Sớm điều tra, xử lý sai phạm trong đóng tàu vỏ thép

Thứ hai - 19/06/2017 03:19
(PL News) - Vừa qua, việc 19 chiếc tàu vỏ thép đóng mới của tỉnh Bình Định theo Nghị định 67 bị hư hỏng đã gây xôn xao dư luận cả nước.
Sớm điều tra, xử lý sai phạm trong đóng tàu vỏ thép

 

Nhiều cuộc họp giữa cơ sở đóng tàu, ngư dân và chính quyền địa phương nhằm phân tích, tìm nguyên nhân và hướng giải quyết đã diễn ra nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Tại các cầu cảng, những con tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn nằm bất động trong nỗi lo lắng, bất bình của ngư dân.

Som dieu tra, xu ly sai pham trong dong tau vo thep - Anh 1

Loanh quanh trái bóng trách nhiệm

Một trong số những con tàu đó là của anh Thái Văn Duyệt, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Vay gần 19 tỷ đồng để đóng tàu hành nghề lưới vây, anh Duyệt mong chờ chiếc tàu hiện đại này sẽ giúp mình vươn khơi làm ăn tốt hơn, thu về nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ một tháng sau khi nhận tàu từ Công ty TNHH MTV Nam Triệu, ngay trong chuyến đánh bắt đầu tiên tàu đã gặp sự cố. Anh Duyệt cho biết: Lưới bị cuốn vào chân vịt, buộc phải đưa tàu về xưởng sửa chữa ở Đà Nẵng để khắc phục. Nhưng sau đó lưới vẫn tiếp tục bị chân vịt “ăn”, lại phải thuê người vá lưới và tìm hướng khắc phục lâu dài. Tổng cộng tiền thuê người vá lưới, trả công thuyền viên, chi phí đi biển hết hơn 300 triệu đồng.

Tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99004 TS của ngư dân Nguyễn Văn Lý, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định cũng chịu chung số phận “nằm bờ”. Chỉ khác là tàu của ông Lý do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng mới, và sau nửa năm bàn giao, lớp vỏ thép trên tàu “mới bị” gỉ sét, xuống cấp như một chiếc tàu cũ! Ông Lý cho biết, tháng 10-2016, tàu của ông đi biển đánh bắt chuyến đầu được khoảng 10 tấn cá, nhưng hầm chứa cá trên tàu bị hỏng, dẫn đến một nửa số cá không thể bán được. Ông Lý lo lắng: “Những chuyến biển sau, lưới bị cuốn vào chân vịt rách khắp nơi cho nên phải chạy tàu không vào bờ, chịu thua lỗ. Nay mong muốn của chúng tôi là cơ sở đóng tàu sớm nhận trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, để ngư dân nhanh chóng có tàu vươn khơi, vì còn số nợ vay đóng tàu rất lớn phải trả ngân hàng”.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của các ngư dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, phân tích nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong vấn đề tàu vỏ thép hư hỏng. Nhưng các buổi đối thoại luôn diễn ra trong không khí căng thẳng mà chưa thể tìm được tiếng nói chung giữa các đơn vị đóng tàu và ngư dân.

Theo đại diện các đơn vị đóng tàu, ngư dân phải chịu một phần trách nhiệm vì vận hành không đúng cách khiến cho tàu bị hư hỏng. Trao đổi về vấn đề vỏ tàu nhanh xuống cấp, ông Trương Văn Đài, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho hay, trong thời gian đóng tàu, công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc và Nhật Bản sang dùng thép Trung Quốc với giá trị tương đương vì không phải thép Trung Quốc là chất lượng kém.

Còn ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho rằng: Qua kiểm tra, đánh giá từ các chuyên gia của hãng máy, cho thấy máy tàu bị hư hỏng một phần do ngư dân sử dụng chưa thành thạo. Tuy vậy, sau các cuộc kiểm tra thực tế, các công ty đóng tàu nhận trách nhiệm sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện và vỏ tàu cho các chủ tàu.

Song, đại diện đơn vị cung cấp máy tàu, ông Chulhe Jeong, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á của hãng máy tàu Doosan lại nói, khi có sự cố, ngư dân phải... lập tức báo với hãng máy để lắp các thiết bị phù hợp, không nên tự ý làm khi chưa có chỉ dẫn. Vì vậy, đại diện Doosan khẳng định sẽ chỉ bảo hành thay mới phụ tùng từng bộ phận chứ không thay máy mới cho ngư dân.

Trước việc bị “đổ” trách nhiệm, nhiều ngư dân rất bất bình cho biết: Không được tập huấn gì về việc vận hành máy móc, hơn nữa tàu hỏng máy ngay trên ngư trường ngoài biển xa thì báo cho hãng máy bằng cách nào?... Theo ông Trần Đình Sơn (ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, là chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới, giá trị gần 20 tỷ đồng) thì đó là cách thoái thác trách nhiệm từ phía Doosan.

Đừng để ngư dân gánh thêm nợ

Câu chuyện 19 con tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 tại Bình Định mới dùng đã hỏng gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ và trăn trở. Ngược trở lại năm 2014, khi bắt đầu triển khai Nghị định 67 đã có nhiều ý kiến băn khoăn về việc làm sao để tránh “vết xe đổ” như 20 năm trước khi thực hiện Quyết định 393/1997/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ. Bởi “giấc mơ” đánh bắt xa bờ sau một thời gian thực hiện đã không phát huy được hiệu quả, một bộ phận khách hàng vay vốn thiếu trách nhiệm trả nợ, dẫn đến thu hồi vốn khó khăn trong nhiều năm, tỷ lệ nợ xấu cao…

Chính vì vậy, khi ban hành Nghị định 67, để tránh đi vào “vết xe đổ”, nhiều quy định, điều kiện đã được thắt chặt nhằm bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Và trong quá trình triển khai thực hiện, các cuộc họp đã liên tục diễn ra nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bên liên quan. Từ chuyện thiết kế mẫu tàu như thế nào cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của ngư dân, rồi cơ sở đóng tàu nào đủ điều kiện đóng mới, thủ tục vay vốn ra sao, và quan trọng nhất là vật tư đóng tàu, tàu cá lắp máy mới 100%, hay dùng máy cũ có kiểm định chất lượng… Cả chính quyền, ngư dân, ngân hàng và các đơn vị đóng tàu vào cuộc một cách quyết liệt. Và sau gần ba năm, đã có gần 300 tàu vỏ thép “67” được đưa xuống nước, với hy vọng sẽ phát triển toàn diện nghề đánh bắt xa bờ theo chuỗi khép kín.

Nhưng, khi mọi vướng mắc tưởng như đã được tháo gỡ thì sự cố liên tiếp xảy ra đối với nhiều con tàu. Không phải từ vấn đề vốn, không phải từ những quy định của Nghị định, mà từ sự “gian dối” trong quá trình đóng mới những con tàu của chính những đơn vị thi công và giám sát kiểm định chất lượng tàu. Những con tàu vỏ thép ấy không những là tài sản rất lớn của ngư dân mà còn là công cụ kiếm sống và “ngôi nhà” trên biển bảo vệ tính mạng của họ. Và đặc biệt, đó là những chiếc tàu cá mang niềm tin và hy vọng lớn lao trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Một câu hỏi lớn về lương tâm và trách nhiệm đang đặt ra cho những đơn vị đóng tàu!

Để những hành vi gian dối không còn đất sống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện chính sách, tăng cường các cơ chế giám sát để bảo đảm chất lượng các con tàu. Đồng thời định ra các chính sách, chế tài ràng buộc để các địa phương, ngân hàng, đơn vị đóng tàu, cơ quan đăng kiểm chất lượng tàu cá tăng cường trách nhiệm với con tàu, với ngư dân. Tổng cục Thủy sản cũng rà soát lại quy chuẩn, điều kiện của các cơ sở đóng tàu; rà soát chấn chỉnh quy trình công tác đăng kiểm tàu cá, nhất là tàu vỏ thép.

Tỉnh Bình Định cũng đã thành lập tổ công tác thẩm định độc lập chất lượng tàu vỏ thép trên địa bàn. Hiện, các thành viên của tổ đang xem xét, đối chiếu giữa kết quả thực tế với các tài liệu, chứng thư, hợp đồng... của từng chiếc tàu và sẽ có kết luận chính thức báo cáo UBND tỉnh vào ngày 25-6 tới.

Sai phạm như thế nào và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân đến đâu còn phải chờ kết luận cuối cùng, nhưng việc tàu vỏ thép đóng mới mà sớm cũ là điều đã thấy rõ, gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho các bên liên quan các con tàu vỏ thép đã và đang đóng theo Nghị định 67!
 

Tỉnh Bình Định hiện có 56 chủ tàu ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, tổng vốn cam kết cho vay là 874,6 tỷ đồng, đã giải ngân 803,6 tỷ đồng cho 55 hợp đồng tín dụng. Đến nay đã có 44 tàu (37 tàu vỏ thép, bốn tàu vỏ gỗ, ba tàu composite) đưa vào sử dụng. Trong đó 19 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng mới, đã bị hư hỏng phải nằm bờ.

Nguồn tin: Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây