Bác sỹ Lương không đồng tình với kết quả điều tra bổ sung
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra bản kết luận điều tra bổ sung đối với vụ án Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra ngày 29.5.2015 tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong.
Bác sỹ Lương trước phiên tòa sơ thẩm.
Bản kết luận điều tra bổ sung vụ chạy thận làm 9 người chết tiếp tục khẳng định đủ cơ sở nội dung buộc tội bác sỹ Lương. Sau khi nhận được thông tin về bản kết luận trên, bác sỹ Lương cho biết, không đồng tình với một số nội dung trong bản kêt luận của Công an tỉnh Hòa Bình.
Trong vụ án, cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can liên quan đến sự cố y khoa khi chạy thận ở BVĐK tỉnh Hoà Bình. Trong đó, bắt tạm giam 2 bị can, cho 3 bị can được tại ngoại (có bác sỹ Lương).
Hoàng Công Lương là bác sỹ khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo - BVĐK Hòa Bình. Theo nội dung điều tra, bác sỹ Lương đã trực tiếp ký giấy đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ hệ thống lọc RO2 và RO mini để phục vụ việc chạy thận nhân tạo.
Đến ngày 28.5.2017, hệ thống RO được sửa chữa và thông báo qua điện thoại là đã hoàn thành nhưng chưa có biên bản bàn giao. Đến sáng 29.5.2017, các điều dưỡng viên kiểm tra thấy máy chạy bình thường trở lại nên bác sỹ Lương ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân.
Việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân khi chưa có biên bản nghiệm, bàn giao hợp đồng thu sau quá trình bảo dưỡng máy móc là sai quy trình. Do vậy, vị bác sỹ trẻ tiếp tục bị xác định "vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác".
Sau khi nhận thông tin về bản kết luận điều tra bổ sung, bác sỹ Lương cho rằng, bản thân không hoàn toàn đồng ý với bản kết luận điều tra bổ sung và xin được khiếu nại đến lãnh đạo cấp cao.
Cụ thể, trong kết luận điều tra bổ sung có nêu: "Đến thời điểm xảy ra sự cố, Hoàng Công Lương là bác sỹ duy nhất được phân công làm việc cố định tại Đơn nguyên thận nhân tạo còn các bác sỹ khác được luân chuyển định kỳ giữa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận theo sự phân công của lãnh đạo".
Về vấn đề này, bác sỹ Lương cho rằng, kết luận chưa đúng vì ngoài anh còn có bác sỹ Phạm Thị Huyền, Quách Thế Tùng cũng được chấm công - hưởng lương cố định tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Lương và các bác sỹ khác đều được luân chuyển định kỳ giữa hai khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận nhân tạo, các chế độ lương, phụ cấp và các chế độ khác của các bác sỹ được hưởng như nhau.
Về nội dung trong kết luận điều tra bổ sung có đoạn: “Bác sỹ Lương đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập, bác sỹ Phạm Thị Huyền và bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh chưa đủ điều kiện để hành nghề khám chữa bệnh độc lập”.
Hoàng Công Lương cho rằng, nội dung kết luận này là chưa đúng vì tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 29.5.2017, bác sỹ Lương và bác sỹ Phạm Thị Huyền đã được cấp Chứng chỉ hành nghề và có thể khám chữa bệnh độc lập. Riêng bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh đã đủ điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề, nhưng do phải chờ đợt cấp của Sở Y tế nên phần nào thiệt thòi cho bác sỹ này.
Hoàng Công Lương cũng cho rằng, không có chữ ký của mình thì bác sỹ Huyền vẫn có thể ký ra y lệnh độc lập vì bác sỹ Huyền đã có Chứng chỉ hành nghề để ra y lệnh theo quy định trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?
Bên cạnh bản luận tội về bác sỹ Lương, một vấn đề cần bàn nhất ở đây là trách nhiệm người đứng đầu, cụ thể ở đây là ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung, bác sỹ Lương đã phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình.
Quá trình điều tra bổ sung vụ án, Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã ra quyết định khởi tố ông Hoàng Đình Khiếu (56 tuổi, PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình) và ông Trần Văn Thắng (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Vật tư) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can đều có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngoài ra, 2 bị cáo khác trong vụ án là Bùi Mạnh Quốc cũng bị xác định tội "vô ý làm chết người" theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), Trần Văn Sơn về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (nay là khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn không ít người đặt ra câu hỏi tại sao ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình) chỉ bị đề nghị xử lý sai phạm về mặt hành chính theo quy định của ngành y, của Nhà nước?
Về mặt pháp luật, ở thời điểm đó ông Trương Quý Dương là lãnh đạo bệnh viện mới có đủ cơ sở pháp lý để đồng ý cho Công ty Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra câu hỏi, ai đã thay mặt Ban lãnh đạo BVĐK Hòa Bình đồng ý cho Công ty Trâm Anh làm việc bảo trì máy móc trong khi về mặt pháp lý, bệnh viện chỉ ký hợp đồng sửa chữa với Công ty Thiên Sơn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần đặt nghi vấn trách nhiệm pháp lý trong việc chuyển nhượng thầu để ăn "hoa hồng" giữa Công ty Thiên Sơn và Trâm Anh nếu có.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung cũng xác định để xảy ra sự cố y khoa khiến 9 người chết có phần trách nhiệm do Bộ Y tế, Sở Y tế hòa Bình chưa sâu sát trong vai trò quản lý, giám sát. Do vậy, Cơ quan điều tra đề nghị HĐXX vụ án có kiến nghị đối với Bộ Y tế, Sở Y tế để thấy rõ trách nhiệm và khắc phục tình trạng nêu trên.
Sự việc xảy ra tại BVĐK Hoà Bình cũng đặt ra dấu hỏi về lỗ hổng trong pháp luật đối với việc quản lý và vận hành các trang thiết bị y tế.
Trước đó, sáng 29.5.2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo, bác sĩ Lương thiếu trách nhiệm.
Ngày 5.6, sau 12 ngày xét xử Lương cùng hai bị cáo Sơn, Quốc, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ một số vấn đề.
Ngày 4.7, ông Hoàng Đình Khiếu và nguyên Trưởng phòng Vật tư Trần Văn Thắng bị khởi tố.
Nguồn tin: Theo vov.vn::
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn