Tìm hiểu sự ra đời của chữ Quốc ngữ: Đến Làng Sông tìm một... dòng sông

Thứ ba - 09/07/2019 03:22
Cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 10 cây số, nằm giữa những đồng lúa xanh ngát của thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định), Tiểu chủng viện Làng Sông (hay nhà thờ Làng Sông) là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo.
Tìm hiểu sự ra đời của chữ Quốc ngữ: Đến Làng Sông tìm một... dòng sông

Tiểu chủng viện được xây dựng từ năm 1864, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn với những dãy nhà rêu phong trầm mặc, những đường nét kiến trúc Gothic duyên dáng… bên cạnh bóng mát những hàng cây sao hàng trăm năm tuổi. Điều thú vị, cùng với Thanh Chiêm (Quảng Nam), đây là địa chỉ góp phần vào sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Lòng Sông hay Làng Sông?

Là những người khách phương xa, không rành địa bàn vùng nông thôn Bình Định, chúng tôi khá lúng túng khi thăm hỏi đường về Tiểu chủng viện Làng Sông. Bởi theo người dân thì nên hỏi “nhà thờ Làng Sông” sẽ nhiều người biết hơn là “tiểu chủng viện…”. Bên cạnh đó, xưa kia dân địa phương còn gọi là Lòng Sông, vì bao quanh nơi đây là vùng ruộng đồng, sông nước, có thể lâu ngày do cách phát âm của người địa phương làm chệch đi. Tuy nhiên, đến nay, trên các văn bản hoặc các tấm biển trong chủng viện chúng tôi nhận thấy đều ghi rõ “Làng Sông”.

Nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà xưa kia dành cho các tu sinh, được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp. Màu xám của tổng thể và màu trắng của một số nét chi tiết ở mặt chính diện thánh đường Làng Sông kết hợp cùng dãy nhà màu vàng hai tầng đối xứng nhau tạo nên sự hòa hợp trong một không gian rợp bóng cổ thụ và xanh tươi của hoa cỏ. Tiểu chủng viện Làng Sông xưa kia là nơi đào tạo trung cấp cho các linh mục phục vụ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nay là nơi dành cho Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương. Chính vì vậy, khi ngang qua hành lang một dãy nhà vắng, bất ngờ chúng tôi gặp một nữ tu chặn lại, yêu cầu dạo chơi, tham quan khu vực bên ngoài, bên trong là khu sinh hoạt của nữ tu. Thế là nhân tiện, chúng tôi bày tỏ, muốn gặp người có trách nhiệm để xin phép tìm hiểu đôi điều về cội nguồn của chủng viện Làng Sông.

Nhà in đầu tiên in sách chữ Quốc ngữ

Nữ tu sĩ Nguyễn Thị Ngoan đưa chúng tôi đến dãy nhà thư viện, gần như tách biệt với khu sinh hoạt của chủng viện. Tư liệu tại thư viện cho biết, từ thế kỷ 17, theo lối giao thương đường thủy của các nhà buôn bắt đầu từ đầm Thị Nại, ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã đặt chân tới Quy Nhơn, về sau xây dựng nên nhà thờ Làng Sông. Ban đầu, nơi này chỉ là nhà mái tranh, vách phên tre. Năm 1927, tiểu chủng viện Làng Sông chính thức được khánh thành, với hình dáng còn đến ngày nay. Nhà nguyện của tiểu chủng viện là một kiến trúc kiểu Gothic, có 3 cửa tiền quay mặt về phía nam và 8 cửa đông, 8 cửa tây được chạm trổ rất công phu. Phía trước chủng viện dành cho sân cỏ và những hàng cây sao, sân sau được chia thành những ô vuông để trồng rau, trồng hoa. Vào năm 1964, Tiểu chủng viện Làng Sông đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, tức có thể nó xây dựng vào năm 1864, nhưng có nhiều tài liệu cho rằng nó đã được xây dựng trước đó nhiều năm.

Theo Linh mục Giuse Trương Đình Hiền, từ năm 1983, nhà thờ Làng Sông đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại người trông coi, chăm sóc vườn tược. Suốt một thời gian dài, từ ngoài nhìn vào trông rất hoang vu, người lạ không dám lai vãng. Bắt đầu từ năm 2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã cho trùng tu sơ khởi cơ sở Làng Sông và quyết định thành lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương cùng cho phép hội dòng non trẻ này dùng tạm cơ sở trong những bước đầu. Cũng chính nhờ có cộng đoàn các nữ tu hiện diện mà bỗng dưng Làng Sông già cội héo hon đã trở nên tươi vui mang đầy nhựa sống mới.

Chủng viện cũng là nơi đặt nhà in Làng Sông năm xưa, trở thành một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài sách tiếng Latinh và tiếng Pháp, nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại như: giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch… Những tài liệu, hình ảnh trưng bày tại thư viện nêu rõ, nhà in do Đức cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Nhà in này bị phá hỏng năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong, thông thạo về kỹ thuật in ấn.
Nơi xưa kia là Nhà in Làng Sông.

Năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng bán nguyệt san Lời Thăm được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in. Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ (cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong). Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, được dời về Quy Nhơn. Hiện nay có khoảng 239 ấn phẩm thời kỳ đầu tiên của Làng Sông còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia.

Một suối nguồn của chữ Quốc ngữ

Liên quan đến sự ra đời chữ Quốc ngữ, theo Linh mục Võ Đình Đệ (Tòa Giám mục Quy Nhơn), Tiểu chủng viện Làng Sông và cơ sở truyền giáo Nước Mặn (cách nhau khoảng 10 cây số) là 2 nơi gắn với sự hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Từ giữa năm 1618, lúc thành lập cơ sở cho đến đầu năm 1620, các thừa sai Dòng Tên ở Nước Mặn tiên phong chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam. Trong đó, linh mục Pina và linh mục Borri là hai thừa sai đầu tiên thông thạo Tiếng Việt. Sự hình thành chữ Quốc ngữ còn có sự tham gia và đóng góp của những người Việt Nam như: ông Trần Đức Hòa (quan phủ Quy Nhơn), những vị sãi, người có tên rửa tội là Phê rô, những người buôn bán và bà con nông dân Việt Nam tại thương cảng Nước Mặn mà các thừa sai được tiếp xúc hàng ngày, những thương nhân Nhật Bản với vai trò thông ngôn.

Tại nhiều hội thảo khoa học, không ít nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, Thanh Chiêm (Quảng Nam) mới là cội nguồn sự ra đời chữ quốc ngữ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương qua tham luận mang tên “Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ Quốc ngữ” cho rằng: “Rõ ràng là ở nước ta trước hết là cảng thị Hội An rồi tiếp đến là dinh trấn Thanh Chiêm là cái nôi ra đời sớm nhất và quan trọng nhất của chữ Quốc ngữ so với Nước Mặn - Quy Nhơn và một địa điểm nào đó ở Nghệ An mà đến nay chưa được xác định cụ thể...”. Ông dẫn lời của giáo sĩ F. de Pina trong bức thư viết dở của mình: “Đối với tôi, việc nghiên cứu tiếng nói Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những cống sinh và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy sự giúp đỡ”.

Tuy nhiên, tại một Hội thảo về chữ Quốc ngữ mới đây tại Bình Định, ý kiến mang tính đúc kết của GS. Phan Huy Lê được nhiều người đồng tình: “Dòng sông của chữ Quốc ngữ có nhiều con suối, trong đó Nước Mặn, Thanh Chiêm hay Hội An đều là những con suối chảy dồn về tạo nên dòng sông này… Sự ra đời của chữ Quốc ngữ, chúng ta không nên coi nó như một sự kiện gắn liền với một con người với một địa điểm quá chật hẹp. Đây là quá trình phải có sự tham gia của nhiều người, mang tính cộng đồng. Vì vậy, đi tìm nơi hay cội nguồn duy nhất của chữ Quốc ngữ theo tôi không thể có được”.

UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu vực bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị kiến trúc, lịch sử của Tiểu chủng viện Làng Sông. Theo đó, không gian cảnh quan được giữ nguyên theo hiện trạng để bảo tồn cảnh quan xung quanh di tích Tiểu chủng viện Làng Sông. Các khu vực lân cận trong khu vực bảo tồn giữ nguyên hiện trạng, cải tạo chỉnh trang dân cư để đảm bảo không gian kiến trúc chung.

Ghi chép của TRẦN TRUNG SÁNG/Báo Quảng Nam điện tử

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây