Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lộ 2 tin bất ngờ
Theo Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chi 2 tỷ USD tài sản cá nhân để đầu tư vào dự án Vinfast và sẽ xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ trong vòng 2 năm tới. Tỷ phú số 1 Việt Nam sẽ bán 10% cổ phần Vingroup để thực hiện giấc mơ chưa từng có này.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh khối tài sản của ông Vượng vẫn ở mức rất cao 8-10 tỷ USD và Vingroup liên tục tái cấu trúc sau khi đưa ra bản chiến lược hồi tháng 8/2018 với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính, thay vì phần lớn chỉ tập trung vào dịch vụ và bất động sản như trước đó.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng |
Hai tuần qua, liên quan đến tỷ phú Vượng, thị trường đón nhận 2 bất ngờ lớn, sau động thái Vingroup bán mảng bán lẻ cho Masan của ông Nguyễn Đăng Quang thì quyết định của ông Vượng rót 2 tỷ USD vào dự án Vinfast để chinh phục thị trường Mỹ khiến nhiều người bất ngờ hơn.
Thứ hạng hiện tại của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes là 231. Đầu tháng 8, ông Vượng từng đứng ở vị trí 195 trên bảng xếp hạng này.
Theo thống kê cập nhật của Forbes đến ngày 10/12, giá trị khối tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện tại là 7,6 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang rời danh sách tỷ phú
Thông tin cập nhập ngày 11/12 của Forbes cho biết, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, không còn là tỷ phú khi tổng tài sản ghi nhận chỉ còn 980,8 triệu USD. Số liệu này được cập nhật trực tiếp dựa trên sự thay đổi của giá cổ phiếu MSN trên sàn chứng khoán, chiếm phần lớn tài sản của ông Quang.
Trước đó, tháng 3/2019, Forbes đã lần đầu tiên công nhận và xếp hạng ông Quang trong danh sách tỷ phú USD đầy uy tín của mình. Khối tài sản của nhà sáng lập đế chế Masan khi ấy được ước tính khoảng 1,3 tỷ USD.
Sự rớt hạng của ông Quang bắt nguồn từ việc giá cổ phiếu MSN đang giảm sâu trên thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây.
Bầu Đức bán nốt công ty thủy điện cuối cùng
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa thống nhất chuyển nhượng toàn bộ 248 triệu cổ phần đang sở hữu tại Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, điều này đồng nghĩa với việc bầu Đức sẽ chính thức rút lui khỏi mảng thủy điện.
Mục đích của giao dịch này là để đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.
Với việc bán đi công ty điều phối trong lĩnh vực thủy điện, tập đoàn của bầu Đức sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mảng này. Đây là công ty mẹ của 2 doanh nghiệp Điện Hoàng Anh Attapeu và Điện Nậm Kông 3 ở Lào đang được thanh lý.
Bầu Đức |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 cho thấy tình hình kinh doanh kém khả quan của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 1.479 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi kế hoạch năm 2019 là lãi 88 tỷ đồng; lỗ sau thuế tới 1.265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 355 tỷ đồng.
Bầu Hiển kiếm tiền thế nào?
Thành lập Tập đoàn T&T từ năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) dần trở thành một trong những doanh nhân có tên tuổi nhất Thủ đô. Năm 2005, bầu Hiển đầu tư vào lĩnh vực tài chính với việc đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và trở thành Chủ tịch năm 2008.
Cũng chính ông là người có ảnh hưởng nhất tới thương vụ sáp nhập tái cơ cấu tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt Nam. Sau 1 năm đầu tư vào ngân hàng cũng là thời điểm vị doanh nhân này đầu tư vào bóng đá với việc thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội, tiền thân của Câu lạc bộ Hà Nội hiện nay.
Đến cuối năm 2018, tập đoàn này có tới 60 công ty con và liên kết với quy mô vốn điều lệ 15.000 tỷ, tổng tài sản trên 35.000 tỷ đồng.
Thông qua T&T, ông Hiển đang là cổ đông lớn nhất tại SHB. Trong 9 tháng đầu năm, SHB đạt 2.260 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hai định chế tài chính mà ông bầu thủ đô là cổ đông lớn thì Công ty Chứng khoán SHS có vốn điều lệ 2.295 tỷ đồng, doanh thu 2 năm gần nhất đạt trên 1.000 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 360 tỷ đồng/năm. Công ty BSH cũng có vốn 1.000 đồng tỷ và doanh thu bình quân 2 năm gần nhất hơn 700 tỷ đồng, lợi nhuận gần 10 tỷ đồng.
Nghi vấn Shark Hưng đầu tư vào công ty đa cấp
Nổi lên từ 3 mùa chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ, Phó Chủ tịch Cen Group Phạm Thanh Hưng không chỉ được cộng đồng khởi nghiệp biết đến mà còn là gương mặt thân quen với nhiều người kinh doanh. Mới đây, vị Shark này vướng vào nghi vấn đầu tư và góp mặt vào một công ty đang bị nghi ngờ là đa cấp biến tướng.
Tháng 1 năm nay, ông Hưng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Theo giới thiệu, với ứng dụng này, người bán có thể tìm kiếm được nguồn khách hàng trung thành (thông qua cơ chế mua sắm tích điểm) và quảng cáo miễn phí về các sản phẩm còn người mua nhận được nhiều ưu đãi lớn.
Theo thông tin từ BBI Việt Nam, ông Hưng là một "nhà đầu tư thiên thần" giai đoạn đầu và đã thoái vốn không còn liên quan đến BBI Việt Nam.
Mai Phương Thuý chưa từng thua lỗ khi đầu tư chứng khoán
Tham gia làm chương trình thực tế, hoa hậu Mai Phương Thuý tái khẳng định: "5 năm trở lại đây Thuý đã rút lui khỏi lĩnh vực hoa hậu, thay vào đó tham gia đầu tư. Suốt 5 năm, Thuý cũng có nhiều thành tích, nhưng hiện tại thì bản thân Thuý không chú trọng quá vào lợi nhuận nữa, mà muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng".
Người đẹp hoa hậu nổi danh kinh doanh |
"Mình có khả năng chọn doanh nghiệp tốt như vậy, thì tại sao chỉ ở nhà đầu tư cho chính mình mà không đem khả năng này để chia sẻ với cộng đồng", Mai Phương Thuý nói thêm.
Trên sàn chứng khoán, Mai Phương Thuý là cái tên được nhiều nhà đầu tư biết tới bởi khả năng “đánh đâu trúng đấy”. Cô từng chia sẻ trên báo chí, không phải bây giờ những nhận định của cô về các mã cổ phiếu mới chuẩn mà ngay từ đầu đã thế, chỉ là mọi người không biết.
Cũng theo Mai Phương Thúy, cô đầu tư chứng khoán từ năm 2014 và với năng khiếu sẵn có cùng tâm lý vững vàng, cô ít khi thua. Tuy nhiên, cùng việc đột nhiên trở thành "ngôi sao mới nổi" trên thị trường chứng khoán cùng những mã cổ phiếu mà cô đang đầu tư đang tăng giá liên tục, khiến Thúy khá ngại ngùng khi ‘xuống tiền’, bởi lo lắng "khi say men chiến thắng dễ phạm sai lầm nhất". Ngoài ra, cô cũng quyết định sẽ không "phím hàng" cổ phiếu trên Facebook nữa, vì không muốn tư vấn không công cho mọi người.
Thương hiệu Diêm Thống Nhất 63 năm tuổi sắp bị "khai tử"
Ngày 15/11 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Diêm Thống Nhất đã thông qua 2 nội dung quan trọng là dừng sản xuất diêm kể từ năm 2020 và hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom.
Ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cho biết, so với cách đây gần thập kỷ với mức tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm, sản lượng diêm hộp của Diêm Thống Nhất năm 2018 chỉ còn chưa tới 100 triệu bao, giảm hơn 45%. "Sản lượng diêm tiếp đà giảm mạnh và sẽ còn lao dốc nhanh hơn năm 2018", báo cáo về kế hoạch kinh doanh năm 2019 viết.
Sản phẩm bật lửa cũng không thể bứt phá như kỳ vọng. Như năm 2016, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu tiêu thụ 85 triệu chiếc bật lửa nhưng đến cuối năm, chỉ có 10 triệu chiếc được tiêu thụ, tương đương 12% kế hoạch. Năm 2017, sản lượng tiêu thụ chỉ tăng 10%. Còn 2018, công ty kỳ vọng tiêu thụ 18 triệu sản phẩm nhưng hết năm chỉ hoàn thành hơn 80%.
Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956 với hình quen thuộc là những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh.
Tác giả bài viết: Bảo Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn