Kỳ lạ ngọn núi bị trời đánh trăm lần ở Phú Yên

Thứ năm - 01/06/2017 18:45
(PL News) - Dưới chân núi Chóp Chài thuộc vùng Bình Kiến (Tuy Hòa – Phú Yên) vẫn thường lưu lại những lời nói vui của những người làm nhiệm vụ ở trên đỉnh núi này.
Kỳ lạ ngọn núi bị trời đánh trăm lần ở Phú Yên

 

Lên núi để biết “trời đánh”

Dưới chân núi Chóp Chài thuộc vùng Bình Kiến (Tuy Hòa – Phú Yên) vẫn thường lưu lại những lời nói vui của những người làm nhiệm vụ ở trên đỉnh núi này. Đây là ngọn núi có độ cao 394 mét so với mực nước biển, nằm “cô đơn” giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Do gần trung tâm thành phố Tuy Hòa, có độ cao và mặt bằng rộng, đỉnh núi Chóp Chài là nơi đặt trạm ra-đa tầm xa, chốt làm việc của Công an Phú Yên, bộ phận thu phát sóng của Trung tâm Truyền hình Việt Nam (VTV Phú Yên), Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) và VNPT Phú Yên.

Đỉnh núi “trời đánh”.
 Đỉnh núi “trời đánh”.
 

Cũng theo lời nói vui của người thường xuyên làm việc trên này thì: “Trên này có gần 120 người lên làm việc, hầu như ai cũng biết sét đánh là gì và có hơn một nửa anh em trên đây đã từng “được” ông Thiên Lôi ghé thăm. Nhẹ thì chỉ là những tia chớp xuống đất sơ sơ, còn hơn nữa thì là những “cục sét” trên trời rơi xuống khiến nơi đó cây cối phải khô héo, thậm chí nếu không có mưa thì có thể gây cháy, có những lúc “nó” đánh làm tê liệt cả hệ thống truyền dẫn tín hiệu trên này”…

Trong khoảng thời gian gần 9 năm qua, bộ đếm sét được gắn ở cột thu – phát sóng đếm được hơn 67 lần sét đánh trúng vào cột. Hỏi ra mới biết, ngoài những lần sét đánh trúng cột thu – phát sóng ra thì mỗi năm có đến gần cả trăm lần sét lớn nhỏ đánh xuống vùng núi này. Thời gian mưa giông từ tháng 6 – 9 Âm lịch là sét đánh nhiều nhất, có ngày mười mấy lần. Quãng thời gian mà Thiên Lôi hay “làm việc” là từ 12h trưa đến 18h, 19h tối. Những lúc đó, mọi người đều “án binh bất động”, chỉ đến khi nào thật sự chắc chắn là đã hết mưa thì mới dám ra ngoài làm việc. Nhiều khi nghe sét đánh liên tục mà muốn ù cả tai. Nhưng làm việc lâu ngày thì cũng quen cả, không sợ nữa!”. Nhiều người cũng hài hước rằng, nhờ làm trên này mà anh em mới biết được tất tần tật các loại sét: sét cục, sét sợi, sét hột, sét hòn là như thế nào…

Nhiều anh em trên này bị sét “thăm hỏi” lắm, nhưng chủ yếu là bị ảnh hưởng bởi lực của “ổng” gây ra nên chỉ bị ù tai một chút là hết thôi!”. Nhưng cũng có vài trường hợp cũng khá hài hước, đôi khi là kỳ quặc xảy ra, chẳng hạn như trường hợp của anh Lê Ánh Dương, Trưởng phòng kỹ thuật VTV Phú Yên cách đây nhiều năm. Ngoài anh Dương ra còn có Phó trưởng phòng kỹ thuật Đặng Rõ – người cũng đã từng “biết mùi” sét đánh. Vào mùa mưa giông năm 2008, khi anh đang làm việc thì bỗng có mưa giông to. Ngay lập tức, anh gọi điện lên trên Trạm thu – phát sóng Chóp Chài để nói anh em tắt nguồn điện cao thế và chuyển sang điện máy (từ máy phát điện động cơ deizen dự phòng) nhằm tránh những thiệt hại về máy móc do sét gây ra. Tuy nhiên, khi “lệnh” của anh chưa dứt thì anh em trên đấy bảo là cột thu - phát sóng đã bị sét đánh tan tành, toàn bộ hệ thống đã bị tê liệt.

Thấy vụ việc có vẻ nghiêm trọng nên anh Dương lấy xe gắn máy để cho lên đó xem sao. Khi lên được 2/3 dốc núi thì xe anh bị chết máy do hết xăng, anh bèn rút điện thoại ra để gọi anh em trên đấy xuống chở lên dùm. “Điện thoại vừa đổ chuông thì tôi nghe một tiếng nổ bên tai rất là lớn khiến cho điện thoại bị rớt. Lúc này tôi mới biết mình bị sét đánh hụt. Lấy lại bình tĩnh, tôi dắt xe vào sát lề rồi nhặt điện thoại để đi bộ lên đỉnh núi. Bấy giờ thì tôi mới hay là điện thoại của mình đã bị sét đánh cháy, có một điều lạ là màn hình không bị hư hại gì nhưng lại có hình… tia sét”, anh Dương nhớ lại. “Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra lúc đấy, vì tiếng nổ to như vậy chắc chắn là cường độ sét mạnh, đó là chưa nói điện thoại của tôi bị hư mà tôi lại không bị gì cả, khó hiểu hơn nữa là màn hình điện thoại lại có hình tia sét!”, anh Dương cười thắc mắc. Câu chuyện bị sét đánh của kỹ sư Dương dường như làm “sống lại” ký ức của mình, nên dù đang lu bu với chồng sổ sách bàn bên anh Rõ cũng với sang… góp chuyện: “Cách đây khoảng gần một năm, lúc đó trời bắt đầu nổi giông nên tôi chạy ra ngoài sân để ngắt các thiết bị điện. Đang “ngon ơ” thì bỗng nhiên tôi thấy đất trời sáng lóa lên, và kèm theo đó là một tiếng nổ rất to trên trụ ăng ten thu – phát sóng. Nhiều cục lửa lớn nhỏ rơi lả tả từ trên cao xuống, còn hai gối tôi hầu như đã khụy xuống và đi không muốn nổi, may mà có anh em chạy ra giúp. Lần đó tôi bị ảnh hưởng bởi xung điện từ sét đánh xuống nên tê hết cả người, may mà ổng chưa “chiếu cố” đến mình!”.

Sét đánh ướt quần chứ không chết!

Ngồi bên đường lên đỉnh núi, ông Bùi Văn Sang, 74 tuổi, sau khi nghe chuyện chúng tôi hỏi, chẳng buồn lấy đôi kính đen ra, ông hỏi lại: “Chứ mấy chú trông bộ có vẻ thích hòn núi “trời đánh” này gúm, hử?” Rồi ông Sang cười khà khà và kể chuyện mình bị sét “vồ hụt” năm nào. Ông bảo, vì biết hòn núi này hay bị sét đánh nên ít người dám lên đây vào những ngày mưa, nhất là mưa giông. Hôm đó tự dưng ông bị đau bụng dữ dội, mà nhà vệ sinh thì… đã có người. Chờ lâu quá nên ông bèn đánh bạo cầm tờ giấy chạy lên núi… để giải quyết. Lật đật chạy lại gần bụi cây có vị trí “đắc địa”, đang hí hửng vì sắp được giải phóng “nỗi buồn” thì bỗng một tiếng “ầm” to lớn giáng xuống bên tai. Phải mất thời gian khá lâu ông mới lấy lại được bình tĩnh, nhìn về hướng có tiếng sét ấy ông thấy một cây rừng tương đối lớn bị gãy, khói vẫn còn bay lên chỉ cách chỗ ông ngồi vài bước chân.

“Sau đó tôi nhìn xuống quần mình thì mới biết là đã bị… ướt nhèm, cơn đau bụng và “nỗi buồn” lúc này cũng biến mất tự lúc nào. Chỗ bị sét đánh xuống cách chỗ tôi chỉ vài bước chân, chắc có lẽ vì nhờ có cái cây đó chịu thay mà tôi được thoát khỏi “lưỡi búa” của Thần sét. Ấy vậy mà khi về nhà tôi kể lại thì có người không tin, cũng từ đó tôi “chừa” không dám lên núi để “giải quyết” nữa!”, ông Sang hài hước kể lại.

“Không chỉ có mình tôi bị sét đánh… ướt quần đâu nhé, mấy trường hợp này nhiều lắm, nhưng mà hình như chủ yếu là “trúng” mấy ông làm bên điện lực với mấy cái thứ linh tinh gì trên đấy ấy!”, ông Sang vừa nói vừa chỉ tay lên đỉnh núi “trời đánh”. Để chứng mình không nói ngoa, ông dẫn chứng một trường hợp cũng bị sét đánh như mình. Đó là chuyện về một công nhân của Công ty Điện lực Phú Yên. Hôm ấy trời mưa giông và sớm chớp ầm ầm và sét đánh đứt một dây điện. Chờ lúc mưa tạnh, anh công nhân này mới leo lên trụ điện để nối lại đường dây ấy. Khi mới lên được hơn một mét thì sét bỗng nhiễn đánh ngay chỗ dây điện bị đứt, anh bị rơi xuống đất. Mọi người chạy đến khiêng anh vào nhà và nghĩ anh đã “tiêu đời”, sau đó mọi người thở phào nhẹ nhõm vì anh vẫn bình an, chỉ có điều… quần anh đã ướt nhèm!

Nguồn tin: Kiến Thức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây