Bộ Tài chính cho hay, từ cuối tháng 5, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam - một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới.
Lý do VTV đưa ra là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.
VTV cũng cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã có chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.
Do đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị VTV và SCIC yêu cầu công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xác định lại sự cần thiết, mục tiêu của dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Trước đó, dự án Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng đồng ý về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư từ đầu năm 2015.
độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.
Công ty Cổ phần Tháp truyền hình được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo của VTV, đến nay 3 đơn vị góp vốn mới góp được 150 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Hà Duy
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn