Ngày 31/1, đại tá Phan Mạnh Trường (Cục phó Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho biết vừa bắt 5 người trong đường dây buôn bán nội tạng lớn nhất từ trước đến nay, do Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, ngụ TP HCM) cầm đầu.
"Những người điều hành đều từng bán, mua thận để cấy ghép nên nắm khá kỹ quy trình, thủ tục. Chúng tôi rất bất ngờ bởi số lượng nạn nhân quá lớn, rải đều ở nhiều tỉnh thành", ông Trường nói.
Huyền và đồng phạm tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp. |
Theo điều tra, Huyền quê ở Thừa Thiên Huế nhưng đến tỉnh Đồng Nai sống trong nhiều năm. Bị vỡ nợ, bà ta về Sài Gòn tìm nơi bán thận để có tiền trả. Từ đó, Huyền giới thiệu nhiều người khác bán nội tạng để hưởng phí môi giới, dần hình thành đường dây.
Từ tháng 5/2017, Huyền tiếp cận những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều trường hợp mang nợ vì cờ bạc. Lấy trường hợp của mình, bà ta nói việc bán nội tạng kiếm được hàng trăm triệu đồng và "hoàn toàn hợp pháp".
Để tìm thêm "con mồi", Huyền lên mạng xã hội làm quen nhiều người, hứa trả công hàng chục triệu đồng nếu giới thiệu thành công. Ngoài ra, bà ta còn đến các vùng người dân tộc thiểu số sinh sống để dụ dỗ.
Huyền lo hết các chi phí đi lại, xét nghiệm... cho người bán. Khi đầy đủ thủ tục, họ sẽ được đưa đến một số nước châu Á thực hiện các ca cấy ghép thận cho bệnh nhân. Thời gian thực hiện một ca là một đến hai tuần. Mỗi trường hợp được trả giá hơn 500 triệu đồng nhưng Huyền chỉ trả 200 triệu cho người bán thận. Sau đó bà ta đưa người bán nội tạng về nước, bỏ mặc sức khoẻ của họ.
Thời điểm cận Tết có nhiều người cần tiền, tham gia đường dây của Huyền khá đông. Trung bình một ngày có hai người lên bàn mổ bán thận. "Đường dây này do một số người Việt liên kết với các băng tội phạm nước ngoài thực hiện. Nhiều phòng nghiệp vụ được huy động vào cuộc điều tra", đại tá Phan Mạnh Trường chia sẻ.
Bộ Công an sau đó phối hợp công an các tỉnh biên giới bắt Huyền và 4 người khác, cứu được 11 người ở nước ngoài đưa về quê.
Một người bán thận trong đường dây của Huyền. Ảnh: Công an cung cấp. |
Bước đầu cơ quan điều tra xác định đã có hàng trăm người là nạn nhân của đường dây này, số tiền Huyền và đồng phạm kiếm được lên đến hàng chục tỷ đồng.
Bộ Công an khẳng định, việc hiến mô tạng theo mục đích nhân đạo được cho phép nhưng phải tự nguyện, công khai và được thực hiện bởi tổ chức y tế Nhà nước.
Vụ án đang được mở rộng điều tra.
Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015: Tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: có tổ chức; vì mục đích thương mại; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; đối với từ 2 người đến 5 người; phạm tội hai lần trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đối với 6 người trở lên; gây chết người; tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nguồn tin: Theo Vnexpress:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn