Tranh cãi xung quanh việc 'tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm'

Thứ sáu - 24/02/2017 22:07
(PL Nrews) - Tại xã Cộng Hiền (H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng), nơi phát hiện ngôi mộ được một số nhà khoa học cho rằng đó là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chính quyền địa phương đã phản đối thông tin này và phát loa thông báo “kẻ xấu” có thể lợi dụng sự việc để tuyên truyền mê tín dị đoan...
Tranh cãi xung quanh việc 'tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm'

 

Chiếc “quách” gỗ phát hiện ở vườn nhà bà Bùi Thị Hiền, được nhiều người cho là chứa hài cốt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm /// Ảnh: Nguyễn Lân Cường
Chiếc “quách” gỗ phát hiện ở vườn nhà bà Bùi Thị Hiền, được nhiều người cho là chứa hài cốt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh KhiêmẢNH: NGUYỄN LÂN CƯỜNG

Theo báo cáo ngày 21.2.2017 của UBND H.Vĩnh Bảo gửi UBND TP.Hải Phòng, ngày 15.5.2014 UBND huyện nhận được báo cáo của UBND xã Cộng Hiền về việc một người dân địa phương là bà Bùi Thị Hiền (50 tuổi, được cho là có khả năng ngoại cảm) phát hiện một ngôi mộ cổ trong vườn nhà, đào lên thì thấy một quách gỗ, bên trong có hài cốt. Gia đình đã mang số hài cốt này đi chôn ở nghĩa trang xã, quách gỗ được chuyển lên Hà Nội lưu giữ. Đến ngày 7.12.2016, chiếc quách được chuyển về Hải Phòng bàn giao cho UBND xã Cộng Hiền và Bảo tàng Hải Phòng.

Cũng theo báo cáo này, sau khi quách được giao cho bảo tàng, các ông Nguyễn Đình Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, H.Vĩnh Bảo), Lê Thiên Lý (một người viết thư pháp ở Hải Phòng) đã đăng tải thông tin về việc tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên mạng xã hội, “gây ra dư luận xã hội không tốt”.
Ngày 16.1, một hội thảo về phát hiện ngôi mộ do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học VN tổ chức, diễn ra tại Hà Nội (Thanh Niên đã đưa tin). Theo tài liệu hội thảo, chiếc quách gỗ có niên đại khoảng 1.700 năm, một số người cho rằng có từ thời nhà Mạc. Đặc biệt, thông tin từ hội thảo cũng cho biết theo chỉ dẫn của một số “nhà ngoại cảm”, đã tìm thấy trong chiếc quách một thẻ tre. Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN, thì TS Cung Khắc Lược, một người có uy tín trong lĩnh vực Hán - Nôm, đã đọc trên thẻ tre dòng chữ: Mạc Triều Trạng Nguyên mộ tại ao dương. “Tôi không mê tín dị đoan nhưng tin vào tiềm năng ngoại cảm của con người. Tôi cũng rất tin ông Lược. Chính vì vậy, tôi tin đây là mộ cụ Trạng”, PGS-TS Nguyễn Lân Cường nói.
Ông Lê Thiên Lý, một người “theo sát” sự việc cho biết: “Tôi tiếp cận chiếc quách từ tháng 5.2014. Khi ấy, ngoài vỏ quách tôi đọc được 24 chữ: Giá độc tất đạt/Trạng Trình khiếu phong/Tâm dĩ nhật chính/Tầm tự quang long/Trùng mộc chủ tôn/Trung sinh nam cự. Hàm ý trong quách chứa thông tin chủ nhân của nó. Đến khi tìm được thẻ tre, tôi càng tin chắc đây là mộ cụ Trạng Trình”.
“Không phải là mộ cụ Trạng Trình”
Ngày 24.2, ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở VH-TT TP.Hải Phòng, cho biết UBND TP.Hải Phòng đã nhận được báo cáo của UBND H.Vĩnh Bảo và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin, làm rõ vụ việc. Theo đó, Sở VH-TT Hải Phòng đã giao Bảo tàng Hải Phòng là cơ quan thường trực để tham mưu với lãnh đạo TP.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, nói: “Bằng trực quan, tôi tin chắc đây không phải là mộ cụ Trạng Trình”.
Ông Phương cho rằng, nơi tìm thấy ngôi mộ không phải là di tích, di sản mà là một khu chôn cất người công giáo. “Đặc biệt là chi tiết có bộ xương nguyên sọ trong chiếc hộp gỗ mọi người gọi là “quách” rất vô lý. Cái hộp chỉ rộng 15 cm, làm sao đựng vừa chiếc sọ người. Mà gọi “quách” là đã thấy sai rồi. Quách thường lớn và bao bọc bên ngoài quan tài, chứ không bé tí như thế”, ông Phương nói và khẳng định “không cần phải nghiên cứu gì cả mà phải xử lý ngay hành vi xâm phạm mồ mả trái phép của bà Bùi Thị Hiền”, do người này khi phát hiện ngôi mộ đã không báo cáo cơ quan chức năng mà tự ý đào bới, di chuyển.
Tại xã Cộng Hiền, chính quyền địa phương cũng phản đối thông tin phát hiện mộ phần của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bằng cách phát loa thông báo việc làm này có thể để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan và yêu cầu chấm dứt việc tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự tại nhà bà Bùi Thị Hiền.
Trao đổi với Thanh Niên, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Tìm được phần mộ và di cốt của cụ Trạng Trình là một đại phúc. Nhưng với một người sống cách nay mấy trăm năm thì phải thu thập được nhiều chứng cứ khoa học, đủ sức thuyết phục”.
Đáng chú ý, ngày 20.2 vừa qua, tại nhà bà Bùi Thị Hiền lại phát hiện một ngôi mộ khác và gia chủ đã tiến hành khai quật, với sự tham gia của PGS-TS Nguyễn Lân Cường; PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tiềm năng con người; ông Lê Thiên Lý, cùng khoảng gần 100 người dân. Theo UBND xã Cộng Hiền, đây là việc “tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự”. Sau khi bị tạm dừng, đến ngày 22.2, việc khai quật đã được chính quyền cho phép, kết quả chỉ đào được một quan tài gỗ nhỏ, bên trong có hài cốt của một người trẻ tuổi.
 

                                                      “Có thể xếp vừa chiếc sọ người trong quách”
Trước những ý kiến của chính quyền và nhà chuyên môn làm việc tại Hải Phòng, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Chính tay tôi đã đưa mẫu gỗ của chiếc quách gửi xác định tại Trung tâm hạt nhân TP.HCM, kết quả giám định cho thấy niên đại của gỗ làm quách là 1.700 năm (+-75 năm). Việc tìm thẻ tre trong quách được tiến hành ngay trong Bảo tàng Hải Phòng. Tôi và các cộng sự đã tìm thấy chiếc thẻ này với sự hướng dẫn của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang, khi đó có khoảng 30 người chứng kiến quá trình này. Việc thẻ tre được tìm thấy trong quách là có thật, không phải bịa đặt hay mới đưa vào. Tôi chụp chiếc thẻ tre bằng máy chuyên dụng, có ảnh gốc, không thể nói là photoshop được. Để làm rõ thông tin hơn, tôi đề nghị Bộ VH-TT-DL và Viện Hán Nôm có cuộc hội thảo để các nhà Hán - Nôm đọc chữ trên thẻ tre tìm thấy trong chiếc quách.
Về ý kiến cho rằng chiếc quách này quá nhỏ, không đựng vừa cả chiếc sọ người, tôi có thể khẳng định là xếp vừa. Bởi tôi đã đào rất nhiều mộ, trong đó có ngôi mộ ở Nam Định cũng có chiếc quách như thế này và đựng vừa cả bộ xương. Có câu “trong quan, ngoài quách”, người xưa đóng quách ngoài quan tài, nhưng quách đó thường được làm bằng vôi vữa. Còn chiếc hộp gỗ hay có thể gọi là chiếc quách như ở ngôi mộ được tìm thấy ở Hải Phòng nhỏ như vậy là vì người được chôn theo hình thức cải táng. Còn có thêm một chi tiết nữa, đó là nơi phát hiện chiếc quách này có hàng loạt các ngôi mộ, trong lúc phát lộ người dân còn tìm được mấy chiếc cúc áo, trong đó một chiếc bằng vàng”.
Ngọc An (ghi)

 

Tác giả bài viết: Lê Tân

Nguồn tin: Theo TNO:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây