Ngày 21-7, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM liên quan vụ hệ thống siêu thị Con Cưng bị tố thay đổi nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Cục Quản lý thị trường yêu cầu tiến hành xác minh các địa điểm thuộc chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity trên toàn địa bàn TP.HCM; đồng thời kiểm tra, xử lý ngay nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm đã được các phương tiện truyền thông đăng tải.
Như tin đã đưa, sau khi mua sản phẩm từ hệ thống siêu thị Con Cưng về nhà, khách hàng phát hiện trên một bộ quần áo dành cho bé gái có dấu hiệu bị cắt tem và tại vị trí đó gắn đè một tem khác. Khách hàng nghi ngờ liệu đây có phải là vụ “KhaiSilk” thứ hai.
Cụ thể, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi đơn khiếu nại của mình đến các cơ quan chức năng để phản ánh và yêu cầu làm rõ việc sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) có dấu hiệu tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).
Ông nghi ngờ xuất xứ các sản phẩm của Con Cưng không rõ ràng và gắn mác Con Cưng vào để tăng giá trị sản phẩm.
"Tôi cần biết là nguyên liệu họ nhập từ đâu để làm sản phẩm, các sản phẩm có đảm bảo an toàn cho trẻ em không? Việc thu hồi sản phẩm lỗi đang diễn ra như thế nào? Tôi nghĩ họ lấy nguyên liệu từ một nguồn nào đó rồi mang sang Thái Lan để gia công, sau đó gắn mác CF - Made in Thailand rồi mang về bán tại Việt Nam để tăng giá trị sản phẩm” - ông Vĩnh nói.
Ngày 13-6, ông Vĩnh nhận được tin nhắn có nội dung thông báo thu hồi, đổi sản phẩm từ Con Cưng. Ngày 14-6, ông Vĩnh nhận được thư xin lỗi từ Con Cưng và một phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng nhưng ông Vĩnh không chấp nhận phương án này.
Ông Vĩnh cho biết đã yêu cầu phía Con Cưng cho biết hàng hóa trên xuất xứ từ đâu, ai thay đổi tem mác sản phẩm này và nhằm mục đích gì? Sản phẩm đã kiểm định và công bố chất lượng chưa, có an toàn với trẻ em không?…
Sản phẩm được cho là có dấu hiệu cắt mác cũ của Con Cưng. Ảnh: NVCC
"Có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng"
Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers, cho biết: Nếu sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế như người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (LBVQLNTD), Luật Cạnh tranh.
Khoản 2 Điều 8 LBVQLNTD và khoản 1 Điều 10 luật này cũng nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Dưới góc độ Luật Cạnh tranh, theo điểm a khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công,… là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Khoản 7 Điều 8 LBVQLNTD quy định rõ người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Do đó, đối với khách hàng đã mua phải sản phẩm bị lỗi, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo và doanh nghiệp vi phạm phải đổi lại sản phẩm đúng như thỏa thuận và phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Khoản 2 Điều 11 LBVQLNTD cũng quy định tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo điểm đ khoản 1, khoản 4 Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định bị phạt tiền 10-20 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ một tháng đến sáu tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ một tháng đến sáu tháng.
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì vi phạm nêu trên có thể bị phạt tiền 80-140 triệu đồng; ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
“Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng; tội sản xuất, buôn bán hàng giả” - luật sư Kiều Anh Vũ nói.
Tem nhãn của bộ quần áo có dấu hiệu bị cắt và thay thế bằng tem nhãn khác. (Ảnh do khách hàng cung cấp)
Con Cưng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với các sản phẩm chính như tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ dùng cho bé, đồ chơi. Hiện tại Con Cưng có 311 siêu thị trên toàn quốc, trong đó TP.HCM có 105 siêu thị. Các thị trường lớn của Con Cưng phải kể đến sau TP.HCM là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang. |
Tác giả bài viết: Thu Hà
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn