Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Năm 2018, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Bình Định tăng 7,32%. Nhìn lại tổng thể vấn đề kinh tế-xã hội (KTXH) của tỉnh trong năm qua, đâu là dấu ấn đậm nét nhất, thưa ông?
Ông Hồ Quốc Dũng: Năm 2018, tỉnh Bình Định triển khai nhiệm vụ phát triển KTXH trong điều kiện kinh tế cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc so với các năm trước.
Dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến là sự bứt phá mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, với thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực làm nên sự tăng trưởng 4,99% (kế hoạch 3%). Kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên chạm ngưỡng 800 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 8.466 tỷ đồng, vượt 25% dự toán năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ (riêng thu nội địa đạt 7.791 tỷ đồng, vượt 25,9% dự toán năm và tăng 11,9%)…
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, điều gì còn làm cho ông trăn trở?
Ông Hồ Quốc Dũng: Điều tôi trăn trở nhất là tốc độ kinh tế tuy có phát triển khá, nhưng chưa thật sự bền vững. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng không đạt kế hoạch. Một số sản phẩm, ngành hàng chủ yếu chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đáng chú ý, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được dự án lớn tạo bước đột phá, dù lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chú trọng, dành nhiều thời gian và công sức để xúc tiến thu hút đầu tư. Năm qua, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư toàn diện trên nhiều lĩnh vực, làm việc với nhiều DN, tập đoàn kinh tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về năng lượng mặt trời, dịch vụ du lịch, sản xuất công nghệ phần mềm, xây dựng khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao…
Nhiều đoàn DN quốc tế đến Bình Định đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, du lịch. Một số đoàn công tác tham gia xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm mở rộng giao thương, kết nối với các DN tại hai quốc gia này; tiếp tục ký kết hợp tác phát triển với tỉnh Bình Dương và một số tỉnh phía Nam nước bạn Lào.
Dù vậy, Bình Định chưa thu hút được các DN có năng lực triển khai các dự án quy mô lớn làm “đầu tàu” tạo đột phá, chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Đối với Khu kinh tế Nhơn Hội, tuy tập trung huy động nhiều nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, nhưng công tác thu hút đầu tư còn khó khăn.
Bình Định là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch, trong thời gian qua tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để thúc đẩy ngành này phát triển?
Ông Hồ Quốc Dũng: Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Nơi đây từng là cố đô của Vương quốc Champa, là nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người anh hùng kiệt xuất Quang Trung-Nguyễn Huệ, là cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca, của môn võ cổ truyền Tây Sơn bất hủ và là nơi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa lớn như Đào Tấn, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan.
Tấn hàng thứ 8 triệu thông qua Cảng Quy Nhơn trong năm 2018. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Đặc biệt, Bình Định là mảnh đất được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, tỉnh còn có sự đa dạng về cấu trúc địa hình các vùng núi, sông, hồ, đầm và gần 150.000 ha rừng tự nhiên; nhiều lễ hội đặc sắc, nhiều làng nghề truyền thống và một nền ẩm thực độc đáo...
Với mong muốn tạo ra một sự khác biệt, một điểm đến mới trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mình, Bình Định đang quyết tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với 3 trụ cột chính là biển đảo, văn hóa-lịch sử và khoa học để Quy Nhơn trở thành điểm đến độc đáo, khác biệt.
Với du lịch biển đảo, tỉnh quyết tâm quy hoạch và phát triển không gian biển Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai với những dự án lớn để trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng.
Với du lịch văn hóa-lịch sử, tâm linh, tỉnh đã từng bước quy hoạch, tôn tạo, nâng cấp các di tích quốc gia và của tỉnh, như hệ thống tháp Chăm cổ kính, thành Đồ Bàn, không gian văn hóa Chăm và các di tích nhà Tây Sơn, các di sản văn hóa phi vật thể.
Với quyết tâm đưa Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học-giáo dục đặc trưng của cả nước, trên cơ sở chủ trương của Trung ương, tỉnh đang quy hoạch phát triển thung lũng Quy Hòa thành khu đô thị khoa học-giáo dục đầu tiên của Việt Nam, với diện tích hơn 242 ha, bao gồm các công trình, dự án khoa học, công nghệ như: Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, dự án Công viên sáng tạo TMA, Trung tâm Khám phá khoa học với nhà mô hình vũ trụ, nhà khám phá khoa học, đài quan sát thiên văn phổ thông; các viện nghiên cứu khoa học; các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao...
Nhờ có chiến lược bền vững, bước đi phù hợp, trong những năm gần đây du lịch Bình Định đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, khách du lịch đến Bình Định đạt trên 4 triệu lượt người, tăng 10,6% so với năm 2017, trong đó, có trên 286.000 lượt khách quốc tế (tăng 8,3% so với năm 2017); tổng doanh thu du lịch đạt trên 3.300 tỷ đồng, tăng 54,7%. Thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định” đã lan tỏa rộng rãi như là một điểm du lịch mới cần khám phá, trải nghiệm trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Di tích tháp Dương Long, huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Ông có thể cho biết, năm 2019, tỉnh Bình Định xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gì trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH?
Ông Hồ Quốc Dũng: Ưu tiên đầu tiên để tăng trưởng kinh tế chính là đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Đây là nền tảng quan trọng tạo động lực tăng trưởng, mở hướng phát triển mới cho Bình Định. Tôi cho rằng, dư địa và nguồn lực của tỉnh để phát triển còn lớn, phải tiếp tục giải phóng nguồn lực này.
Thứ hai, duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp. Trọng điểm là tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Kịp thời bổ sung các cơ chế chính sách mới để khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện để các chủ đầu tư triển khai nhanh dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đầu tư mở rộng công suất các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu...
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, phấn đấu tăng giá trị gia tăng ngành dịch vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để mở rộng địa bàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phối hợp, tạo mọi điều kiện để mở các chuyến bay quốc tế đến sân bay Phù Cát.
Thứ tư, bảo đảm thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra, huy động vốn cho đầu tư phát triển. Tăng cường chỉ đạo điều hành dự toán ngân sách năm 2019 bằng các biện pháp khai thác tốt các nguồn thu, kích thích tạo nguồn thu mới, chống thất thu ngân sách.
Thứ năm, phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác phát triển. Khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, trong đó chú trọng các dự án công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Tiếp đó là nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Đặc biệt, từ “hạt giống” Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, đến nay Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa có nhiều chuyển động mới. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có dự án Công viên sáng tạo của Công ty TMA Solutions (TPHCM) sớm đi vào hoạt động.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo Chinhphu.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn