Trầm Bê và 24 đồng phạm gây thiệt hại khoảng 6.600 tỉ đồng

Thứ ba - 01/08/2017 19:35
(Phapluat News) - Cơ quan điều tra kết luận Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng tại bốn ngân hàng, với tổng thiệt hại khoảng 6.600 tỉ đồng.
Cán bộ công an thuộc phòng 10 (C46) Bộ Công an khám xét bên trong nhà ông Trầm Bê ở phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM chiều 1-8 - Ảnh: NGỌC KHẢI
Cán bộ công an thuộc phòng 10 (C46) Bộ Công an khám xét bên trong nhà ông Trầm Bê ở phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM chiều 1-8 - Ảnh: NGỌC KHẢI

 


Ngày 1-8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã khởi tố và thực hiện quyết định bắt tạm giam ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank và ông Phan Huy Khang, nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank. .

Cơ quan điều tra còn khởi tố thêm 23 bị can khác cùng với tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bốn ngân hàng:

- Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB);

- Ngân hàng Tiên Phong;

- Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

- Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Trong số 25 bị can có 16 bị can bị bắt tạm giam. Trong đó có Trầm Bê - nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank; Phan Huy Khang, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank; Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Lộc Việt; Đỗ Phương Nam, phó giám đốc Công ty Cổ phần Đại Phát…

Ngoài ra có bốn bị can đang thi hành án ở một số vụ án khác, 5 bị can được tại ngoại.

Hành vi của Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã gây thiệt hại 6.600 tỉ đồng.

 

Media player poster frame
Chiều 1-8, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nhà ông Trầm Bê tại quận Bình Tân, TP.HCM - Clip: NGỌC KHẢI


Trong số tiền thiệt hại trên, đáng chú ý có hành vi sai phạm liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh, do có mối quan hệ từ trước, tháng 4-2013 ông Danh đã gặp trực tiếp Trầm Bê để đề nghị được vay tiền.

Biết Phạm Công Danh là chủ tịch HĐQT VNCB nên không thể vay tiền tại đây nên Trầm Bê đã đồng ý cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại Sacombank.

Ông Trầm Bê đã dẫn Phạm Công Danh sang gặp Phan Huy Khang và chỉ đạo Khang cho vay 1.800 tỉ đồng.

Sau đó Khang đã giao cho cấp dưới của mình triển khai cho Danh vay 1.800 tỉ đồng theo chỉ đạo của Trầm Bê.

Để gấp rút vay số tiền trên, Phạm Công Danh đã lập ra 6 công ty và cho giám đốc lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị… của Tập đoàn Thiên Thanh làm giám đốc của công ty này.

Phạm Công danh chỉ đạo thuộc cấp dùng hồ sơ pháp nhân của 6 công ty này đến Sacombank làm thủ tục vay tiền.

Theo kết quả giám định, việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ khi chưa thẩm định nguồn vốn và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay và khả năng hoàn trả nợ vay là chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.

Ông Trầm Bê (nguyên quán Trung Quốc, nơi hộ khẩu đăng ký thường trú Q.1, TP.HCM) có trình độ cử nhân quản lý doanh nghiệp.

Năm 2004, ông Trầm Bê từng giữ chức phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank).

Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam để tham gia vào HĐQT của Sacombank.

Ngày 1-10-2015, Southernbank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật.

Ngày 24-2-2017, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo cho biết đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. 

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây