Không khí Tết đã trùng xuống, mọi người đã bắt đầu nhịp sống thường ngày. Tuy nhiên, tập tục “giỗ sống” cha mẹ của người dân tộc Nguồn (Minh Hóa, Quảng Bình) khiến nhiều người tò mò.
Tương truyền rằng, ngày xưa, có một người đàn ông lên rừng bẫy được một con lợn to, anh ta chọn những miếng thịt ngon nhất để dâng mẹ già cùng với cơm nếp. Một năm sau, vào dịp Tết mẹ anh trở nên bệnh nặng, bèn nói: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”.
Hai vợ chồng thương mẹ nhưng nhà nghèo không có tiền để mua những món ngon nên đem thóc giống ra thổi cơm. Người chồng lặn lội bắt cá suối, người vợ thì làm thịt con gà cuối cùng của gia đình sắm sửa một bữa cơm thịnh soạn cho mẹ.
Kỳ lạ, gia đình anh ăn nên làm ra, sức khỏe mẹ cũng tốt hơn. Người dân trong làng thấy vậy đều cho rằng nhờ có con cái hiếu thảo nên trời đất phù hộ. Cũng từ đó, các gia đình trong vùng đều chọn thức ăn ngon nhất để dâng lên cha mẹ để báo đáp bậc sinh thành khi ngày ngày Tết đến.
Mâm cơm cúng của người Nguồn dâng lên ba mẹ
Mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà, cha mẹ những lời sám hối của mình nếu như có những việc khiến bậc sinh thành phải phiền lòng. Sau đó cả nhà dùng bữa cơm báo hiếu để cầu chúc cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi, mong gia đình năm mới đầm ấm.
Ngoài những món ăn truyền thống của người Nguồn trong bữa cơm như bánh chưng, cá khe, rau tớn xào tôm, gà... các con còn làm những món mà cha mẹ thích ăn nhất.
Đối với gia đình có nhiều người con, đúng luật thì mỗi người sẽ làm một mâm con dâng lên cha mẹ, để tránh trùng nhau thì họ phải bàn nhau trước. Tuy nhiên, ngày nay do hoàn cảnh, nhiều người lập nghiệp xa quê nên có thể làm chung một mâm cơm.
Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Hùng Vĩ, chuyên gia văn hóa dân gian cho biết: “Chúng ta săn sóc, cung phụng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh việc chăm sóc về tiện nghi vật chất, tình thương yêu, lo lắng phát xuất tự đáy lòng của người con hiếu thảo mới thực sự là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại.
Theo đánh giá của cá nhân tôi thì đây là một phong tục đẹp. Các dân tộc khác chỉ làm mâm cơm cúng tổ tiên. Sau một năm lao động vất vả đây là dịp để con cháu nhìn lại, tâm tình cùng ba mẹ mình. Hiện, ngày Tết chúng ta ăn cơm cùng nhau, trò chuyện đủ thứ chuyện nhưng ít khi có những lời sám hối. Việc mỗi người con tất bật chuẩn bị những món ăn tỏ lòng thành kính như vậy khiến những người làm bậc cha mẹ cảm thấy mình được nâng niu, coi trọng”.
Ông cũng cho biết thêm, tùy vào hoàn cảnh mà có những cách báo hiếu riêng. Ví như người con đó học tập sinh sống ở nước ngoài thì không thể về dâng mâm cơm báo hiếu bố mẹ. Mỗi người nên hài hòa, cân bằng tùy vào hoàn cảnh, không nên quá nguyên tắc.
Tác giả bài viết: Theo Ngọc Thi (Báo Gia đình xã hội)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn