Hồi quang phản chiếu là hiện tượng một người đang bị bệnh nặng, cơ thể suy yếu, đột nhiên trở nên tỉnh táo, thân thể khỏe mạnh, hoặc nói cười sảng khoái, muốn ăn uống.
Thông thường người bệnh rơi vào trường hợp này thì khoảng hai tiếng đồng hồ sau sẽ tử vong. Hiện tượng này được ví với hình ảnh ngọn đèn trước khi tắt, ánh lửa tự nhiên rực sáng.
Hiện tượng người bệnh bỗng nhiên khỏe mạnh trở lại rồi chết được ví với hình ảnh ngọn nến bùng sáng trước khi lụi tàn.
Các giả thiết về hồi quang phản chiếu
Để giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này, có giả thiết cho rằng khi một người chuẩn bị qua đời là bước sang thế giới khác, linh hồn của người đó sẽ rút dần khỏi thể xác, từ chân, bụng, tay, cuối cùng là trái tim và trí não. Khi trí não nhẹ nhàng, an yên, không còn bị ảnh hưởng của vật chất, người đó có thể trở nên tỉnh táo và mạnh mẽ đặc biệt.
Có giả thiết lại giải thích về mặt tình cảm, nói rằng thời điểm cận kề cái chết là lúc con người ta khao khát sự sống nhất và muốn tạo những kỷ niệm vui vẻ cuối cùng với người thân vì vậy đã xảy ra “hồi quang phản chiếu”.
Một giả thiết cho rằng khi chuẩn bị bước sang thế giới khác, linh hồn của một người sẽ rút dần khỏi thể xác.
Hồi quang phản chiếu có thật hay không?
Khoa học cũng ghi nhận hiện tượng “hồi quang phản chiếu”, dù thật sự vẫn còn rất mơ hồ - về cả cơ sở lẫn khả năng chứng minh, lý giải. Kết quả nghiên cứu của một nhóm khoa học cho thấy trong số 227 bệnh nhân sa sút trí tuệ được theo dõi, khoảng 10% cho thấy có sự sáng suốt hơn hẳn ở giai đoạn cuối đời.
Từ việc đánh giá tài liệu của mình, nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng khoảng 84% những người trải nghiệm sự sáng suốt ở giai đoạn cuối sẽ đi đến cái chết nhanh hơn trong vòng một tuần, và 42% số người còn lại qua đời vào chính ngày xảy ra hiện tượng. Vậy làm thế nào một bộ não bị phá hủy bởi bệnh tật trong nhiều năm lại trở nên sáng suốt lúc cận kề cái chết?
Nhà nghiên cứu đưa ra ví dụ về một phụ nữ 91 tuổi bị bệnh Alzheimer. Trong suốt 15 năm, người phụ nữ này đã rơi vào tình trạng vô thức và không nhận ra con gái hay bất cứ ai. Vào một buổi tối, bà bắt đầu trò chuyện rất thân tình với con gái. Bà nói về nỗi sợ chết, những khó khăn mà bà đã trải qua với gia đình. Và vài giờ sau đó, bà đã qua đời.
Về mặt tình cảm, người ta cho rằng đây là một món quà cho người bệnh có một cơ hội cuối cùng để được ở bên người thân yêu và nói lời tạm biệt cuối cùng với họ.
Từ trường hợp trên, đã xuất hiện nhiều giả thiết về cả mặt tâm linh và khoa học xoay quanh hiện tượng “hồi quang phản chiếu”, nhưng vẫn không đủ thông tin để xác định một cơ chế dứt khoát.
Đến nay, câu trả lời cho hiện tượng “hồi quang phản chiếu” vẫn còn bỏ ngỏ. Một số triết gia và nhà thần học đã đưa ra giả thuyết rằng ý thức của con người nằm ngoài phạm vi hoạt động của bộ não. Ý tưởng này đã được đề xuất như một lời giải thích cho những trải nghiệm cận tử.
Các nhà khoa học tuy phản đối giả thuyết trên nhưng cho đến nay vẫn chưa thật sự giải mã được bí ẩn của những hiện tượng bất thường này.
Tác giả bài viết: An An(Dịch theo Psychology Today)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn