Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước: Quy định còn nhiều bất cập

Chủ nhật - 29/09/2019 21:08
Là người thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đưa vào cuộc sống, đội ngũ người đứng đầu cơ quan hành chính (CQHC) nhà nước là chủ thể mang tính chất quyết định thành công của cải cách nền hành chính. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy các quy định pháp luật về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu còn không ít hạn chế, bất cập.
Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước: Quy định còn nhiều bất cập
Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước: Quy định còn nhiều bất cập

Phải chịu trách nhiệm đến cùng

Xác định trách nhiệm và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan HCNN luôn là một nội dung quan trọng trong các văn kiện của Đảng, nhất là trong các văn kiện được ban hành gần đây.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa IX của Đảng đã nhấn mạnh: “Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đồng chí ủy viên Trung ương, bí thư tỉnh, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác phải tự giác rèn luyện, nêu gương cho cấp dưới...

Các đồng chí đó phải chịu trách nhiệm trước khuyết điểm tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong ngành, địa phương, đơn vị mình. Những cơ quan, đơn vị có sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó dù không trực tiếp vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm và hình thức kỷ luật thích hợp”. 

Trước đó, Văn kiện Đại hội X cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính là: “tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là thủ trưởng cơ quan nhà nước”…

Thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn người đứng đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ không ít tồn tại. Điều này đã được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ là một trong những nguyên nhân làm hạn chế trong quản lý nhà nước, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm để trục lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm... 

“Do đó, việc xem xét làm rõ mối quan hệ giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu CQHC nhà nước; đồng thời, chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu CQHC nhà nước là rất cần thiết và quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, ông Cao Văn Thống, Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận định.

Cho rằng các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh trách nhiệm cá nhân người đứng đầu chưa được đầy đủ, ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nam chỉ ra thực tế: Một số văn bản có những nội dung không còn phù hợp nhưng chưa sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ; một số văn bản mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, đòi hỏi phải có giải thích bằng những văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện, nhưng việc ban hành các văn bản đó còn chậm. 

Đặc biệt, những quy định về trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu còn chưa đầy đủ và rõ ràng nên khi thực hiện pháp luật, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, vừa không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ. 

Cùng quan điểm này, ông Cao Văn Thống cho biết, thực tế cho thấy nhiều khi để phân biệt rạch ròi trách nhiệm của tập thể CQHC nhà nước với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đó không đơn giản, nhất là ở những nơi bí thư cấp ủy đồng thời chủ tịch UBND; người đứng đầu CQHC nhà nước cũng là người đứng đầu tổ chức đảng, dẫn đến hiện tượng thành tích thì cá nhân nhận, nhưng khuyết điểm lại là trách nhiệm của tập thể. 

Việc gánh chịu một phần hậu quả do mình gây ra đối với tập thể thì rất dễ, nhưng đối với cá nhân người đứng đầu thì nhiều trường hợp không dễ chút nào, mà phải có chứng cứ rõ ràng, thuyết phục thì họ mới chấp nhận, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình đổ lỗi tại tập thể.

Cũng vì “đổ lỗi cho tập thể “ nên một số lĩnh vực cần có sự tham gia, phối hợp quản lý của nhiều ngành nhưng khi xảy ra vụ việc thì ngành này lại đẩy trách nhiệm cho ngành khác, không ngành nào chịu trách nhiệm chính. Chẳng hạn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản... Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, rằng việc đó chỉ giao cho một ngành chủ trì, phối hợp với những ngành khác thì khi có vấn đề xảy ra, ngành nào chủ trì, người đứng đầu ngành đó phải chịu trách nhiệm.

Tăng cường sự chủ động đối với người đứng đầu

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong CQHC Nhà nước hiện nay, theo ông Đỗ Hồng Hà, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng cường sự chủ động quyết định đối với người đứng đầu, trên cơ sở phải đảm bảo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đơn vị nói chung và CQHC nhà nước nói riêng. 

Nhất trí cao với việc sửa đổi pháp luật về cán bộ, công chức lần này đòi hỏi phải  có cơ chế xác định rõ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách khi xem xét, đánh giá người đứng đầu CQHC nhà nước, nhưng TS. Trần Nghị (Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ) lưu ý cần thận trọng, bởi đây là công việc to lớn, khó khăn và phức tạp. “Nếu chỉ nhấn mạnh lãnh đạo tập thể mà xem nhẹ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu CQHC nhà nước thì dẫn đến tình trạng không rõ trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là khi có sai phạm; song nếu đề cao quá mức vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu CQHC nhà nước thì dễ dẫn đến độc đoán, chủ quan, duy ý chí”, TS Nghị nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình kiến nghị sớm có quy định về từ chức và sửa đổi quy định về kỷ luật với cán bộ, công chức. Hiện có nhiều ngành, địa phương để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trong quản lý, điều hành, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội hoặc trong cả nhiệm kỳ giữ chức vụ, người đứng đầu không làm được gì để ngành, địa phương mình phát triển (thậm chí còn yếu kém hơn khi chưa giữ chức vụ) nhưng rất ít người ý thức được rằng mình có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí đó hay không?

Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm với quyền lợi của người đứng đầu qua công tác đánh giá, phân loại và thi đua, khen thưởng. Nếu cơ quan, tổ chức được giao quản lý hoàn thành nhiệm vụ ở mức nào thì người đứng đầu không được phân loại cao hơn mức đó và nếu không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì không được xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. 

“Muốn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không có “vùng cấm” như hiện nay. Có như vậy thì người đứng đầu mới nhận thức được vị trí của mình ở đâu, mình phải làm gì và làm như thế nào; quyền lực mà Nhà nước trao cho mình là để thực hiện sứ mệnh phụng sự cho tổ quốc, cho nhân dân chứ không phải để mình thỏa mãn tham vọng cá nhân”, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình kiến nghị.


 

Tác giả bài viết: Vân Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây