Nhức nhối nạn đòi tiền 'bảo kê', ăn chặn tiền của người trồng dưa

Thứ năm - 16/02/2017 02:26
(PL News) - Cứ đến vụ thu hoạch, những người trồng dưa hấu khu vực đông nam tỉnh Gia Lai lại phải đối mặt với nạn bảo kê, ăn chặn tiền bán sản phẩm của các đối tượng giang hồ địa phương. Tình trạng này diễn ra hàng năm, nạn nhân đa phần là người nơi khác đến thuê đất canh tác nên không ai dám lên tiếng. Họ chỉ biết âm thầm chịu đựng.
Nhức nhối nạn đòi tiền 'bảo kê', ăn chặn tiền của người trồng dưa

 

Vùng đất đông nam tỉnh Gia Lai gồm các huyện Ia Pa, Ayun Pa, Phú Thiện, Krông Pa, là những địa phương có thổ nhưỡng tích hợp với cây dưa hấu.

Nhuc nhoi nan doi tien 'bao ke', an chan tien cua nguoi trong dua - Anh 1

Hai đối tượng Nay Thu và Nay Tạo bị cơ quan công an bắt giữ khi đòi thu tiền “bảo kê” ruộng dưa

Chính vì vậy, mỗi năm có hàng trăm người dân từ các tỉnh như Bình Định, Phú Yên hay các huyện khác trong tỉnh Gia Lai kéo đến đây thuê đất trồng dưa. Mỗi vụ dưa như thế, hàng ngàn ha đất ở đây được người dân tứ xứ thuê lại canh tác dưa hấu.

Tuy nhiên, từ miền đất lạ đến xứ người làm ăn không phải dễ dàng. Sau 3 tháng gieo trồng, chăm sóc, khi dưa bắt đầu bước vào độ thu hoạch cũng là lúc các hộ trồng dưa bắt đầu cảm thấy lo sợ trước vấn nạn những đối tượng xấu tìm đến với ý đồ “bảo kê” ruộng dưa nhằm kiếm chác tiền mồ hôi nước mắt của chủ hộ. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo lời của những người dân trồng dưa trong vùng thì các đối tượng này đã theo dõi rất kỹ ruộng dưa của người dân. Khi nhận thấy vườn dưa chỉ còn 1 - 2 ngày nữa là xuất bán thì các đối tượng này liền tìm đến lán trại dùng lời lẽ đe dọa yêu cầu chủ vườn phải nộp cho chúng 1 khoản tiền tùy theo diện tích mới cho xe vào bốc dưa. Nếu không thực hiện, các đối tượng sẽ gây khó khăn trong việc thu hoạch dưa của chủ hộ.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông L (chủ vườn dưa ở thôn Ia Broăi, Ia Pa) cho biết: “Năm nay vì dưa của tôi chưa đến thời điểm thu hoạch nên chưa biết thế nào. Chứ năm trước, khi vườn dưa đang lúc thu hoạch thì có đối tượng trong địa phương ngang nhiên đi qua vườn nhà tôi rồi vào chòi lấy dao đến bãi tập kết dưa vừa thu hoạch chặt phá. Vì là người phương xa đến nên tôi cũng không dám nói gì. Chứ nhìn thấy công sức, tiền bạc của mình bị chặt phá như thế sao không xót được”.

Nhuc nhoi nan doi tien 'bao ke', an chan tien cua nguoi trong dua - Anh 2


Những vườn dưa bỏ bao công sức, tiền bạc để có thành quả nhưng các đối tượng xấu luôn tìm cách ăn chặn

Điển hình như vụ việc vừa mới xảy ra cách đây hơn 1 tuần, khi chủ vườn dưa là anh Nguyễn Thanh Kỳ (SN 2000, trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) chở dưa từ cánh đồng đi qua làng thì bị hai đối tượng là Nay Thu (SN 1987) và Nay Tạo (SN 1991, cùng trú tại buôn Ama Drung, xã Ia Trôk) chạy xe máy đến chặn xe ô tô chở dưa. Khi xe dừng, Tạo đến đòi Kỳ phải nộp 3 triệu đồng mới cho xe đi. Kỳ nói rằng chỉ mang 2 triệu nên đưa số tiền này cho Tạo. Khi Tạo và Thu đang nhận tiền thì các trinh sát của Công an huyện Ia Pa ập đến bắt quả tang.

Không những thế, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thu tiền qua trung gian. Cụ thể, chúng tiếp cận các thương lái yêu cầu phải đưa một khoản tiền mới cho xe vào chở. Sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên những người thu mua dưa phải đồng ý.

Tuy nhiên, để không bị lỗ, các thương lái sau khi chấp nhận đưa tiền cho các đối tượng thì khi vào thu mua dưa lại hạ giá xuống thấp hơn so với bình thường. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi vẫn là những hộ trồng dưa.

Chị H.T.T (trú TX An Khê, Gia Lai) - thương lái đến mua dưa cho biết: “Những đối tượng này hành động rất tinh vi. Lúc đầu chúng đến làm quen với tôi sau đó xin số điện thoại. Tôi tưởng là người trồng dưa hỏi để lúc nào dưa thu hoạch sẽ gọi bán nên cũng cho số. Thế nhưng sau đó chúng gọi điện đe dọa tôi đòi chung chi, cắt giảm một giá cho chúng mới được cho xe vào mua dưa còn không sẽ phá công việc làm ăn của tôi. Sợ quá, tôi chỉ biết làm theo lời chúng chứ biết sao được”.

Theo lực lượng công an, các đối tượng “bảo kê” ruộng dưa rất tinh ranh và dùng nhiều thủ đoạn để lấy tiền của chủ hộ cũng như thương lái. Không những vậy, nạn nhân trong vụ việc là người ở nơi khác đến, tâm lý không muốn làm lớn chuyện ở nơi đất khách nên đa phần đều nhắm mắt cho qua. Sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn nên họ không dám trình báo cho chính quyền địa phương để cùng nhau phối hợp xử lý.

Nguồn tin: Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây