Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay

Thứ bảy - 22/04/2017 23:19
Gia Cát Lượng, vị quân sư thời hậu Hán, là hóa thân của trí tuệ. Ông thấu hiểu trời đất, dụng binh như Thần. Không những thế trong cuộc đời của mình,ông còn sáng chế ra vũ khí và vật dụng. Một số trong đó còn được sử dụng tới bây giờ.
Khổng Minh Gia Cát Lượng
Khổng Minh Gia Cát Lượng


Nỏ liên châu

Thời Tam Quốc, quân Ngụy của Tào Tháo rất giỏi kỵ binh, để đối phó với kỵ binh nước Ngụy, Gia Cát Lượng đã từ nỏ nguyên nhung cải tiến ra loại nỏ liên châu mà ngày xưa quen gọi là nỏ Gia Cát. Loại nỏ này tên được làm bằng sắt, dài 8 tấc, mỗi nỏ bắn liên tiếp ra 10 mũi tên, nỏ này còn được gọi là nỏ Thôi Sơn, uy lực mạnh mẽ và được xem là binh khí hàng đầu lúc bấy giờ.

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 1
Năm 1964 các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở xã Thái Bình gần Thành Đô máy nỏ bằng đồng ghi lại được làm vào ngày 30 tháng 2 năm Cảnh Diệu thứ 4 thời hậu chủ Lưu Thiện (tức 27 năm sau ngày Gia Cát Lượng mất). Nỏ này là loại nỏ mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.

 

Bát trận đồ

Trong phim tam quốc mọi người có thể thấy Gia Cát Lượng vẫn căn dặn Khương Duy nếu lúc lâm nguy hay bị quân địch đuổi đến thì hãy bày quân theo “Bát trận đồ”, thế trận này của Gia Cát Lượng chưa ai phá nổi.

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 2
Nhà thơ Đỗ Phủ thời nhà Đường đã ca tụng Gia Cát Lượng là:

 

Công lớn trùm non nước
Thành danh Bát trận đồ
Sông tuôn, đá chẳng chuyển
Di hận chửa bình Ngô

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” có cốt truyện Lưu Bị vì nóng lòng trả thù cho Quan Vân Trường mà bị đại tướng quân Đông Ngô là Lục Tốn đánh bại và ráo riết truy đuổi. Khi gần đến bến Ngư Phúc, Lục Tốn thấy phía trước có một luồng sát khí xông thẳng lên trời, càng về chiều, sát khí càng nhiều, Lục Tốn do dự, sai người thân tín đi xem xét kỹ, kết quả là bên bờ sông có xếp các đống đá lớn, không một bóng người. Lục Tốn càng nghi, cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Nơi này gọi là bến Ngư Phúc. Gia Cát Lượng khi vào Thục đã luyện binh ở đây, lấy đá xếp thành trận thế trên bến sông. Từ đó trở đi thường có khí tuôn như mây.”

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 3

Lục Tốn nghe xong cưỡi ngựa lên sườn núi xem thạch trận, thấy đá xếp bốn phương tám hướng, đều có cổng, có cửa, bèn cười nói: “Đây là tà thuật làm mê hoặc người, có ích gì đâu”, rồi xuống núi dẫn quân xông thẳng vào trong trận xem xét. Nào ngờ Lục Tốn xông vào trận xong thì không tìm được lối ra, đại quân nước Ngô hoàn toàn bị nhốt vào trận đồ mà không thoát ra được. Sau đó may có nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn đã chỉ đường nên Lục Tốn mới thoát ra được.

Hoàng Thừa Ngạn cho biết: “Con rể ta khi vào Thục có bày thạch trận ở đây, tên gọi là “Bát trận đồ”. Trước khi ra đi có dặn lão phu là: “Sau này có đại tướng Đông Ngô bị mê trong trận thì đừng dẫn ra. Lão phu ở trên núi thấy tướng quân đi từ cửa Tử mà vào trận nên biết là không hiểu trận, chắc hẳn bị mê. Lão phu bình sinh hiếu thiện, không nỡ để tướng quân bị hãm ở đây, nên đưa ra theo cửa Sinh vậy”. Tốn hỏi: “Ông có học được trận pháp này không?”, Thừa Ngạn đáp: “Biến hóa vô cùng, không thể học được”. Tốn kinh hoàng xuống ngựa bái tạ mà về, đến trại than rằng: “Khổng Minh đúng là “Ngọa Long”! Ta không bằng được!”, rồi hạ lệnh rút quân

Bát trận đồ căn cứ theo bát quái (8 quẻ) Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành 8 trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy. Được án theo bát môn (8 cửa) là sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, hưu.

Trong trận lấy 5 người làm 1 ngũ (ngũ hành), 55 người thành 1 đội (55 là số sinh thành của trời đất, trời 25, đất 30), 8 đội thành 1 trận (440 người), 8 trận thành 1 bộ (3.520 người) là trận tiểu thành. 8 bộ thành 1 tướng (28.160 người) là trận trung thành. 8 tướng là 1 quân (225.280 người) là trận đại thành. Từ bát quái sinh ra trùng quái (64 quẻ), lấy 8 làm cơ sở mà nhân lên, càng đông người thì trận càng lợi hại.

Bàn Cờ Khổng Minh

Nhằm giúp quân sĩ giải trí, Khổng Minh đã chế ra loại bàn cờ với luật chơi trí tuệ nhưng giản dị, nay gọi là Bàn Cờ Khổng Minh

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 4
Quy tắc trò chơi lại cực kỳ đơn giản, tuy nhiên biến hóa thì vô biên, làm cho người chơi cảm thấy vô cùng thích thú.

 

Đèn Khổng Minh

Gia Cát Lượng làm ra loại đèn này nhằm phát tín hiệu quân sự, đèn bay lên trời nhờ sử dụng khí nóng. Ngày nay người ta vẫn sử dụng Đèn Khổng Minh vào dịp lễ tết.

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 5
Loại đèn này làm dễ, nên ngày nay vẫn dùng, người ta còn gọi là đèn trời, thiên đăng, Khổng Minh Đăng hay đèn Khổng Minh. Miệng đèn là một thanh tre được làm như cạp rổ, đường kính dài ngắn, đèn cao hay thấp tùy ở người làm. Thông thường đường kính miệng đèn rộng 0,8m và thân đèn cao 1m. Miệng đèn làm khuôn để phất giấy. Giấy phất đèn được làm bằng giấy bản hoặc giấy dó, có độ dai bền, chịu được sức đẩy của gió. Bấc đèn bằng sợi vải tẩm với mỡ lợn. Từ miệng đèn có sợi dây để buộc bấc đèn. Khi đốt, người ta giữ cho đèn thăng bằng rồi châm lửa vào bấc, lửa làm loãng không khí trong lòng đèn, khí nhẹ làm cho đèn từ từ bay lên, gặp gió nhẹ đèn sẽ bay cao, bay xa, đèn có thể bay cao 1 km và bay xa 5–10 km.

 

Ngựa gỗ, trâu máy

Khi Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, tình thế khiến Gia Cát Lượng phải tính kế lâu dài đánh Ngụy. Việc chuẩn bị lương thực rất quan trọng, việc vận chuyển lượng thực rất khó khăn nhất là vào mùa mưa. Để khắc phục khó khăn này, Gia Cát Lượng đã sáng chế ra ngựa gỗ, trâu máy

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 6
Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 7
Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 8
Ngựa gỗ có cơ cấu máy móc ở bên trong, ngựa gỗ tự đi khoảng 10km mà không cần lực đẩy, cứ hết 10 km lại cài lại cơ cấu bên trong để chạy tiếp.

 

Chiến xa
 

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 9
Để công phá cổng thành địch, Gia Cát Lượng đã chế tạo ra chiến xa, sau đó bộ binh sẽ đi theo tràn vào thành địch.

 

Khóa Khổng Minh
 

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 10
Những miếng gỗ được cài vào nhau rất thông minh. Cài vào đã khó và tháo ra còn khó hơn. Thời Khổng Minh và sau này sáng chế này được dùng nhiều trong xây dựng, nay là trò chơi trí tuệ còn phổ biến ở Trung Quốc.


Bánh bao

Sau khi bảy lần dùng diệu kế bắt được Nam Man Vương Mạnh Hoạch và khiến Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục xong, Gia Cát Lượng bèn giao trả tất cả các đất đai đã thu được lại cho Mạnh Hoạch và các động chủ rồi về nước.

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 11

Bấy giờ đang giữa tháng chín, tiết thu mát mẻ, Mạnh Hoạch và các động chủ, tù trưởng lớn nhỏ đều đến tiễn đưa. Khi vừa tới sông Lô (tức là Lô Thủy), bỗng thấy mây đen mù mịt kéo đến, cuồng phong nổi lên dữ dội, binh mã không thể nào sang đò được. Khổng Minh bèn dừng lại hỏi, Mạnh Hoạch thưa:

– Sông này xưa nay thường bị “Xướng thần” tác oai gây họa, ai qua lại trên sông phải cúng tế mới yên.

Khổng Minh hỏi:

– Tế bằng vật gì?

Mạnh Hoạch đáp:

– Trước kia, mỗi khi Xướng thần nổi giận, dân trong nước dùng bảy bảy 49 cái đầu người, với trâu đen dê trắng đem cúng tế, thì tự nhiên sóng sẽ lặng êm.

Khổng Minh lắc đầu bảo:

– Chiến tranh vừa xong, tang tóc vô số, ta làm sao nỡ lòng giết hại thêm người nữa chứ?

Nói xong, bèn thân hành đến bờ sông Lô xem xét, quả thấy âm phong thổi mạnh, sóng nước tung cao, khí thế hung hãn, người ngựa đều sợ. Khổng Minh cho tìm thổ dân tới hỏi, thì họ bẩm:

– Từ ngày Thừa tướng đem binh qua sông, đêm đêm nơi đây cứ nghe tiếng ma gào quỷ khóc, ầm ỉ ghê rợn. Thỉnh thoảng trong đám mây mù, lại còn thấy lờ mờ hình dạng của binh ma tướng quỷ, vì vậy lúc sau này không ai dám qua sông.

Khổng Minh thở dài nói:

– Đây là tội lỗi của ta. Trong lúc giao tranh, quân ta và những người Man bị chết ở đây vô số kể, có lẽ vì oan hồn oán quỷ không được giải thoát nên họ mới tụ tập ở nơi đây để than khóc. Vậy tối nay ta phải đích thân ra cúng tế mới được.

Bọn thổ dân nói:

– Nếu tế, thì phải theo lệ cũ, phải giết 49 người, lấy đầu làm lễ vật, thì họa may các oan hồn mới tan đi.

Khổng Minh nói:

– Chỉ vì người chết uổng mà có oan hồn, ta lẽ nào lại giết oan thêm nữa? Ta đã có kế hay, các ngươi đừng sợ.

Nói xong, bèn truyền lệnh mổ trâu đen, dê trắng, sai nhào bột nặn thành 49 cái đầu người, nhét thịt trâu, thịt dê vào bên trong, gọi là “man đầu”, để thay thế cho đầu thật.

 

Các phát minh độc đáo của Gia Cát Lượng vẫn còn dùng đến nay ảnh 12

Canh ba đêm ấy, Gia Cát Lượng sai bày hương án nơi bờ sông Lô, đốt 49 ngọn đèn cầy, dựng cờ trắng chiêu hồn, bày lễ vật trên án, đặt 49 cái “man đầu” dưới đất, rồi đọc bài văn tế chiêu hồn các tướng sĩ chết trận. Lời văn thống thiết, bi ai, mọi người có mặt đều xúc động, lệ sa ròng ròng. Khổng Minh ngước mắt nhìn lên, thấy trong đám mây đen phảng phất có bóng hàng ngàn hồn ma, ông bèn truyền đem tất cả lễ vật đổ xuống sông.

Hôm sau, Khổng Minh dẫn đại quân ra bờ sông Lô, thì thấy trời quang mây tạnh, sóng lặng gió êm, quân binh qua sông yên ổn, người người vui mừng. Món bánh bao ra đời từ đó, rồi được biến chế cải cách qua nhiều triều đại. Sau này xuất hiện với nhiều dạng khác nhau, phổ cập nhất là loại bánh bao nhân thịt heo, có xen một ít lạp xưởng, trứng luộc, củ hành, và một vài gia vị khác.

Nguồn tin: Theo Đại kỷ nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây