Cơ quan tố tụng không bao che
Giải thích về việc dư luận cho rằng vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó viện trưởng VKSND Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP.HCM không được xử lý nghiêm, ông Dũng chỉ ra một số vướng mắc mà cơ quan tố tụng gặp phải trong xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nói chung.
Đó là việc thu thập chứng cứ khó khăn, do chỉ có 1 lời khai của bị hại, trong khi nhiều trường hợp các cháu còn rất nhỏ, lời kể của các cháu không phải ngay lúc đó mà sau nhiều tháng, nhiều năm sau mới kể cho cha mẹ, bạn bè. Chính vì vậy khi tố cáo, điều tra xác minh nên tính kịp thời không còn.
Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng |
Thêm vào đó, nghi can không thừa nhận, nếu thừa nhận thường rất dễ.
"Cơ quan tố tụng không bao che gì cả. Trong khi đó, chứng cứ vật chất, sinh học không thu được. Các cháu rất nhỏ, dù xâm phạm vào bộ phận sinh dục nhưng không để lại dấu vết. Các cháu quá nhỏ, trên thực tế chứng cứ sinh học không thu được nên buộc tội khó", Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nói.
Ông cũng cho biết thêm, Bộ luật Tố tụng hình sự không áp dụng điều tra tố tụng đặc biệt đối với loại tội phạm này nên chỉ tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường.
Thiếu hướng dẫn pháp luật rõ ràng
Ngoài ra, ông cũng nêu vướng mắc về việc chậm giải thích pháp luật. Cụ thể như thế nào là hành vi dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác là gì? Hiện nay các cơ quan tố tụng rất không thống nhất, có nơi xử, có nơi không và cũng chưa có văn bản hướng dẫn chính thức để thực hiện.
"Hiểu mà rộng quá thì chưa đạt mục đích của bộ luật Hình sự, hiểu hẹp thì chưa đạt yêu cầu đấu tranh, bảo đảm công bằng xã hội. Vì vậy, cần được giải thích. UB Thường vụ QH hoặc hội đồng thẩm phán TAND tối cao phải giải thích hoặc có án lệ chứ không khó thực hiện", Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng lưu ý.
Ông dẫn chứng vụ việc mới vừa xử cách đây 1 tuần, bị cáo Lê Văn Luyến có hành vi dùng dương vật đưa vào miệng 2 cháu gái, tòa xử tội dâm ô.
"Tôi đề nghị xử tội hiếp dâm trẻ em. Nhưng cấp phúc thẩm tuyên bác quan điểm VKS, chỉ có thể xử tội dâm ô vì lý do là chưa có hướng dẫn thế nào là quan hệ tình dục khác và phải xử theo hướng có lợi cho bị cáo", ông dẫn chứng.
Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng nêu vấn đề về trách nhiệm bội thường nhà nước. Các cơ quan tố tụng đặt nặng trên vai trách nhiệm bồi thường nhà nước.
"Xử có tội không sao, không tội xin lỗi, bồi thường, bị kỷ luật, dư luận cũng làm ầm chuyện xử oan. Để không oan thì phải minh định cái nào phạm tội, cái nào xử hành chính. Cái đó liên quan trách nhiệm giải thích luật", ông nhấn mạnh.
Theo ông Dũng: "Người phạm tội thừa nhận ngay "tôi có ý đồ dâm ô" thì dễ nhưng thực tế không ai nhận. Vì vậy cần phải minh định bằng hành vi cụ thể, Với hành vi đó thì anh không nhận tôi vẫn xử được".
Ông Dũng đề nghị sớm giải thích luật và phát triển án lệ hành vi dâm ô và quan hệ tình dục khác.
Đồng thời xây dựng quy trình tố tụng đặc biệt thì nên xem xét đến có bảo hiểm trách nhiệm bồi thường oan sai thì người xử mới mạnh dạn làm.
"Nguy cơ oan sai nhiều cũng rất khó. Đặt bút vào ký phê chuẩn khởi tố, bản án thì suy nghĩ về trách nhiệm đảm bảo không lọt. Có trường hợp xét xử mức án cao, xâm hại trẻ dưới 10 tuổi là 20 năm, chung thân tử hình nên rất phải suy nghĩ", ông Dũng nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn