Doanh nhân Dung Tấn Trung: Con đường trở thành triệu phú USD

Thứ tư - 08/02/2017 22:55
Doanh nhân Dung Tấn Trung: Con đường trở thành triệu phú USD

 

(PL News) - Gương mặt hiền lành, phong cách giản dị, cách nói chuyện nhẹ nhõm, nếu không nói ra, chắc sẽ nhiều người không thể tưởng tượng được người đàn ông ấy sở hữu những con số ấn tượng.

- Nhiều người nói anh đã khởi nghiệp chỉ với 2 USD. Sự thật câu chuyện khó tin ấy như thế nào?

- Trước đây, ở Mỹ thì không cần có tiền vẫn có thể khởi nghiệp được, vì có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, chỉ cần bạn có đề án đủ thuyết phục và vì thế những người như tôi mới có cơ hội. Bây giờ ở Việt Nam cũng đã bắt đầu có những mô hình như vậy rồi. Khởi đầu từ con số 0, tôi đã bắt đầu các cuộc chơi của mình một cách nghiêm túc và hào hứng.

Trở thành ông chủ của nhiều thương hiệu, có thể hình dung về một tỷ phú đôla Dung Tấn Trung như thế nào?

- À, nhắc đến câu chuyện này, nhiều khi tôi cũng thấy ngại đấy. Năm 2000 tôi bán được công ty có giá trị 1,8 tỷ đôla không có nghĩa là tôi sở hữu 100% số tiền đó.

Doanh nhan Dung Tan Trung: Con duong tro thanh trieu phu USD hinh anh 1
Ông Dung Tấn Trung nổi tiếng với việc khởi nghiệp từ 2 USD ở Mỹ

Bạn hình dung không, phần đóng góp của tôi chỉ là mồ hôi nước mắt thôi, thế nên phần nhận lại cũng chỉ là một phần nhỏ so với những người phải bỏ tiền ra góp vốn mạo hiểm cho mình.

Người ta cứ gọi tôi là tỷ phú đôla, điều đó rất sai. Tôi thấy đó là sự hiểu lầm lớn. Tôi không khiêm tốn đâu, đó hoàn toàn là sự thật. Tôi chỉ là một trong những người startup đã đi được hơn 20 năm rồi thôi.

- Vậy phải gọi doanh nhân Dung Tấn Trung là triệu phú đôla mới đúng?

Chắc là như vậy (cười). Về nghĩa đen, tài sản của tôi cũng không nhiều như người ta nói đâu.

- Hiện nay số nhân viên của anh phát triển như thế nào?

- Số lượng nhân viên không đánh giá đúng bản chất hoạt động của công ty. Nhân viên nhiều, không có nghĩa là công ty có giá trị nhiều. Mấy công ty sản xuất họ có cả nhiều ngàn công nhân nhưng chưa chắc đã lớn. Nhưng Facebook thì chỉ có vài ngàn nhân viên mà giá trị lại vô cùng lớn. Công ty của tôi chưa đến 1 ngàn nhân viên đâu.

Vậy thước đo đúng nhất giá trị của một thương hiệu là gì?

- Có lẽ là lợi nhuận hàng năm được tạo ra là bao nhiêu và mang đến cho nhân viên điều gì, xã hội điều gì. Mặc dù cơ hội của chúng tôi khá thú vị, nhưng thương hiệu tôi cùng với các cộng sự đang phát triển là iCare Benefits mới chỉ trên con đường bắt đầu.

- Để bắt đầu câu chuyện với một người đã thành công không hề dễ dàng chút nào, vì họ nói ra điều gì cũng thành chân lý!

Giống như Jack Ma - chủ tịch đại gia với thương hiệu Alibaba - người giàu nhất châu Á (với giá trị vốn hóa của Alibaba hiện là 259 tỷ USD, lớn hơn cả Amazon và eBay cộng lại) thì nói câu nào cũng như kinh Thánh hết đấy. Tôi cho rằng, những lời hay ý đẹp thì ai nói cũng được, nếu một người đã thành công khi nói ra thì có vẻ như có trọng lượng hơn thôi.

- Gây dựng một thương hiệu, theo anh, vấn đề tiên quyết để thành công là gì?

Triết lý sống của tôi là mình phải luôn tạo ra những giá trị mới và hưởng lợi giá trị đó do chính mình tạo ra. Tôi luôn tự hỏi: Giá trị mới mình tạo ra là gì?

Nói như này cho dễ hiểu, hãy luôn là người tạo ra những giá trị mới mẻ, là người đầu tiên khai phá, chứ không phải người ta làm rồi xong mình lại làm một cái tương tự để cạnh tranh. Nếu không phải là người tạo ra giá trị cho đối tác, cho nhân viên, thì không nên hưởng lợi từ thành quả công việc đó mang lại.

- Nhiều thương hiệu được xây dựng dựa theo những mô hình ăn theo và họ vẫn có thể vượt qua người khai phá đấy chứ?

Thế mạnh của tôi không phải là tối ưu hóa những gì đã có, mà là tìm ra những mô hình mới. Những gì mà chúng tôi có được ngày hôm nay là bởi đi sớm hơn người khác, chứ không phải vì giỏi hơn họ. Không có mô hình nào xấu hay tốt, chỉ có mô hình nào phù hợp với con đường mà mình đã chọn thôi.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, từ lúc khởi nghiệp cho đến giờ này, tài sản lớn nhất anh có được là gì Danh tiếng, thương hiệu, tiền hay sự ngưỡng mộ từ những người xung quanh?

- Thật khó để trả lời đầy đủ và cặn kẽ câu hỏi này. Tôi vốn xuất thân từ dân kỹ thuật nên nhìn mọi thứ cũng giản dị thôi. Có lẽ khách hàng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh… sẽ đánh giá tôi bằng các cách khác nhau.

Với cá nhân tôi, điều mà tôi thấy rất vui là mình đã có cơ hội tìm ra những giá trị mới để mang lại những điều ý nghĩa cho cả khách hàng, xã hội và cộng đồng. Tôi may mắn đã có một vài lần làm được những điều như vậy.

iCare Benefits là một trong những ví dụ đó. Chương trình phúc lợi của chúng tôi phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tạo ra những giá trị rất lớn cho công nhân trên toàn quốc, cho phép người lao động được mua hàng trả dần trong 6 tháng không lãi suất. Câu chuyện ở đây là người lao động có lợi, doanh nghiệp có lợi và chúng tôi cũng có lợi.

- Khó khăn nào từng làm anh tưởng như phải dừng cuộc chơi?

Ồ, cái đó gần như là vô vàn. Chắc có lẽ công ty nào của tôi cũng trải qua những giai đoạn đó. Mỗi công ty là một đứa con và không thể biết trước chuyện gì có thể xảy ra.

Tôi nghiệm ra, lằn ranh giữa thành công và thất bại rất mong manh. Thất bại không có nghĩa là dở, thành công chưa chắc đã là giỏi. Ở nhiều nước trên thế giới, họ hầu như không bài xích những người gặp thất bại, mà những người đó đã có những bài học vô cùng đắt giá, rất đáng quý. Tôi cũng có nhiều bài học thất bại đau thương tràn trề luôn đấy.

- Một doanh nhân đang làm việc tại nước ngoài với các cơ chế khá rõ ràng, khi trở về, anh có gặp nhiều khó khăn không?

Từ 2007, tôi trở về Việt Nam và phát triển công ty trên quê hương mình. Đã kinh doanh thì sẽ có cả khó khăn và thuận lợi, đâu phải là vì ở nước ngoài thì dễ hơn ở trong nước hay ngược lại đâu.

Công bằng để so sánh thì như này: Khởi nghiệp ở Mỹ sẽ có những phức tạp và khó khăn rất lớn. Một nhân viên phần mềm ở Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 100 đến 150 ngàn đôla/năm,  mức lương bằng khoảng 10 nhân viên như thế ở Việt Nam mà chất lượng là không khác.

Khởi nghiệp ở Mỹ cần số vốn rất lớn, để tìm vốn lớn như vậy là không dễ. Trong khi đó, ở đây, chúng ta chỉ cần một số tiền không quá lớn vẫn có thể bắt đầu chinh phục ước mơ. Những điều đó hoàn toàn là sự thật. 10 ông nhân viên ở Mỹ tiêu tốn cả triệu đô rồi, mà 10 người thì làm được gì?

Tất nhiên, ở Mỹ cứ đóng thuế xong thì muốn làm gì làm. Ở đây thì lại có nhiều ràng buộc khác. Cho nên, tôi nghĩ, bất cứ xã hội nào khi phát triển một công việc cũng có điểm mạnh và điểm yếu.

- Hiện nay, đã xuất hiện các đối thủ cạnh tranh cùng mục đích có làm anh mệt mỏi không? Với nội bộ, anh làm thế nào để kích thích và giữ chân được những nhân viên giỏi đồng hành cùng mình?

- Có một câu rất thú vị: Thị trường mà không có cạnh tranh là thị trường chết. Miếng bánh mà ngon thì nhiều người mới muốn tranh giành.

"Tôi nghiệm ra, lằn ranh giữa thành công và thất bại rất mong manh. Thất bại không có nghĩa là dở, thành công chưa chắc đã là giỏi. Tôi cũng có nhiều bài học thất bại đau thương tràn trề luôn đấy

Doanh nhân Dung Tấn Trung

 

Cạnh tranh không phải là chuyện gì mệt mỏi cả. Mệt thì đừng làm nữa.

Còn với nhân viên, để truyền lửa không hề dễ. Nhân viên được tham gia công việc có ý nghĩa như một sứ mệnh nào đó tạo ra giá trị cho xã hội, rồi họ có một thu nhập cạnh tranh và môi trường làm việc tốt thì sẽ kích thích được họ.

- Anh từng bị phản bội chưa? Ý tôi là trong công việc ấy! Và anh đã giải quyết chuyện đó như thế nào?

 - À, tôi hơi thoáng về những vấn đề đó. Thí dụ, người nào nghe mình nói về ý tưởng, sau đó người ta thực hiện y chang như vậy, mà làm tốt, thì thôi mình về nhà ngủ chứ làm chi nữa cho mệt. Bạn hiểu không! Chỉ vì nghe ý tưởng mà họ làm tốt hơn thì tôi nghĩ là họ xứng đáng.

Với tôi, chuyện đó không phải là không quan tâm, nhưng đó là việc xã hội, tôi không thể nào phòng ngừa hay cấm đoán họ được. Chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng đến doanh số của công ty. Nhưng nói thật, tôi cho rằng, những gì họ làm được chỉ là ngõ tắt thôi. Để có thể đi ra được đường lớn thì không dễ đâu.

Nói như này để bạn hình dung dễ hơn, nếu chẳng may mình bị đứt tay mà mình chết, thì có nghĩa là nội tại bản thân có vấn đề. Những vết thương đó mặc dù cũng đau, cũng xót nhưng không thể nào giết chết mình được. Hành trình trưởng thành của một thương hiệu phải đi qua rất nhiều giai đoạn, nếu nội tại mình không đủ mạnh thì sẽ không thể đi tiếp và phát triển được.

- Tôi thấy anh hiền thật đấy, nói như chúng tôi vẫn đùa, là Dung Tấn Trung giống “hoa hậu thân thiện”, không hiểu nóng giận thì anh sẽ như thế nào?

Thực ra tôi cũng không hình dung những lúc đó như thế nào. Hình như tôi thường im lặng khi nóng giận. Giống kiểu có người say thì im lặng, có người thì cười nói, có người lại khóc ấy mà.

- Bài học đắt giá nhất trong cuộc sống mà anh đã từng phải trả giá là gì?

Là khi tôi đánh giá sai giá trị mà mình tạo ra, dẫn đến con đường sai, tổn thất không nhỏ đâu. Đôi khi mình cũng bị ảo tưởng là việc đó có giá trị, nhưng cuối cùng không phải vậy. Tốn tiền, tốn thời gian rất nhiều.

- Tôi thấy đôi khi anh như đang rong chơi hơn là đang vật vã suy nghĩ hay làm việc điên đảo cho các thương hiệu của mình! Thực tế thì sao?

Nói thật, làm gì cũng phải có suy tính và định hướng, chỉ là mức độ chi tiết đến đâu thôi. Tùy theo cá tính của từng người, tôi là kiểu cứ hòm hòm là đi rồi (cười lớn), chứ không phải tính toán chi li đâu. Tôi chấp nhận rủi ro.

Doanh nhân Dung Tấn Trung – SN 1967
Công ty đầu tiên: Năm 1994 (On Display)
Công ty thất bại: Fogbreak.
Số nhân viên: Gần 1 ngàn người.
Sở thích: Đọc truyện kiếm hiệp.
Thời gian yêu thích nhất trong ngày: Ngủ.
Cuốn sách gối đầu giường: Không có
Thần tượng: Steve Jobs.
Câu nói thích nhất: Của T.Edison: “Thiên tài và óc sáng tạo chỉ chiếm 1%, còn 99% là lao động không ngừng”.

Nguồn tin: Theo Đinh Bích Ngọc/ Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây