Ôm 'quả đắng', Agribank siết nợ 1 thành viên nhà đầu tư cảng Quy Nhơn

Thứ tư - 15/11/2017 20:16
Đến nay, tính cả vốn lẫn lãi, Cty CP Khoáng sản Miền Trung nợ Agribank Bình Định tổng cộng 230 tỉ đồng.
Ôm 'quả đắng', Agribank siết nợ 1 thành viên nhà đầu tư cảng Quy Nhơn

Ngày 13/11, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Bình Định (Agribank Bình Định), xác nhận vừa có thông báo sẽ thu giữ tài sản của Công ty cổ phần Khoáng sản Miền Trung tại huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) do không thực hiện trả nợ theo cam kết trong hợp đồng vay vốn.

Việc thu giữ tài sản bắt đầu thực hiện từ ngày 16/11 đến khi hoàn thành. Tài sản đảm bảo của công ty trên đối với ngân hàng gồm toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác sẽ bị thu hồi để giải quyết nợ.

Được biết trước đó, vào năm 2009, Agribank Bình Định ký hợp đồng tài trợ vốn cho Cty CP Khoáng sản Miền Trung xây dựng nhà máy chế biến quặng sắt tại Cụm công nghiệp Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) với tổng số vốn 180 tỉ đồng, thời gian cho vay là 6 năm rưỡi và 1 năm ân hạn. Xây dựng xong cơ sở hạ tầng đã lâu, nhưng Cty CP Khoáng sản Miền Trung không đi vào hoạt động và cũng không trả nợ vay cho Agibank Bình Định. Tính đến nay, tính cả vốn lẫn lãi, Cty CP Khoáng sản Miền Trung nợ Agribank Bình Định tổng cộng 230 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, Cty CP Khoáng sản Miền Trung là 1 thành viên của Cty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội). Cty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành từng chiếm giữ đến 86,23% vốn của cảng Quy Nhơn (Bình Định), khi cảng này cổ phần hóa hoàn toàn vào năm 2015. Hiện tại Hợp Thành còn giữ 78% vốn tại cảng Quy Nhơn.

 

Cảng Quy nhơn

Có thể thấy rằng, "sức khỏe" của Khoáng Sản Hợp Thành yếu đi rõ rệt trong thời gian gần đây, thể hiện qua việc một loạt các dự án quy mô từ trăm tỷ đến nghìn tỷ bị thu hồi.

Cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra "tối hậu thư", yêu cầu CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi (công ty con của Hợp Thành) phải nhanh chóng hoàn thành thủ tục để triển khai dự án Khai thác và chế biến quặng sắt tại huyện Mộ Đức.

Dự án có công suất 500.000 tấn/năm (sau điều chỉnh xuống 200.000 tấn) với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng được cấp phép từ năm 2009, tuy nhiên hiện nay vẫn 'trùm mền', gần như chưa triển khai.

Mặc dù được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi gia hạn, song nhiều khả năng dự án sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng "chết yểu", bị thu hồi giấy phép như các dự án trước đó của Hợp Thành.

Năm 2016, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi có vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng tại KKT Vũng Áng của CTCP Gang thép Hà Tĩnh (thành viên của Hợp Thành) bị thu hồi sau thời gian dài đình trệ, kéo theo 'số phận' tương tự của dự án Nhà máy tuyển quặng công suất 500.000 tấn/năm tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh (vốn đầu tư 158 tỷ đồng).

Năm 2017, các công ty thành viên của Hợp Thành tiếp tục bị thu hồi các dự án lớn, gồm dự án Nhà máy sản xuất than cốc (vốn 1.400 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp oxy, nito (vốn 200 tỷ đồng) tại KCN Vũng Áng đều do CTCP công nghiệp Hóa Cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Tại Hoài Nhơn, Bình Định, dự án Nhà máy chế biến quặng sắt có công suất 400.000 tấn/năm với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng do CTCP Khoáng sản Miền Trung đứng tên chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng 'đắp chiếu' sau khi đi vào hoạt động năm 2012. Lý do được đưa ra là bởi thị trường sắt suy giảm, sản xuất không có hiệu quả.

Một dự án khác cũng phải dừng hoạt động dù đã hoàn thành là Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai tại huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với công suất 200.000 tấn/năm được vận hành từ giữa năm 2015, tuy nhiên sau đó liên tục vi phạm quy định bảo vệ môi trường và bị đình chỉ hoạt động từ tháng 8/2016, tới nay vẫn chưa mở cửa trở lại.

Cho nên, với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng đang đọng tại một doanh nghiệp đang có dấu hiệu chìm xuồng như vậy, liệu Agribank có phải chịu cảnh "ngậm bồ hòn làm ngọt"?

Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm ở khu vực miền Trung, bắt đầu lộ trình cổ phần hóa vào năm 2013 và hoàn thành 100% vào năm 2015, trong đó Doanh nghiệp tư nhân Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội) là cổ đông lớn nhất, có lúc nắm giữ đến 86,23% vốn.

Bởi vậy việc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không mấy liên quan có thể dễ dàng mua khối lượng lớn cổ phần nhà nước tại đây không khỏi gây băn khoăn về cái tên Khoáng sản Hợp Thành.

Cuối năm 2016, một số cựu lãnh đạo tỉnh và cán bộ hưu trí tỉnh Bình Định có đơn tố cáo việc cổ phần hóa 100% cảng Quy Nhơn có dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước. 

Vào tháng 4/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

 

Tác giả bài viết: Mai An (t/h)

Nguồn tin: antt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây