Cuộc đời oai hùng của Thiếu tướng Hoàng Sâm

Thứ sáu - 22/02/2019 02:07
Đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Lệ Sơn, tỉnh Quảng Bình.
Cuộc đời oai hùng của Thiếu tướng Hoàng Sâm

Ngày 22.12.1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, thay mặt "Đoàn thể", đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh; tổ chức quân sự được xem là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Hoàng Sâm được cử là Đội trưởng.

12 tuổi đã tham gia cách mạng

Đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Lệ Sơn, nay là xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Mùa xuân năm 1927, cậu bé Trần Văn Kỳ mới 12 tuổi đã phải rời bỏ làng quê nghèo theo bố mẹ phiêu bạt sang Nakhon rồi Chiang Mai, Xiêm (Thái Lan) sinh sống. Tại đây, Kỳ được tổ chức cách mạng của Việt kiều kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong và nhận vào học trường học sinh Việt kiều.

Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc về Xiêm hoạt động với bí danh Thầu Chín và cậu bé Kỳ được chọn làm liên lạc. Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản và ngay trong năm đó được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Năm 1934, Trần Văn Kỳ bị mật thám Thái Lan bắt giao cho lãnh sự Pháp ở Băng Cốc và sau gần một năm giam giữ, ông được trả lại cho nhà cầm quyền Thái Lan, ngay sau đó bị trục xuất khỏi Xiêm.

Đến Quảng Châu, Trần Văn Kỳ bắt liên lạc với cơ sở qua đồng chí Phùng Chí Kiên và mùa xuân năm 1937, được phái về Cao Bằng hoạt động, tham gia Tỉnh ủy Cao Bằng, sau đó cùng một số đồng chí khác sang Trung Quốc tham gia: "Điền kiềm quế biên khu du kích hội" - một tổ chức kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu.

 cuoc doi oai hung cua thieu tuong hoang sam hinh anh 1

Đồng chí Hoàng Sâm (bên trái) và đồng chí Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh tư liệu

Người bảo vệ Bác Hồ

Giữa năm 1940, Trần Văn Kỳ tới Tĩnh Tây và gặp lại Thầu Chín, được Người đặt bí danh Hoàng Sâm. Cũng tại đây, lần đầu tiên Hoàng Sâm được gặp, làm quen với người đồng chí, đồng hương Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp). Sau lần gặp gỡ quan trọng này, cuối năm 1940, Hoàng Sâm tham dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh tổ chức và trực tiếp giảng dạy.

Ngày 28.1.1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về Cao Bằng, Hoàng Sâm cùng Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp bảo vệ Người trở về an toàn. Tháng 5.1941, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 tại Khuổi Nậm, Hoàng Sâm được giao tổ chức đường dây qua Lạng Sơn đón các đại biểu về dự hội nghị.

Cuối năm 1941, Đội du kích Pắc Pó - đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập gồm 12 người do đồng chí Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên và Hoàng Sâm được cử làm đội phó. Nhiệm vụ của đội vừa bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu trừ nạn thổ phỉ vùng biên giới Việt - Trung thuộc địa bàn Cao Bằng. Từ giữa năm 1942, Hoàng Sâm được giao làm Đội trưởng đội vũ trang Cao Bằng khi Lê Thiết Hùng "Nam tiến".

Thời kỳ này, vùng biên giới Việt - Trung, nạn thổ phỉ hoành hành dữ dội. Dẹp được bọn này là cả vấn đề nan giải. Chúng sống ngoài vòng pháp luật, ngang tàng theo kiểu giang hồ, "anh hùng hảo hán" nhưng lại rất kiềng nể những người can đảm, dũng cảm và tài ba.


 

Nguồn tin: Theo Nguyễn Thành Hữu (Kiến Thức)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây