Ngôi mộ tìm thấy ở Hải Phòng gây xôn xao cả nước là "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm

Chủ nhật - 12/02/2017 23:30
Ngôi mộ tìm thấy ở Hải Phòng gây xôn xao cả nước là "nhà tiên tri" Nguyễn Bỉnh Khiêm

 

Kỳ 2: Những lập luận sắc bén

Trở lại sự việc ông Nguyễn Đình Minh, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng có đơn thư gửi lên UBND huyện Vĩnh Bảo hồi tháng 8/2016 hỏi về sự việc tìm thấy ngôi mộ trong khu vườn của bà Bùi Thị Hiền ở thôn Hạ Đồng (Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo đã cung cấp cho chúng tôi văn bản số 19/ BC – VH&TT ngày 9/9/2016.

Văn bản này ghi rõ: Các phòng chức năng thuộc UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xem xét, tìm hiểu, nghiên cứu. Xét thấy chưa đủ căn cứ để khẳng định như những nội dung trong đơn thư ông Minh đã nêu, là vào khoảng tháng 5, “Cụ Đồ” nhập vong qua cô Bùi Thị Hiền và cho biết chiếc quách được tìm thấy đó đựng hài cốt và các di huấn của cụ Bình (tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – theo cách chú giải của “Cụ Đồ”).

Với những căn cứ như vậy, phòng Văn hóa và Thông tin đề nghị UBND huyện Vĩnh Bảo yêu cầu UBND xã Cộng Hiền nắm chắc tình hình cơ sở thôn Hạ Đồng; tuyên truyền, ngăn cấm người dân không được khai quật mồ mả người khác khi chưa được chính quyền cho phép; vận động, thu hồi các hiện vật về địa phương để các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, lưu trữ và bảo quản theo quy định.

UBND huyện chỉ đạo công an huyện tập trung làm rõ hoạt động của bà Bùi Thị Hiền tại thôn Hạ Đồng; có biện pháp xử lý những đối tượng tung tin, gây dư luận không đúng về vị trí phần mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ông Phạm Ngọc Điệp, trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo© Được VTC cung cấp Ông Phạm Ngọc Điệp, trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo

Không hiểu suy nghĩ như thế nào, ông Nguyễn Đình Minh vẫn đăng một bài viết dạng điều tra do mình tự viết mang tên: “Ngôi mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tôn tộc nhà Mạc - Hé mở độ tin cậy từ những căn cứ khoa học” lên trang web cá nhân của mình, trong đó nội dung xoay quanh việc ngôi mộ tìm thấy ở nhà bà Hiền? Chúng tôi sẽ có câu trả lời cho quý vị độc giả ở những phần tiếp theo của loạt bài điều tra này.

Nhóm PV VTC News tiếp tục tìm qua thôn Trung Am, xã Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để tìm hiểu dư luận về những thông tin gần đây đang lan truyền ầm ỹ trên mạng.

10 người được hỏi đến thì cả 10 đều khẳng định rằng, họ không bao giờ tin rằng ngôi mộ đào trong nhà bà Bùi Thị Hiền ở xã Cộng Hiền hồi năm 2014 là mộ của Trạng Trình. Địa điểm bên xã Cộng Hiền không có bất cứ một mối liên hệ nào về thân thế và cuộc đời của Trạng.

Và cũng khá vô lý nếu như hơn 400 năm trước, khi Trạng mất, người nhà Trạng lại khênh quan tài đi bộ tận hơn…10km sang địa điểm mà hiện nay là khu vườn nhà bà Hiền ở xã Cộng Hiền để chôn cất. Giả sử có sự việc như thế, thì việc năm xưa Trạng Trình được an táng ở đâu, kiểu gì cũng có người biết, đâu còn là câu hỏi gần nửa thiên niên kỷ nay chúng ta vẫn đi tìm lời giải đáp.

Theo những tài liệu mà cơ quan chức năng đã cung cấp cho chúng tôi, thì khu vực vườn nhà bà Bùi Thị Hiền, trước đây vốn là một nghĩa địa lâu năm, ở đó có những ngôi mộ có nguồn gốc, xen lẫn những nấm mồ vô chủ. Với lại, đây vốn là khu vực sinh sống của những người theo Công giáo.

Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng© Được VTC cung cấp Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Cụ Trần Văn Khoáng (Lý Học, Vĩnh Bảo), 1 người luôn chuyên tâm tìm hiểu về thân thế và cuộc đời của Trạng cho biết, từ khi khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhà nước quan tâm đầu tư, thân thế và cuộc đời của Trạng dần dần được hé mở, đời sống cư dân Trung Am cũng thay đổi nhiều. Ai cũng tự hào khi quê hương mình năm xưa đã sản sinh ra một bậc thánh nhân. Niềm mong mỏi tìm thấy nơi an táng thật sự của Trạng Trình lại ngày càng thêm thôi thúc.

Những gì còn lại về nơi an táng năm xưa của Trạng chỉ là mấy chữ: “Táng tại ao Dương”. Tuy nhiên, ao Dương ở đâu thì không một ai biết. Từ bao đời nay, dân Trung Am mỏi mòn đi tìm kiếm nhưng vẫn chưa có kết quả.

Có một số ý kiến tranh luận từ rất lâu, thì rất có thể nằm ở 2 địa điểm trên địa bàn xã Lý Học, 1 nơi có tên là Đống Ma Vương, bao gồm 3 ngọn đồi nhỏ, về sau 2 ngọn đồi đã được san để xây trường học, đồi còn lại nay là di chỉ Tháp bút kình thiên.

Địa điểm thứ 2 là một vị trí có tên Nghiên thiên tạo, ứng với câu nói của Trạng được lưu truyền trong dân gian: “Bút kình thiên, nghiên thiên tạo”. Nghiên thiên tạo ở một địa điểm không xa lắm so với Bút kình thiên, trông rất giống như mô hình nghiên mực thời xưa. Và nếu để ý, thì đền Trạng, cùng với tháp, nghiên.. tạo thành 1 thế chân vạc cân bằng nằm giữa xã Lý Học.

“Dù sao, tất cả cũng chỉ là đồn đoán”, cụ Khoáng cho biết.

Di tích Tháp bút kình thiên© Được VTC cung cấp Di tích Tháp bút kình thiên

Cụ Trần Minh Tiến, trưởng đoàn tế khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ủng hộ quan điểm rằng năm xưa, Trạng được an táng ngay tại quê nhà. Nhưng để khẳng định được đâu là mộ của Trạng, phải có cơ quan chuyên môn như bảo tàng, hay các viện nghiên cứu của Nhà nước vào tiến hành nghiên cứu và xác nhận, tất cả mọi việc đều dựa trên cơ sở khoa học.

Cụ Tiến tâm sự, thời Lê Mạc hơn 400 năm về trước, Trạng Trình là một con người quá đỗi nổi tiếng về học vấn, đức cao vọng trọng, đến nỗi triều đình đôi lúc có sự việc gì lớn xảy ra đều phái người về Trung Am xin ý kiến của Trạng.

Nhưng cũng chính vì thế, sau sự kiện dâng sớ chém 18 nịnh thần mà không được nhà vua phê chuẩn, Trạng Trình cáo lão về quê sinh sống. Tất yếu đến lúc mất, Trạng đã bí mật chọn địa điểm yên nghỉ, đồng thời phân tán con cháu thay tên đổi họ đi nơi khác sinh sống như một số dữ liệu lịch sử đã khẳng định. Bởi lẽ, Trạng lo lắng sau khi mình mất, con cháu sẽ bị các nịnh thần trả thù. Hoặc không thì người Tàu cũng tìm mọi cách sang phá hoại, hay trấn yểm, với mục đích làm cho con cháu đời sau của Trạng tuyệt đường học, khả năng tìm tòi, học hỏi của người Việt lớp hậu thế cũng bị ảnh hưởng.

Cụ Trần Minh Tiến bên ao bát giác trong khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm© Được VTC cung cấp Cụ Trần Minh Tiến bên ao bát giác trong khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

“Hội tụ đủ những yếu tố như vậy, chúng tôi cho rằng Trạng chỉ được an táng đâu đó trên quê hương Trung Am này thôi, vì đi xa sẽ có người biết, mà đây lại là nơi chôn rau cắt rốn của Trạng. Địa danh Ao Dương không ai rõ, biết đâu lại có thể là cái ao hình bát giác ngay trước cửa đền. Bởi lẽ cái ao này đã có từ xa xưa, từ hồi tôi còn chưa sinh ra. Hồi trước, nó nhỏ hơn so với hiện tại, và giữa ao luôn tồn tại một mô đất nhỏ. Trạng Trình là bậc thánh nhân, tinh thông địa lý, phong thủy, người đã bí mật chon nơi yên nghỉ cho mình thì hậu thế đâu có dễ dàng có thể tìm thấy”, cụ Trần Minh Tiến cho biết.

Dù thế nào, cụ Tiến cùng mọi người ở Trung Am vẫn bảo lưu quan điểm, để khẳng định được đâu là mộ Trạng Trình, cần phải dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn, chứ không chấp nhận bất cứ biện pháp tìm kiếm nào khác.

Cụ Tiến cho biết thêm, hồi những năm đầu thế kỷ 21, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có lần đã tìm về đền Trạng, nhưng ngồi suốt cả ngày trời cũng không thể kiệu được linh hồn Trạng Trình về nói chuyện với dân chúng, đành ra về lặng lẽ. Một thời gian ngắn, lại có người đàn ông mãi miền nam xa xôi cũng tìm đến, xưng ngoại cảm, rồi vật vã, làm đủ trò đến mồ hôi vãi ra như tắm cũng  chả có kết quả.

Sau còn thêm mấy trường hợp xưng danh ngoại cảm nữa đều thất bại. Cũng chính vì lẽ đó, dân Trung Am không một ai tin vào việc tìm mộ bậc thánh nhân này bằng phương pháp tâm linh, áp vong tìm mộ.

Thật ngạc nhiên, địa danh Ao Dương được lưu truyền trong dân gian, bỗng xuất hiện chình ình ở xã Cộng Hiền, ngay cạnh khu vườn của bà Bùi Thị Hiền, vốn là một cái ao bèo đen ngòm bên nghĩa địa cổ, như lời một số nhân vật khẳng định, trong chuyến đi thực địa của PV tại địa điểm mà những thông tin lan truyền trên mạng đang ầm ỹ bảo rằng đó chính là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây