Đến nay, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã chính thức từ chối yêu cầu bồi thường, gây bức xúc cho ngư dân.
Chấp nhận neo tàu, khởi kiện
Ngư dân Mai Văn Chương - chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS (trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cho biết: “Chúng tôi là khách hàng, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương làm ăn gian dối, tàu hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm. Tôi đã đồng ý giữ lại thép Trung Quốc, yêu cầu công ty tính toán phần chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc với mục đích muốn chia sẻ khó khăn với DN. Nhưng công ty lại chối bỏ trách nhiệm bồi thường khi tàu nằm bờ một cách quá trắng trợn; đừng chèn ép ngư dân như thế!”.
Ngư dân Mai Thanh Vũ - thuyền trưởng tàu vỏ thép BĐ 99179 TS (đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) bên con tàu hư hỏng. ảnh: Dũ Tuấn
Theo ông Chương, con tàu vỏ thép của ông nằm bờ hơn 6 tháng nay, với tổng số tiền tổn thất lên đến 3,2 tỷ đồng. “Giữ lại thép Trung Quốc đồng nghĩa với việc chúng tôi ra khơi trong tâm trí luôn sợ hãi. Với cách làm việc của Đại Nguyên Dương, ngư dân đã sẵn sàng neo tàu ở bờ, vác hồ sơ đi kiện. Dù mất thời gian bao lâu, chúng tôi cũng muốn làm sáng tỏ vụ việc, đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình” - ông Chương nói.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ; Chủ tàu BĐ 99004 TS) bức xúc: “Không bồi thường thì nhất định chúng tôi phải kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ra tòa. Tàu hư hỏng phải nằm bờ từ tháng 5.2017, ngư dân lo sợ ngồi tù vì nợ ngập đầu tại ngân hàng, công ty cứ rề rà sửa chữa, giờ vẫn chưa xong. Lúc mời mọc đóng tàu, DN “ru” ngư dân như ru con ngủ, giờ thì gặp sự cố lâm cảnh nợ nần thì họ lại đối xử với chúng tôi như vậy?!”.
Đề nghị xử lý hình sự
Nhiều tháng qua, 19 ngư dân Bình Định gặp vô vàn khó khăn bởi tàu 67 hư hỏng, phải nằm bờ. Đến nay, 14 chủ tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu yêu cầu DN đền bù, hỗ trợ với số tiền hơn 36,5 tỷ đồng, 5 chủ tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương yêu cầu hơn 9 tỷ đồng. Đây là các khoản ngư dân phải chi trả trong lúc tàu hư hỏng như: Chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ bị hư hỏng, lỗ tổn phí, thuê thuyền viên, thuê tàu lai dắt, bị hư hỏng thủy sản... và nhiều chi phí khác.
Liên quan đến vấn đề trên, chính quyền Bình Định đã làm việc với cơ quan pháp lý, mời các ngư dân đóng tàu 67 bị hư hỏng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để tư vấn, hướng dẫn ngư dân khởi kiện DN đóng tàu.
Ông Hà Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “Chính quyền sẽ ủng hộ và hỗ trợ ngư dân kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ra tòa. Đã có nhiều luật sư hứa sẽ đứng ra giúp ngư dân kiện ra tòa và cam kết kiện miễn phí, không lấy tiền, việc đền bù hay không thì tòa án sẽ quyết định”.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Thái - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Định khẳng định, theo hợp đồng, các đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm bồi thường cho ngư dân, chứ không thể chối bỏ trách nhiệm. “Nếu các đơn vị đóng tàu không bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho ngư dân, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng ngư dân để đưa vụ việc này ra tòa án” - ông Thái nói.
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, việc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không chịu bồi thường cho ngư dân là không đúng luật. Tỉnh Bình Định sẽ mời DN này vào làm việc một lần nữa, để xem quan điểm của Đại Nguyên Dương như thế nào rồi có hướng xử lý tiếp theo.
“Công ty Đại Nguyên Dương lấy lý do khó khăn để không bồi thường cho ngư dân là không thể chấp nhận được. Trong lần làm việc sắp tới, nếu Công ty vẫn tiếp tục từ chối bồi thường thì tỉnh cùng các cơ quan chức năng địa phương sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện ra tòa án. Bên cạnh đó, có biện pháp mạnh hơn để xử lý vấn đề này. Cụ thể, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý hình sự đối với Công ty Đại Nguyên Dương, chứ không thể đẩy ngư dân vào tình thế khó khăn rồi phủi trách nhiệm được” - ông Châu cho hay. /.
Nguồn tin: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn