Trung ương 7 là bước đệm quyết định thành công Đại hội 13

Thứ sáu - 11/05/2018 22:49
(Vietnamnet) - Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị TƯ 7 với thành công của Đại hội Đảng 13.
Trung ương 7 là bước đệm quyết định thành công Đại hội 13

 


Trước khi hội nghị diễn ra, ông Nguyễn Đình Hương đã viết thư gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với kỳ vọng hội nghị sẽ đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn liên quan 4 vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ.

Đó là phòng chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực; trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.

“Nếu hội nghị TƯ 7 không bàn sâu 4 vấn đề này để đưa ra những quyết sách đúng đắn thì Đại hội 13 sẽ khó khăn, dễ xảy ra tình trạng 'quân xanh, quân đỏ', tranh giành vị trí”, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.

Trung ương 7,Hội nghị Trung ương 7,đại hội 13,công tác cán bộ,cán bộ cấp chiến lược,Nguyễn Đình Hương
Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Phạm Hải

Theo ông, mọi việc thành bại đều từ con người mà ra.

Bộ Chính trị trong sạch, tầm cỡ thì đất nước tốt cả

Như ông nói "mọi điều thành bại đều do con người mà ra", tại hội nghị lần này, TƯ tập trung xây dựng 3 đề án quan trọng, trong đó có đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Vậy cán bộ cấp chiến lược phải là người như thế nào?

Cán bộ cấp chiến lược là những người định ra các chiến lược, quyết định những vấn đề chiến lược của đất nước. Đó trước hết phải là những cán bộ trong Bộ Chính trị. Bộ Chính trị trong sạch là rất quan trọng, trong đó phải kể đến 13 người: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức TƯ, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Ngoại giao, Bí thư Hà Nội và Bí thư TP.HCM.

13 người này chỉn chu, trong sạch, tầm cỡ thì đất nước tốt cả. 

Để có được đội ngũ cấp chiến lược trong sạch, tầm cỡ như ông nói, ngoài điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ ra, trong công tác cán bộ cần phải chú ý cơ chế gì?

Ngoài điều kiện trung thành, đạo đức, tài năng, có 1 tiêu chuẩn quan trọng là sạch, không dính lợi ích nhóm, phải qua rèn luyện. 

Theo tôi tiêu chuẩn, điều kiện là chính, độ tuổi là phụ, chỉ tham khảo thôi. Thực tế có những người lớn tuổi nhưng trí tuệ đảm đương nhiệm vụ tốt. Còn cứ như đong gạo, 60 tuổi gạt hết, 65 tuổi gạt hết thì làm gì có nhân tài.

Trung ương 7,Hội nghị Trung ương 7,đại hội 13,công tác cán bộ,cán bộ cấp chiến lược,Nguyễn Đình Hương
Ảnh: Phạm Hải

Thêm một điều nữa là tại sao lại quy định phải qua Bộ Chính trị mới lên được Chủ tịch QH, Thủ tướng. Có những người có đủ đức, đủ tài thì từ TƯ lên Thủ tướng cũng được chứ sao. Phải dám như thế thì mới có nhân tài được.

Tôi thích những anh cán bộ có tài, biết nói ngược. Còn cán bộ mà một dạ hai vâng thì chỉ biết xu nịnh để lên chức. Như vậy là không được. Cán bộ cấp chiến lược phải biết nói ngược lại mới sáng.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có nói: “Đại hội 13 sẽ là Đại hội không chạy chức, chạy quyền”. Trong đề án của Ban Tổ chức TƯ về Xây dựng cán bộ cấp chiến lược cũng nhấn mạnh đến việc triệt để chống chạy chức, chạy quyền. Phát biểu khai mạc hội nghị TƯ 7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến việc “khắc phục tình trạng chạy chức, thân quen, cánh hẩu". Qua đó cho thấy thông điệp gì, thưa ông?

Muốn Đại hội 13 là Đại hội không chạy chức, chạy quyền còn tuỳ thuộc rất lớn vào hội nghị TƯ 7. Nếu TƯ 7 không chuẩn, bàn không ra những vấn đề liên quan đến người đứng đầu, cơ chế kiểm soát quyền lực, cán bộ cấp chiến lược thì Đại hội 13 sẽ có "quân xanh, quân đỏ". Đã có "quân xanh, quân đỏ" thì sẽ có chạy chức, chạy quyền.

Hội nghị Ban chấp hành TƯ 7 chính là bước đệm cho thành công của Đại hội Đảng 13. TƯ 7 thành công chính là bước loại trừ ‘quân xanh, quân đỏ’ cho Đại hội 13.

Năm qua có khá nhiều biến động trong công tác nhân sự, kể cả nhân sự cấp cao. Vậy việc chuẩn bị nhân sự khoá tới cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?

Phải có một cuộc tổng kết về công tác cán bộ từ khi đổi mới, tức là từ Đại hội 6 - 12. Có thể nói, qua các kỳ Đại hội, không có một đại hội nào mà không có nhiều ý kiến tranh cãi, bàn luận về nhân sự Tổng bí thư. Có những lúc gây cấn đưa vào rồi rút ra, bàn đi bàn lại có hôm đến 2 giờ sáng.

Cơ chế gì cũng vậy, muốn tổ chức to hay nhỏ như thế nào nhưng vấn đề con người vẫn là quan trọng nhất. 

Đại hội 13 nên chuẩn bị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây