Tiêu rớt giá thảm hại
Hồ tiêu từng được ví là loại cây “vàng đen”, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho nhiều người dân ở khu vực Tây Nguyên, nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, hồ tiêu khiến cho bà con nông dân phải đau đầu vì giá rớt thảm hại. Trong lúc hồ tiêu vẫn còn đang sốt, nhiều hộ gia đình bỏ cả gia sản ra đầu tư hồ tiêu đến ngày thu hoạch thì giá tiêu lại quay đầu khiến họ điêu đứng, thậm chí nhiều gia đình rơi vào cảnh phá sản.
Suốt một thời gian dài, thị trường giá tiêu tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước liên tục giảm mạnh. Gần 1 tuần nay, giá tiêu tiếp tục giảm từ 500 - 1000đ/kg, giá ở một số địa phương hiện chỉ còn 45.000đ – 49.000đ/kg. Ở thị trường miền Đông Nam Bộ, cụ thể như Bà Rịa-Vũng Tàu giá tiêu hiện chỉ còn 48.000 đồng/kg.
Gia đình chị Lương Thị Bích Phượng ở Hòa An (Nhơn Hòa, Gia Lai) trước đây được người dân trong vùng khen ngợi hiền lành, chịu thương chịu khó. Từ 2 bàn tay trắng, họ đã từng bước tạo dựng được một cơ ngơi vững vàng nhờ trồng hồ tiêu. Song đáng buồn thay, việc chăm chỉ lao động, không ngừng mở rộng sản xuất lên đến con số 8.000 trụ hồ tiêu đã để lại cho gia đình chị Phượng số nợ ngân hàng 4,6 tỷ đồng.
Chị Phượng cho biết, cứ năm nào làm có lãi là vợ chồng lại mua thêm đất để trồng hồ tiêu với hy vọng cuộc sống sau này đỡ cực, 4 đứa con sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ, sướng đâu chưa thấy, chỉ sau 3 mùa hồ tiêu bệnh, gia đình phải suốt ngày chạy đôn chạy đáo để đáo nợ ngân hàng. Đến giờ thì gia đình chị Phượng đành bất lực trước món lãi hơn 40 triệu đồng/tháng.
Theo người dân ở đây, sau khi dùng hạ sách là nhổ bán hết trụ hồ tiêu, họ đã trồng các loại cây ngắn ngày nhưng thu nhập chẳng thấm vào đâu so với số tiền lãi hàng tháng.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Long Khánh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha hồ tiêu, đến thời điểm hiện tại các hộ trồng tiêu dường như đã phá sản hoàn toàn. Trước đây, Chư Pưh là vùng đất mới nên trồng tiêu khá dễ. Giờ đây, đất bị ô nhiễm cây tiêu dễ bị nhiễm bệnh cộng với việc tiêu rớt giá thảm hại nên nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần dẫn đến việc trắng tay, phá sản.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, so với giá thành sản xuất của nông dân, giá tiêu đã chạm tới mức “nguy hiểm”. Bởi giá thành sản xuất tiêu bình quân hiện nay là 49.000 đồng/kg, cụ thể giá thành ở khu vực Tây Nguyên khoảng 45.000 – 47.000 đồng/kg, ở Đông Nam Bộ là hơn 49.000 đồng/kg. Có thể thấy thị trường hồ tiêu Việt Nam sắp tới phải đứng trước thách thức, nguy cơ rất cao giá tiêu rơi vào mức giá thấp nhất trong 50 năm qua.
Cơn sốt mua hạt sầu riêng ươm giống
Hiện nay, ở Tây Nguyên, sầu riêng được đánh giá là một trong những cây trồng cho thu nhập kinh tế cao, nên diện tích tăng lên đáng kể. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000ha sầu riêng (tăng 300ha so với năm 2016). Cây sầu riêng được trồng tập trung tại Krông Pắk, TP. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin…
Tại Đắk Nông, diện tích sầu riêng đạt hơn 1.000ha, trong đó, sầu riêng trồng tại Đắk Mil có diện tích và năng suất vượt trội so với các địa phương khác trên địa bàn bởi thơm ngon, cơm vàng, hạt lép.
Vào những thời điểm lượng hàng khan hiếm, mỗi kg sầu riêng có giá tại vườn lên đến 80.000 đồng, nông dân có thể thu về hơn 1,5 tỷ đồng/ha. Cũng từ bối cảnh hồ tiêu không còn hấp dẫn như trước nên nhiều nông dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang chuyển mạnh sang cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng.
Một cơ sở kinh doanh cây giống ở xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột) |
Thời điểm hiện tại, giá giống sầu riêng cơm vàng hạt lép ở một số cơ sở bán giống đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, lên mức 110.000 - 120.000 đồng/cây.Các giống sầu riêng thường cũng tăng trung bình 20.000 đồng lên 45.000 - 50.000 đồng/cây. Ngay cả cây sầu riêng thực sinh 1 năm tuổi cũng có giá đến 20.000 đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, cùng với việc thu mua quả thì nhiều tư thương còn đổ xô săn lùng mua hạt sầu riêng bản địa với giá cao hơn nhiều so với các năm trước, hiện đạt mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Có điều lạ là thương lai thu mua cả những hạt sầu riêng bản địa bất chấp sự hoài nghi của nhiều người.
Một tiểu thương ở chợ Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa) cho hay, mỗi ngày thu mua từ 70-100kg hạt sầu riêng bản địa với giá 60.000 đồng/kg. Hạt thu mua được ông gom lại 3 - 5 ngày mới chuyển đi các tỉnh miền Tây với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông xác nhận, sầu riêng có diện tích lớn nhất trong khoảng 17 loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh (1.305ha sầu riêng/6.946ha cây ăn quả). Việc đổ xô gom hạt sầu riêng để bán giống là có thật. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào khẳng định giá hạt sầu riêng tăng cao và được thu mua với số lượng lớn là do nguyên nhân gì. Vì thế, nông dân cần cẩn trọng, tránh trồng ồ ạt hoặc hái trái xanh để bán hạt dẫn đến dịch bệnh phát sinh, cây không đậu quả, được mùa, mất giá…
Cẩn trọng trong khi chuyển đổi cây trồng
Có thể nói thị trường hồ tiêu Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để giá tiêu có thể khởi sắc, ổn định thì ngành tiêu Việt Nam cần có những biện pháp khắc phục cụ thể. Việc đẩy mạnh mô hình trồng chuẩn quốc tế, khoa học để tạo ra sản phẩm tiêu chất lượng, uy tín, có được thương hiệu để cạnh tranh được sản phẩm tiêu của các quốc gia khác cần được ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, thị trường tiêu trên thế giới cũng đang trên đà giảm mạnh, nên nguy cơ rất cao trong những ngày tiếp theo thị trường tiêu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, giá tiêu sẽ giảm sâu, giảm mạnh trong những tháng tới. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá tiêu sụt giảm được cho là do giá chào bán xuất khẩu giảm.
Về sầu riêng, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, loại cây này nếu trồng đúng quy trình, sau 3-4 năm tuổi sẽ cho thu hoạch, 5-7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Hiện nay, sầu riêng ở Tây Nguyên đang rất được giá, tuy nhiên, khi diện tích sầu riêng tại đây tăng đột biến thì vài năm nữa, khi diện tích cây mới trồng cho quả thì chắc chắn sẽ mất giá, bởi lúc đó “cung” sẽ gấp nhiều lần “cầu”.
Ngoài ra, sầu riêng là loại cây khó tính, dễ sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật và đầu tư nhiều vào khâu chăm sóc, phòng bệnh. Nếu người dân chưa hiểu rõ về nó mà ồ ạt trồng dễ dẫn đến tình trạng thua lỗ.
Vì những lẽ trên, ngoài việc các cơ quan chức năng cần định hướng, quy hoạch diện tích từng vùng trồng sầu riêng ổn định, chú ý đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cùng cần khuyến cáo nông dân không nên đổ xô vào trồng loại cây theo từng thời như hiện nay, tránh lặp lại bài học, chặt cây này trồng cây trồng khác.
Nguồn tin: baophapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn