Vui tết đừng quên cảnh giác bệnh

Thứ ba - 24/01/2017 21:07
Vui tết đừng quên cảnh giác bệnh

Thời điểm giao mùa dịp tết có nhiều thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm... làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm.

Vui tết đừng quên cảnh giác bệnh
PGS.TS Lê Minh Khôi - bác sĩ tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - trong chuyến đi khám cho các trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh ở Chợ Lách, Bến Tre vào tháng 12-2016 - Ảnh: Nguyễn Hoàng Định

Ngày 21-1-2017 bé Phan Nguyễn Quang H. (8 tuổi, nhà ở xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) vào viện vì ói, đau bụng, tay chân lạnh. Bà ngoại em cho biết em bị sốt, ói nhiều, tưởng em ăn thức ăn không tiêu nên mua thuốc uống. Sau 5 ngày, em vẫn không hết mà thấy mệt hơn nên vào viện.

Bác sĩ cấp cứu em khẩn cấp vì em có đủ các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng như lừ đừ, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt, xuất huyết dưới da... Sau ba ngày điều trị, sáng nay em tiểu được, huyết áp tốt, sức khỏe ổn định dần.

Những ngày giáp tết năm nay xuất hiện nhiều trận mưa trái mùa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển và truyền bệnh sốt xuất huyết. Bà con nên chú ý đề phòng bệnh sốt xuất huyết, tránh để cho trẻ bị muỗi đốt.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao trên 2 ngày thì phải đi khám bệnh ngay. Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng, theo dõi sát thì kết quả điều trị khỏi bệnh rất cao.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết hiện nay còn phổ biến bệnh viêm đường hô hấp, chiếm từ 40 - 50% trẻ em nằm viện, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Thời điểm giao mùa dịp tết có nhiều thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm... làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm.

Thời tiết mùa này cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi... Nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người cũng là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Để phòng bệnh hô hấp cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến chỗ đông người. Tiêm văcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có văcxin phòng bệnh.

Bệnh thứ ba là tiêu chảy. Bệnh chiếm tỉ lệ 15% trẻ nằm viện. Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng trong thời gian tết do tiệc tùng nhiều nên cũng hay gặp bệnh tiêu chảy do ngô độc thức ăn.

Đề phòng tiêu chảy chúng ta cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm hoặc sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.


 

Tác giả bài viết: BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây