẽ dẫn đến một người có thể được cấp nhiều hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau.
“Một người dù được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng 1 thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong quỹ BHXH, không bị thất thoát”, ông Sơn nói.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn