Hỏi dân và nghe dân

Chủ nhật - 13/05/2018 21:36
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII hôm 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi nói về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ là phải đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng...
dG9uZy1iaS10aHUtY2hheS1jaHVjLWNoYXktcXV5ZW4tY2hheS10dW9pLWNoYXktdG9pLWNoYW0tZHVvYy1uZ2FuLWNoYW4=
dG9uZy1iaS10aHUtY2hheS1jaHVjLWNoYXktcXV5ZW4tY2hheS10dW9pLWNoYXktdG9pLWNoYW0tZHVvYy1uZ2FuLWNoYW4=

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Điều mà Tổng Bí thư nhấn mạnh đến chính là những gì xảy ra từ thực tiễn công cuộc xây dựng và phát triển đất nước những năm gần đây. Trong khi chúng ta rất cần một đội ngũ cán bộ đáp ứng được đòi hỏi của sự thay đổi, phát triển đi lên của thế giới và sự phát triển của kinh tế- xã hội ở trong nướcmột đội ngũ cán bộ giỏi thực tiễn và vững lý luận. Đội ngũ đó phải đáp ứng được công việc ở mức độ cao, phải là người đức độ; hay nói một cách đơn giản là phải vừa có tài nhưng lại phải vừa đủ đức. 

Vì thế, Tổng Bí thư cho rằng, cần phải nghiêm túc, kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Hội nghị lần này đã đề ra. Trong đó, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp uỷ các cấp; kiểm soát, quản lý tốt đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác tổ chức cán bộ;...

Có một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết lần này của Trung ương về công tác cán bộ, đó là bên cạnh yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ thì phải đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ… Coi đây là giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Kiểm soát quyền lực không phải là điều đến giờ mới nói nhưng thực tế trong công tác xây dựng Đảng chuyện kiểm soát quyền lực lắm khi bị người ta cố tình lãng quên, lâu nay điều đó chưa được làm thật tốt.

Về vấn đề này, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhận xét: “Tôi thấy các quy định của Trung ương, nề nếp mà chúng ta đang thực hiện nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì sẽ “nhốt” được quyền lực”. Nhưng, ông
Hùng cũng tỏ ra băn khoăn: Nhưng mà ai “nhốt”? Bây giờ phải chọn được người được trao quyền lực ấy, giám sát được quyền lực ấy và người khoá được quyền lực ấy.

Vì thế, rất cần phải đào tạo và chọn được những người sử dụng cái “lồng quyền lực” ấy một cách hữu hiệu và họ phải là những người đủ đức, đủ tài, có sự công minh, chính đại thì mới mong việc kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực đạt kết quả mong muốn.

Trở lại câu chuyện được dư luận quan tâm và Hội nghị Trung ương bàn bạc lần này, liên quan đến công tác cán bộ, đó là câu chuyện về kiểm soát quyền lực hay là “nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế”; Trung ương đang bàn bạc nhằm tạo ra các loại công cụ, các quy định, thể chế, tạo nền tảng, sản xuất ra các “lồng nhốt quyền lực”. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ
bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

Trong đó, theo Tổng Bí thư, Trung ương nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực một cách nghiêm ngặt. Nếu, phát hiện ra sẽ phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. 

Vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã và sẽ được đề cao trong việc giám sát cán bộ đảng viên và góp ý xây dựng Đảng. Cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp- sẽ được củng cố, hoàn thiện. Nói như ông Vũ Quốc Hùng thì: “Bây giờ những người lãnh đạo các cấp phải thật thà với dân, lắng nghe dân. Trong khi nghe phải biết chắt lọc, có 10 ý kiến mà đúng 4 ý kiến là tốt rồi, còn nếu không hỏi thì không có ý kiến nào cả. Thế nên phải hỏi dân, và phải chân thành với họ”.

Rõ ràng, muốn kiểm soát quyền lực thành công nhất định phải đấu tranh phòng chống có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền và hướng tới 4 không: Không thể “chạy”; không dám “chạy”; không cần “chạy” và không muốn “chạy”. Trong đó cần chú trọng đến 2 không là không thể “chạy” và không dám “chạy”. Muốn thế đi kèm với các giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng; giải pháp về cơ chế chính sách đãi ngộ rất cần sớm hoàn thiện. Mục tiêu là làm sao quản lý tốt đội ngũ cán bộ, chặn đường “chạy” để những đối tượng cơ hội không thể “chạy” và không dám “chạy”. 

Tất cả những điều đó sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh trong công tác cán bộ, nếu thực hiện thành công các “công đoạn” sẽ góp phần kiểm soát quyền lực thành công.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Mai

Nguồn tin: daidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây